“Ăn chung, ăn riêng” trong gia đình hiện đại
Lâu nay chuyện ăn chung, ăn riêng vốn được xem là khá phức tạp trong những gia đình ba bốn thế hệ cùng sinh sống. Và ở các thành phố lớn như Hà Nội thì chuyện “riêng, chung” lại càng phức tạp hơn.
Gia đình bác Tâm ở Tân Mai - Hà Nội có ba người con, hai trai và một gái. Tất cả đều đã có gia đình riêng. Vậy nhưng, vì hoàn cảnh và điều kiện sống không cho phép nên hai con trai và cả cô con gái út của bác sau khi xây dựng gia đình đều sống cùng vợ chồng bác.
Căn nhà vốn đã nhỏ, nay có thêm con dâu, con rể, cháu nội, cháu ngoại lại càng trở nên chật chội hơn. Và cũng chính vì cái sự chật chội ấy mà cuộc sống và sinh hoạt của cả đại gia đình luôn trong tình cảnh căng thẳng. Hơn mười người cùng sinh hoạt chung nên luôn nảy sinh mâu thuẫn và những bất đồng khó có thể hóa giải. Thấy vậy gia đình anh lớn xin ăn riêng, rồi đến gia đình anh thứ hai cũng xin ăn riêng và cuối cùng là vợ chồng cô út.
Thời gian đầu, việc ăn riêng trong gia đình các con bác Tâm khá ổn định. Nhưng càng về sau vấn đề lại càng phức tạp hơn. Bởi theo như lời kể của bác thì có quá nhiều mâu thuẫn bắt đầu từ việc ăn riêng trong gia đình các con bác.
Đơn giản như việc nhà này thường xuyên sử dụng gia vị, dầu, mắm, bát ăn của nhà kia, hay việc gia đình này dùng tốn nhiều gas, nhiều nước... hơn gia đình kia cũng trở thành câu chuyện, thành đề tài để các gia đình chì chiết, trách móc, thậm chí lời qua tiếng lại với nhau. Thấy con cái bất hòa chỉ vì những chuyện nhỏ nhặt trong sinh hoạt hàng ngày, bác Tâm rất buồn.
Trong câu chuyện của mình không ít lần bác nghẹn ngào vì không thể tin được anh em, con cháu sinh sống cùng một nhà lại nảy sinh nhiều mối bất hòa đến vậy. Bác bảo trước kia ăn chung cũng khổ, nay cho các con ăn riêng cũng chẳng bớt khổ hơn.
Ít con cũng khổ
Tưởng rằng, gia đình đông con việc ăn chung, ăn riêng mới phức tạp, ngay cả những gia đình ít con việc ăn chung, ăn riêng cũng là vấn đề không đơn giản.
Câu chuyện của gia đình bác Minh ở Đại Kim - Hà Nội là một ví dụ. Nhà neo người, chỉ có duy nhất cậu con trai nên hai bác thúc ép con lấy vợ khá sớm. Và cũng theo yêu cầu của hai bác, vợ chồng anh không ở riêng mà sống cùng bố mẹ trong ngôi biệt thự khang trang ở khu đô thị Đại Kim.
Ngôi biệt thự rộng đến hơn trăm mét vậy mà sau khi hai công chúa của vợ chồng con trai ra đời dường như cũng trở nên chật chội. Đã thế thói quen sinh hoạt và cả thực đơn ăn uống của hai vợ chồng bác cũng khác rất nhiều so với gia đình con trai. Từ việc giờ ăn cho đến việc chế biến thức ăn của hai thế hệ cũng khác nhau. Hai bác thường ăn cơm sớm để đi tập thể dục, còn gia đình con trai bác thì sinh hoạt, ăn uống thất thường hơn. Đã thế việc giờ giấc chung trong gia đình cũng luôn khiến mối quan hệ giữa mẹ chồng nàng dâu trở nên căng thẳng.
Sau những lần lời qua tiếng lại, vợ chồng bác Minh quyết định cho vợ chồng con trai ăn riêng. Bác kể rằng, những ngày đầu ăn riêng bác luôn cảm thấy chếnh vếnh và dằn vặt. Bác sợ các con không hiểu lại trách móc bác hẹp hòi, ích kỷ, rồi lại sợ hàng xóm chê cười là thiếu trách nhiệm với con cái. Nhưng đến nay, sau ba năm cho con ăn riêng bác cảm thấy quyết định của mình là sáng suốt.
Bởi những rắc rối này sinh từ việc ăn chung đã không còn nữa. Hai bác cảm thấy thoải mái vì được sống và sinh hoạt theo ý mình. Còn gia đình con trai bác cũng thoải mái hơn. Anh chị được bố trí cuộc sống phù hợp với thói quen và sở thích của mình. Chính vì vậy không khí gia đình không còn căng thẳng và nặng nề như trước nữa.
Lời kết
Trên đây chỉ là hai trong số rất nhiều những câu chuyện đã và đang xảy ra trong các gia đình mà nguyên nhân chính vẫn là việc “ăn chung, ăn riêng”. Vẫn biết rằng, mỗi người, mỗi gia đình sẽ có sự lựa chọn riêng, tuy nhiên, cho dù là sự lựa chọn nào đi chăng nữa thì cũng phải phù hợp với hoàn cảnh và thói quen sinh hoạt, văn hóa sống của người Việt.
“Ăn chung, ăn riêng” tuy không phải là chuyện lớn, nhưng nếu không nhìn nhận đúng thì rất có thể những chuyện nhỏ lại trở thành chuyện lớn làm sứt mẻ tình cảm gia đình.
Theo Đời sống Gia đình