“Chị nội”

(Dân trí) - Mẹ kế của chồng hơn chồng nó có vài tuổi, nên trước mặt nó cứ gọi hộ con là bà cho phải phép, còn khi kể lể nó thường gọi là chị nội. Chẳng ai biết nó nói xấu người nhà chồng, tưởng kể về bà cô ất ơ nào đó.


“Chị nội”



Bố chồng nó vẫn phong độ như thanh niên, tiền lại không thiếu. Ông góa vợ đã lâu, song mải mê công tác, nuôi con, với lại chẳng tìm được người đồng cảm nên mãi đến khi gặp “chị nội” ông mới lấy. Nó thì vẫn tin “chị nội” lấy bố chồng nó vì tiền, bởi mến tài thì cũng mến vừa vừa thôi chứ, đằng này, lấy người gần bằng tuổi bố, lại một lũ con lớn tướng, đứa nào cũng ra ngấm vào nguýt.

Nó thấy khó chịu vì thấy như bị san sẻ cỗ máy in tiền, sợ ông sẽ không lo cho vợ chồng nó như trước nữa. Nó ghét vì với nó, chị nội như chuột sa chĩnh gạo, cứ thẽ thọt ngọt nhạt, nhưng thực ra thì rỗng tuếch và hời hợt. Nó thấy “chị nội” can đảm, sừng sỏ chứ chẳng phải vừa.

Nó điên vì không biết “chị nội” mô kích những gì, mà ông nội lại hay quát mắng cháu “hư quá”, thế là không được, phải bảo là “chưa ngoan” cơ. Mà nghịch có thế đã là gì, trẻ con phải hiếu động, kệ nó chứ.

Nó tức bố chồng, tức chị nội, hôm thấy con bị ông quát, nó thẳng tay tát con hai cái vì bực, mà thực tâm không muốn tát con. Nó hậm hực bảo chồng có ý kiến với ông đi, cứ hỏi vì sao cháu không thích ông nội, toàn ước được làm siêu nhân để phun lửa đốt cháy nhà ông.

Rồi nó đòi ra ở riêng, việc mà ai cũng hoảng hốt, kể cả nó. Thực ra sểnh nhà ra thất nghiệp, tự lập có mà chết dấp, nó ngu gì mà ra, dọa thế thôi. Ở đây cái gì cũng sẵn, chỉ hơi khó chịu tí thôi. Vậy là nó cố nhịn, mặc kệ việc “chị nội” tiết kiệm quá đáng, chẳng biết hưởng thụ là gì. Mà không hiểu sao chị ta lại được lòng bố chồng và chồng nó thế chứ, càng nghĩ càng cáu.

“Chị nội” về sau nó một năm, không còn khả năng làm mẹ. Chị về đúng lúc nó chuẩn bị lâm bồn, lần ấy “chị nội” rào đón trước tỏ ý “Cứ đẻ ở đây cô chăm cho”. Nó bĩu môi nói với chị gái mình: “Cô ấy đẻ bao giờ đâu, biết gì mà đòi chăm”, vô tình nghe được “chị nội” chỉ khẽ khàng “Mấy đứa cháu con nhà bà chị gái đều một tay cô chăm hết, đừng lo”. Với nó đó như là ô sin giá rẻ, chẳng biết “chị nội” biết không, nhưng thấy ít nói ít cười hơn và vẫn hay lam hay làm.

Nó đi làm trở lại, “chị nội” lại xung phong trông con hộ, lấy đó làm niềm vui. Nó đưa cho đâu được hai triệu, nhưng cứ mãi tính toán thiệt hơn, kêu nhà nó ăn có một bữa ở đây, chồng nó còn đi trực suốt, ông lương cao, đưa thế là được rồi…

Hôm bố chồng nó bị nhồi máu cơ tim phải nhập viện gấp, “chị nội” xuống Hà Nội cùng, thường trực chăm, giúp ông tập đi lại.

Ông vốn không đưa hết tiền cho “chị nội”, mà cất riêng để thi thoảng cho các con. Song ông nằm viện làm sao ra ngân hàng rút được, vậy tiền ở đâu mà nhiều thế, khi ông được trang bị phòng và các dịch vụ y tế tốt nhất ở viện. Nó bắt đầu ngạc nhiên với tài thu vén của “chị nội”, rồi càng kinh ngạc không hiểu làm sao người phụ nữ nhỏ bé đó có thể cáng đáng toàn bộ việc nhà của lũ con cháu không cùng máu mủ ruột rà, mà chẳng hề một lời kêu than.

Giờ mình nó ở nhà xoay sở, vì đúng thời gian ấy chồng đi trực suốt. Nó phải thức đêm, dậy sớm, mà hôm nào cũng đi làm muộn, con liên tục bị sổ mũi, sốt vặt. Chi tiêu gấp mấy lần số nó đưa “chị nội” hàng tháng, bấy giờ lòng nó mới chùng xuống, thấu hiểu và thương “chị nội”, từ ngày về đây ngoài mệt ra, chị đã được cái gì đâu.

An Miên