Chuyện trẻ con

(Dân trí) - Anh vô tâm từ bé nên chiều người có lẽ đã quen. Còn em thì chưa...

 

Chuyện trẻ con

 

Thứ bảy anh được nghỉ thì lướt mạng, chơi điện tử đến hết ngày, không động tay chân bất cứ việc gì. Trưa vợ về sấpngửa nấu nướng, ăn xong, dọn dẹp rồi mới lại vội vàng đến cơ quan.

 

Lúc có con còn khốn khổ hơn bội phần,vì chẳng có một sự trợ giúp, không nửa lời sẻ chia từ chồng. Làm như con là cái nợ do chính em gây ra, nên phải gánh hậu quảvà giải quyết một mình.

 

Em làm tất chẳng buồn ca thán nữa sau những ngày rát cổ, bỏng họng hò hét, kêu gọi anh. Rồi thở dài, tự động viên mình, làm thêm một tí cũng chẳng chết ai và thầm đổ cho số mình hẩm hiu.

 

 Rồi bà nội đến, chẳng giúp được gì ngoài việc nhắc đi nhắc lại cho em biết mình là người mẹ tồi tệ, vụng về và vô dụng ra sao. Sau khi quay như chong chóng tất thảy mọi thứ thì phải nghe những bài ca được diễn đi diễn lại ấy, đầu em muốn phát nổ.

 

Không những thế, bà còn bênh con trai chằm chặp. Em chỉ cần tỏ thái độ không vui việc anh đi chơi về muộn bà cũng cáu lại em. Chỉ khi nào mặt em tươi như hoa đón anh sau tan sở về, cung phụng chồng như một ông hoàng thì bà mới thôi bực dọc... Có ai nhẫn nhịn mãi được không?

 

Thế rồi một lần em to tiếng vì anh đi nhậu đến mười giờ mới dò dẫm về, gọi điện không nghe máy, cũng không một tin nhắn báo về. Bà cũng sửng cồ lên với con dâu, bảo rằng em nói anh khác gì chửi vào mặt bà. Đó cũng là cái cớ rất tuyệt vời và chính đáng để bà bỏ về quê “mặc mẹ chúng mày”.

 

Sau đó bà giải thích với bà con lối xóm việc vì sao không thể tiếp tục trông cháu nội. Bà không chịu nổi con dâu hỗn láo, thiếu tôn trọng mẹ chồng, cứ nói chồng xơi xơi dù có mẹ chồng ở cùng nhà...  Lại được nhiều người chưa hiểu rõ chuyện nhưng cứ thích“bơm vá” cho rằng thời nay quá nhiều “mẹ dâu”, nên mẹ anh càng tức tợn, và càng nghĩ mình đúng, cố làm căng ra cho con dâu sợ và biết điều hơn. Mẹ bắt anh phải chọn mẹ hoặc vợ. Anh ra đi vì không muốn mẹ bị tụt huyết áp thêm, giờ sức khỏe của mẹ quan trọng hơn cả.

 

Anh để mình em loay hoay xoaysở, ban ngày phải mang con đi gửi bác hàng xóm nghỉ hưu, còn việc nhà mọi khi em vẫn tự làm, nên cũng chẳng hề gì, nhưng giờ đây trong lòng em dâng lên nỗi thấtvọng cùng cực.

 

Em đã nhận lỗi mình nóng giận,mong anh quay về, thanh minh với anh rằng cũng chỉ vì anh mải chơi, nên em mới cáu thế... Giờ đừng để những lỗi nhỏ làm ảnh hưởng đến gia đình lớn, đừng để sựviệc đi quá xa không ai kiểm soát được, ân hận thì cũng chẳng cứu vãn được nữa. Nhưng anh nghe mẹ, cứ thích làm già, kêu bố mẹ em phải đến có lời với người lớn nhà anh, việc đó thì em không làm được. Già néo đứt dây, em đành phải xa anh, gia đình ly tán, tất cả cùng buồn và đau khổ.

 

Đến khi lòng đã nguôi ngoai,quen với cuộc sống không chồng thì anh bỗng xuống nước năn nỉ em nghĩ lại. Anh nói nhẹ như bấc: “Giờ em bế con ngồi lên xe, anh sẽ chở cả nhà về qua quãng đường dài, cho trôi tuột hết mọi chuyện đi, mình làm lại từ đầu”.

 

Lòng đã lạnh nên em chỉ còn biết cười nhạt: “Thế có thành chuyện trẻ con hả anh, thế còn chuyện người lớn mang em đi bêu xấu, bôi gio khắp lượt dân làng, nhét những lời em hoàn toàn không nói vào miệng em, khiến bố mẹ em xấu hổ muốn chết thì biết giải quyết thế nào. Liệu mẹ anh có thể đi đến từng người để giải thích lại không?”

 

Chuyện riêng của hai vợ chồng, những nhắc nhở hoặc đôi khi là cãi cọ để cùng tìm cách thích nghi, tháo gỡ dần dần mà sao để người khác nhảy vào phán xét, khiến cho người vun vào thì ít, kẻ ác tâm bới ra thì nhiều. Anh không chịu tỉnh táo nghe bằng hai tai, sống với nhau ngần ấy năm mà anh không hề tin tưởng em...

 

Giờ với em, tất cả đã nhẹ lòng hẳn,vì chuyện trẻ con đã qua rồi.

 

TSL