Góc tâm hồn

Ao làng ngày xưa

Tôi có người cậu đi Nam lập nghiệp, rất lâu mới có dịp về quê. Khi bác xe ôm hỏi về đâu, ông cậu bối rối: “Về làng Quát, dừng chân nơi có cái ao giữa làng”. Nhưng khi tới nơi phải loay hoay mãi, cậu tôi mới tìm được về nhà vì ao làng không còn nữa.

Tôi nhớ mình có một người cậu đi nam lập nghiệp, rất lâu mới có dịp về thăm quê. Rời khỏi đường quốc lộ bắt thêm một chặng đường nữa về nhà. Khi bác xe ôm hỏi về đâu, ông cậu bối rối trả lời: “Về làng Quát, dừng chân nơi có cái ao giữa làng”. Nhưng khi tới nơi phải loay hoay mãi, cậu tôi mới tìm được về nhà vì cái ao làng không còn là ao nữa”.

 

Tôi sinh ra và lớn lên, làng tôi đã không còn mái đình cổ kính, cũng không thấy cây đa mấy người ôm không xuể… May thay lại có một cái ao làng. Ao làng có từ bao giờ, tôi không trả lời được, mọi người cũng không trả lời được, chỉ biết rằng nó có từ lâu lắm rồi. Suốt những năm thơ dại.

Ao làng tôi rộng hơn một sào đất, có vị trí khá đẹp, nằm giáp đường cái lớn của làng, có ruộng lúa xung quanh lại được làng mạc bao bọc.

 

Theo nhiều người dân quê tôi kể lại, ao làng ngày trước rộng và sâu lắm, nước trong vắt. Quanh ao cây cối mọc um tùm, không ngày nào vắng người lên xuống rửa ráy, trẻ con tắm giặt, trâu bò uống nước. Những đêm trăng các bà, các chị gánh khoai, ghánh rau ra rửa, nói chuyện rôm rả cả bến ao.

 

Ngày mưa lũ, nhiều người cắt vó, thả lưới bắt cá trên ao, những chiếc vó lớn mấy người đàn ông lực lưỡng mới giơ nổi. Có con cá nặng hàng cân quẫy tung tóe dưới đáy vó. Rất đông người già, trẻ nhỏ, thanh niên… đứng quanh ao chỉ trỏ nói cười.

 

Ao làng cũng là nơi hẹn hò của những đôi trai gái trong làng, có rất nhiều đôi nên vợ nên chồng từ đó.

 

Thế nhưng, ao bây giờ đã khác xưa. Từ trên đường cái lớn có những bậc thềm nhưng không thấy mấy ai lên xuống vì ao không dùng để chứa nước! Không biết từ bao giờ đất, rác, cây cỏ dại đã san bằng đáy ao. Ao ở giáp đường cái lớn nhưng trơ trọi và quạnh quẽ lắm. Quanh ao không có đến một bóng cây, một tiếng chim hót, hay một con cá đớp động. Dòng nước ngọt chảy xuôi về đây đi qua không biết bao nhiêu làng khác, cuốn theo nó đủ loại rác rưởi đổ vào ao làng. Người dân làng cũng không ít người sẵn sàng quẳng xuống ao từng bọc lớn rác. Có những ngày nước lớn, xác động vật như lợn, gà, chó, chuột… trôi lênh bênh trong ao, mùi hôi thối tanh tưởi bốc lên. Người ta vẫn mặc nhiên lại qua, bịt mũi, bịt miệng rảo chân đi như chạy… trốn khỏi ao làng.

 

Giờ đây ao làng trở nên hoang hóa và dần trở thành một cái hố rác lớn ngay giữa làng.

 

Tại sao người dân quê tôi và chính quyền địa phương lại không bắt tay ngay từ bây giờ để lưu giữ và bảo vệ một vật thể chứa đựng nhiều giá trị văn hóa tinh thần cũng như môi trường sinh thái quan trọng như vậy?

 

Xuyến Chi - Khánh Hồng