Báo ứng

(Dân trí) - Hồi ấy, ông Hanh thuộc hàng đẹp trai, hào hoa vào loại nhất làng. Nhiều cô mê mệt ông, nhưng cuối cùng, bà Tám với nhan sắc bình bình lại “nẫng” được.

Báo ứng



Bà Tám vừa sinh đứa con gái đầu lòng, nó vẫn còn đỏ hỏn thì ông Hanh cầm ba lô rời làng đi. Ở nhà trông vào mấy sào ruộng còm cõi có mà nghèo rạc kiếp, người ta ra ngoài kiếm tiền như rác kia kìa! Đấy là ông nói với vợ thế, chứ thực chất là ông ham hố bay nhảy. Quanh quẩn mãi trong cái xó làng, lại cả ngày inh tai tiếng con khóc, ông sắp chết vì ngột ngạt rồi.

Mang tiếng đi làm ăn xa mà chả mấy khi ông Hanh gửi được đồng nào về cho vợ con. Ông bảo, làm ăn phải tùy thời gặp vận, tiền của thiên hạ chứ có phải lá mít đâu mà tưởng lượm dễ. Bà Tám ở nhà, một mình tần tảo sớm hôm chăm bố mẹ chồng và nuôi con. Được cái bà có khiếu buôn bán nên ngoài làm ruộng, bà đi chạy chợ, cuộc sống cũng gọi là tạm ổn. Thi thoảng ông Hanh có về thăm nhà, nhưng dăm bữa lại đi. Thế thôi cũng đủ “tặng” cho vợ thêm 2 thằng cu nữa rồi!

Sau 7 năm vào Nam ra Bắc, ngược xuôi làm ăn, ông Hanh như con chim mỏi cách, con ngựa chồn chân mỏi gối quay trở về. Ngày ông đi như nào thì về vẫn vậy, chỉ một ba lô nhét vài bộ quần áo. Người ta đồn rằng, chẳng phải ông Hanh không làm được tiền đâu, mà làm được bao nhiêu ông nướng hết vào cờ bạc, rượu chè rồi. Có người làng đi xa về còn nhỏ giọng rằng, chính mắt nhìn thấy ông sống với người đàn bà khác như vợ chồng trên mạn ngược.

Bà Tám gạt ngoài tai tất cả lời ong tiếng ve, niềm nở đón chào chồng về. Thời gian đằng đẵng xa cách đã lùi lại sau lưng, gia đình đoàn tụ sum vầy, bà chẳng mong gì hơn thế. Nhưng nhìn chồng lại nhìn mình, bà ngao ngán không để đâu cho hết. Gần chục năm lặn lội, bươn chải vì cơm áo gạo tiền, lại sinh 3 đứa con, bà đen đúa, to béo và “nhàu nhĩ”. Còn ông, sương gió dường như càng khiến ông phong trần, hấp dẫn hơn.

Chưa đầy 2 năm sau, một ngày ông về nhà nằng nặc đòi cắt đứt với vợ. Hóa ra ông đã phải lòng cô ả chủ quán tạp hóa ở làng bên. Chả biết 2 người lòng thòng với nhau từ bao giờ, nhưng có vẻ bết bát lắm, còn thề không lấy được nhau thì lên chùa đi tu.

Làm sao giữ được kẻ muốn bỏ đi, bà Tám đành để ông toại nguyện. Ông sang ở với vợ mới, trước khi đi còn vét sạch ít vàng tiết kiệm của bà Tám. Ba đứa con với bà Tám, bao năm sau ông chẳng thăm nom, hỏi han bao giờ. Làng này làng kia, ra đường có khi đụng mặt nhau mà vợ - chồng, cha - con coi nhau như người dưng nước lã.

Sau này, đùng cái tỉnh quy hoạch xây khu công nghiệp, mở đường quốc lộ mới, bộ mặt của làng thay đổi như chong chóng. Bà Tám trước đây có mua miếng đất, giờ mảnh đất của bà lại thành ra tọa ngay vị trí đắc địa. Đất rộng, bà bán đi một nửa xây nhà, mở rộng kinh doanh, nửa còn lại cất dãy nhà trọ cho công nhân khu công nghiệp thuê. Nhờ trúng quả đất ấy, bà tự dưng phất lớn.

Con gái lớn của bà Tám với ông Hanh đã là bác sĩ, 2 thằng bé cũng sắp học hành thành tài đến nơi. Chúng nó vẫn về thăm nom bên nội nhưng dứt khoát coi ông Hanh như không khí.

Còn ông Hanh, có được với vợ mới một thằng con trai, nhưng thằng đó lớn lên nghịch như tướng cướp, suốt ngày lêu lổng theo đám bạn xấu. Mới đây nó gây tai nạn, người ta thì gãy chân, nó cũng nằm dí trong viện cả tháng trời. Vụ đó ngốn hết của nhà bao tiền của. Cửa hàng tạp hóa của vợ ông, ngày xưa nhờ số tiền ông “chôm” từ vợ cũ cũng đã mở rộng quy mô đấy, nhưng chẳng hiểu sao làm ăn cứ lụn bại dần. Thiên hạ bảo, đó là báo ứng.

Gần năm chục tuổi đầu, ông Hanh vẫn phải đi chạy xe ôm. Thỉnh thoảng người ta thấy ông khóc, nói sợ đến lúc chết không nhắm mắt nổi vì các con không chịu nhìn mặt mình. Trưa hè nắng nhễ nhại ông vẫn phải đứng ở đầu đường mời chào từng cuốc xe ôm, ai thấy cũng chép miệng thở dài: “Đúng là báo ứng”.

Sông Giang