Chẳng còn ai ở lại

(Dân trí) - Bước sang tuổi thu vàng, tâm trạng luôn sống trong phập phồng lo sợ, nhất là khi tận mắt chứng kiến cảnh người thân vô tình bỏ mình về nơi xa xăm lắm. Có bao giờ bạn thấy hụt hẫng khi gia đình có người đi mãi mãi không bao giờ trở lại?

Có lẽ đây là câu hỏi lạ lùng, bởi đứng trước sự mất mát quặn lòng, liệu ai có thể dửng dưng? Nhưng đối với tôi, kể từ khi mất hai người bạn thân thiết cuối cùng (Shirley và Henry) vào hồi năm ngoái, trái tim tôi như run thêm, hồn tôi như mất dần phương hướng.

Chẳng còn ai ở lại




Nhiều đêm tôi lặng lẽ ngước mắt, hứng mặt lên trời trộm nghĩ “hai ngôi sao ấy đang sống ở một phương trời khác xứ xở của tôi”. Sau cái chết của chồng và bố mẹ, tôi gần như tê liệt, kiệt quệ cả về thân xác lẫn tinh thần, cảm giác sống thật cô đơn, buồn tủi phủ kín cuộc đời bất hạnh. Người kề cận an ủi, vỗ về lúc đó chính là Shirley và Henry. Nhưng rồi họ cũng bỏ tôi về với cát bụi. Những tưởng cuộc sống sẽ trôi qua theo lẽ thông thường, không gì nghiệt ngã, dù cho biến cố tiếp tục xảy ra. Tận sâu thẳm con tim là nỗi đau tột cùng khó nói. Tôi phát hiện mình đang mất đi nhiều điều vô cùng quý giá.

Nỗi lo lớn nhất với tôi là một ngày nào đó vô tình tôi bỗng quên dần họ. Vì thế tôi lục tìm kỉ niệm bằng các món quà mà người thân gửi tặng. Cái chết của chồng để lại lỗ hổng lớn trong tôi với nỗi nghẹn ngào, đau khổ. Dù biết rất rõ bệnh nan y khó chữa, tâm lý chuẩn bị ngay sau khi bác sỹ trả về nhưng tôi vẫn hoàn toàn nghiêng ngả. Cũng may còn có các con - niềm hi vọng tương lai và là chỗ dựa tinh thần để tôi trụ vững.

Hai người bạn tiếp gót ra đi tuy không tác động sâu lắng như lần chồng mất, nhưng cũng khiến tôi suy nghĩ muộn phiền. Đáng lẽ trước lúc lâm chung, tôi nên có mặt để nghe họ trăn trối. Tự nhiên tôi mang cảm giác tội lỗi, buồn rầu, nhung nhớ mà không biết chia sẻ cùng ai.

Chồng tôi ra đi khiến lịch trình sinh hoạt gia đình phần nào thay đổi, bởi gối chăn đơn chiếc, bữa ăn lạnh tanh vắng bóng đàn ông. Còn lúc hai người bạn thân qua đời, thiên hạ cho rằng tim tôi chai lì, vô cảm. Thực ra tôi hoàn toàn bị sốc, trải qua xúc cảm nặng nề trong suốt đám tang, nhưng sau đó tôi dần hồi phục về mặt tinh thần, nhất là khi con trai tôi lấy vợ, niềm vui phần nào khỏa lấp, tôi không còn đau đớn như lúc ban đầu, nhưng tôi vẫn luôn nhớ về họ.

Tôi nhớ Shirley khi con gái út duyên dáng trong chiếc váy cưới trắng tinh. Trước đây Shirley từng nói cô ấy sẽ tình nguyện may tặng con bé chiếc đầm nổi và độc nhất. Tôi nhớ Henry mỗi lần thiết bị điện tử trong nhà hỏng hóc bởi anh ấy là một thiên tài kỹ thuật, luôn thành công hô biến cái hư thành tốt.

Có lẽ đó là hai người bạn gần gũi nhất cuộc đời đạm bạc của tôi. Mất họ cũng đồng nghĩa mất bến đỗ sẻ chia, mất đi người biết cảm thông, yêu thương chân thực.

Rõ ràng xã hội hiện đại, con người kết bạn tương đối dễ dàng và tùy hứng. Nhưng khi càng về già, khả năng tìm kiếm một người cùng chung chí hướng hoàn toàn không dễ. Vì thế mà người trung và cao tuổi không có bạn thường thấy cô đơn, tẻ nhạt. Dưới đây là một số gợi ý giúp bạn vượt qua nỗi đau khi mất đi một người bạn:

1. Chấp nhận mất mát. Tham dự đám tang, chia buồn cùng gia quyến, thể hiện sự xót thương, quý mến, trân trọng người đã khuất.

2. Thi thoảng gặp gỡ bạn bè, gia đình, người thân của người quá cố để khơi gợi một số kỉ niệm đẹp, nhớ lại khoảnh khắc đáng yêu của họ.

3. Hỏi xin một tấm hình để lưu lại, ghi rõ ngày sinh, tháng mất để dự đám giỗ hàng năm.

4. Trồng một loài hoa mà người bạn yêu thích. Hoặc cũng có thể nuôi một con vật đặt tên của họ.

5. Nếu người bạn đã mất còn có gia đình, anh chị em thân thích, hãy thường xuyên gọi điện hay liên lạc để duy trì mối quan hệ.

6. Có thể đến chùa cầu an cho người đã khuất.

7. Đôi khi cũng nên cúng tiến theo quan điểm dương sao âm vậy. Chẳng hạn như đi thăm mộ, tặng hoa, cúng trái cây.

8. Nỗi đau nào rồi cũng sẽ qua, không nên xúc động quá mức, hãy thảnh thơi, để người đã mất sớm được siêu thoát, không vương vấn trần gian.

9. Cũng nên kết bạn với nhiều người để hoán đổi vai trò và sống vui vẻ, hạnh phúc, như thế bạn của bạn mới yên lòng.

10. Làm theo những thứ mà công việc của người đã khuất vẫn còn dang dở. Chẳng hạn như triển khai công tác tình nguyện, giúp đỡ trẻ mồ côi, lang thang cơ nhỡ.

C.Nguyễn
Theo DM