Anh em thâm thù vì đất

Từ vùng quê nghèo lên thị xã, đất đai lên giá, nhiều gia đình cũng vì đất mà bất hòa, anh em thâm thù không nhìn mặt nhau.


Anh em thâm thù vì đất



Tranh thủ mấy ngày nghỉ lễ, cả nhà tôi về quê thăm ba má. Từ ngày lên thị xã, Cai Lậy - Tiền Giang quê tôi thay đổi nhiều quá. Những con đường lầy lội đã được thay bằng đường nhựa sạch sẽ, không còn cầu khỉ, cầu tre mà là cầu bê tông chắc chắn. Nhiều nhà ngói, nhà tầng cũng mọc lên.

Tôi buột miệng khen: “Quê mình nay khác quá”. Má tôi chép miệng: “Đẹp thì có đẹp nhưng tình nghĩa xấu đi”. Trước sự ngơ ngác của tôi, má từ tốn: “Ngày xưa heo hút, đất đai chẳng giá trị gì nên người ta ít quan tâm. Nay quê mình lên thị xã, đất tăng giá vùn vụt, anh em trong nhà tranh giành, hục hặc, rồi kéo nhau ra tòa...”.

Má tôi kể không ở đâu xa, như mấy đứa con nhà bà Sáu, cách nhà tôi một cánh đồng, tuần trước gây gỗ vang cả xóm cũng vì đất. Bà Sáu số lận đận từ bé, lấy chồng sinh được con trai, con gái đề huề, vậy mà chồng bỏ đi theo người đàn bà khác. Ông bà để lại cho mảnh vườn tạp 3.000 m2, bà nhịn ăn nhịn mặc mua thêm 2.000 m2 ruộng.

Mấy mẹ con rau cháo nuôi nhau rồi cũng qua thời khó khăn. Một thân, một mình, bà đứng ra dựng vợ, gả chồng cho con. Tưởng đâu tuổi già được thảnh thơi, bà lại đau khổ vì mấy đứa con. Đứa con gái út của bà lấy phải thằng chồng rượu chè bê tha, công việc bữa đực bữa cái nên bà phải giang tay ra giúp. Để căn nhà gạch khang trang cho cậu con trai lớn, bà dựng mái lá tềnh toàng kế bên cho con gái, con rể cùng ở.

Mọi việc yên ắng cho đến khi đất tăng giá quá cao. Mảnh vườn hương hỏa của bà Sáu nằm ngay mặt tiền đường. Người con trai lớn quyết dành lấy lại cái nền nhà ở mặt đường để dành cho con mình, còn cô gái út bị anh chia 1.000 m2 phía sau nhà. Cô gái út nhất quyết không đồng ý, đòi 1.000 m2 mặt tiền. Rồi chuyện gì đến cũng đến, anh em cãi nhau nảy lửa, bao nhiêu thâm thù oán hận được kể lể ra... Bà con hàng xóm đến xem nghẹt một quãng đường. Ai cũng lắc đầu ngao ngán vì đất mà anh em ra cớ sự. Cho đến khi bà Sáu đòi uống thuốc rầy chết thì không khí mới yên ắng trở lại.... Nghe đâu, anh em họ không nhìn mặt nhau mà chờ tòa án giải quyết.

Cũng vì đất mà bao gia đình quê tôi xào xáo, tình thân mất hết. Hôm tôi về, cậu Thông, em họ của má tôi, ghé chơi. Ngồi uống trà với ba tôi mà mặt cậu buồn rười rượi. Cậu nói: “Chắc em tìm miếng đất nào nhỏ nhỏ, ít tiền, heo hút cũng được rồi dựng tạm cái chòi lá đưa vợ con về ở, cho yên cái thân”.

Chuyện là căn nhà của ông bà Tám để lại cho vợ chồng cậu Thông nằm ngay chân cây cầu sắt nay phải giải tỏa vì làm cầu bê tông lớn. Nghe đâu, số tiền đền bù lên đến 750 triệu đồng. Chưa kịp vui mừng, cậu tá hỏa khi 6 chị em gái của cậu ra tối hậu thư: theo luật thì con trai, con gái hưởng như nhau, cậu phải cho mỗi người 100 triệu đồng, còn bao nhiêu là phần cậu.

Ông bà Tám tôi có cả thảy 7 người con, 6 gái, chỉ có cậu Thông là con trai. Theo lệ thường, con trai ở với cha mẹ, được thừa hưởng nhà cửa và có trách nhiệm thờ cúng. Cậu Thông cũng nghĩ mọi chuyện như thế nên làm được bao nhiêu cậu đổ vào sửa sang, tu bổ nhà cửa. Rồi ngày bà Tám đột quỵ, một tay mợ Thông chăm nom, bồng ẵm, đút ăn, rửa ráy suốt 4 năm trời khi bà nằm một chỗ. Mấy cô con gái ở gần đó thì lâu lâu chỉ qua hỏi thăm rồi mất dạng vì ai cũng bận công chuyện làm ăn, lo cho chồng, cho con. Ông Tám cũng ra đi đột ngột, chưa kịp làm di chúc để lại cái nhà cho cậu.

Cậu vẫn ở nhà ấy, coi sóc, thờ phụng mà chẳng ai nói gì cho đến khi có cái quyết định giải tỏa, đền bù kia. “Mấy chị em ai cũng có cơ ngơi riêng, của ăn của để chứ đâu ai nghèo khó mà đòi tiền quá xá vậy anh Ba? Con Sáu, con Bảy còn được ba má tôi cho riêng mảnh đất sau nhà cất nhà, trồng cây, đợt này tụi nó cũng bị làm cầu lấn vào mấy mét, được bồi thường gần cả trăm triệu đồng... Đồng tiền làm cho người ta quên hết tình nghĩa rồi chăng? Thì chia theo luật nhưng số tiền còn lại làm sao mà em mua được miếng đất mới xây nhà giữa cái thị xã này?”- cậu Thông trầm giọng nói với ba tôi.

Cậu ra về, bóng đổ xiên xiên trong nắng chiều.

Không chỉ gia đình bà Sáu, gia đình cậu Thông anh em trở mặt, kiện tụng nhau mà còn rất nhiều gia đình anh em còn đâm chém nhau vì đất. Má tôi nhìn theo, chép miệng: “Không có của để lại cho con cái cũng khổ mà có của càng khổ hơn!”.

Theo Thái Bình
Người Lao Động

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm