Thị trường điện tử toàn cầu: Thua lỗ và cơ hội
Chỉ trong hai tuần đầu tháng 5/2009, thông tin thua lỗ của các công ty điện tử hàng đầu Nhật Bản liên tục được đăng tải rộng rãi trên các phương tiện truyền thông.
Nguyên nhân dẫn đến kết quả kinh doanh không mấy lạc quan này được cho là do khủng hoảng kinh tế và đồng yên tăng giá.
“Bão” quét qua nước Nhật
Có một cơn bão đang quét qua ngành sản xuất điện tử Nhật Bản khi một loạt các tập đoàn điện tử hàng đầu như Sony, Toshiba, Hitachi, Panasonic... công bố mức thua lỗ. Theo BBC, Hitachi đã công bố mức lỗ 787,3 tỷ yên (tương đương 8,28 tỷ USD) trong năm tài khóa kết thúc vào tháng 3/2009, đây là mức lỗ lớn nhất đối với một công ty sản xuất hàng hóa Nhật Bản. Gần đây nhất, Panasonic cũng thông báo mức lỗ 379 tỷ yên (tương đương 4 tỷ USD) tính đến tháng 3/2009, công ty này dự kiến vẫn lỗ trong năm tài khóa hiện thời, do nhu cầu sản phẩm điện tử giảm, ảnh hưởng đến tình hình kinh doanh của TV màn hình phẳng và máy ảnh kỹ thuật số. Nhưng sự kiện “đình đám” nhất chính là việc Sony công bố lỗ 98,9 tỷ yen (tương đương 1,04 tỷ đôla Mỹ) trong năm tài khóa tính tới tháng 3/2009, so với mức lời 369,4 tỷ yên (tương đương 3,88 tỷ USD) trong năm trước đó. Tên tuổi lớn nhất trong ngành sản xuất điện tử Nhật Bản đã có năm kinh doanh thua lỗ đầu tiên trong vòng 14 năm qua.
Các nhà phân tích và lãnh đạo của các tập đoàn này cho rằng tình hình kinh doanh thua lỗ là kết quả của khủng hoảng kinh tế và của việc đồng yên tăng giá, khiến cho giá của các mặt hàng “made in Japan” đắt hơn hàng hóa của các đối thủ cạnh tranh.
Tình hình kinh doanh không thuận lợi khiến các tập đoàn điện tử Nhật Bản đứng trước những quyết định khó khăn. Theo BBC, Sony đã cắt giảm 8.000 trong tổng số 185.000 công nhân và đóng cửa 6 trong tổng số 57 nhà máy trên toàn cầu chuyên sản xuất chip nhớ cho camera, đầu DVD và TV màn hình phẳng..Sony cho biết trong tương lai, tập đoàn này sẽ tiếp tục tái cấu trúc, đóng cửa nhà máy và cắt giảm việc làm. Các nhà phân tích quan sát những thay đổi này của Sony với một sự lạc quan dè dặt. Đầu năm nay, tập đoàn Panasonic cũng đã công bố giảm 15.000 việc làm và đóng cửa 27 nhà máy trên toàn thế giới. Tuy nhiên, ông Takeshi Osawa, Tổ chức quản lý Norinchukin Zenkyoren Asset Management, đã nhận định: "Lịch sử của các tập đoàn này đã cho thấy, so với Sony và các hãng cạnh tranh, Panasonic tỏ ra linh hoạt hơn trong việc tái cấu trúc.Vì thế tôi tin khả năng phục hồi của Panasonic sẽ cao hơn các công ty khác”.
Cơ hội từ khủng hoảng
Trở lại với tình hình kinh doanh của các công ty điện tử Nhật Bản, BBC dẫn lời ông Fujio Ando, Giám đốc điều hành Chibagin Asset Management rằng: "Những dự báo về tình hình kinh doanh sắp tới của Sony cho tôi cảm giác công ty này đang dần dần hồi phục. Nhưng tất cả còn tùy thuộc vào việc liệu họ có thể sản xuất trở lại các mặt hàng ưa chuộng hay không, vì ở thời điểm này họ không có mặt hàng 'Số Một' nào cả." Điều đó cho thấy, các vấn đề hiện nay của Sony không chỉ là do khủng hoảng kinh tế hay sự tăng giá của đồng yên, mà còn do nhiều sản phẩm của Sony hiện không còn giữ vị trí hàng đầu như trước đây. Hoặc như Panasonic, dù đang là nhà sản xuất TV màn hình phẳng plasma lớn nhất thế giới, nhưng thực tế, thị trường lại đang chuộng TV LCD hơn TV plasma. Vấn đề của Panasonic, vì thế, còn nằm ở chỗ tập đoàn này chậm phản ứng trước những thay đổi của thị trường.
Khủng hoảng kinh tế rõ ràng là điều không ai mong muốn và thực tế, kinh tế toàn cầu đang phải hứng chịu hàng loạt những tác động xấu từ cuộc khủng hoảng này. Nhưng từ một góc nhìn khác, đây sẽ là dịp để các công ty cơ cấu lại hoạt động để chứng tỏ khả năng thật sự của mình. Nhiều quan sát đã cho thấy, từ khủng hoảng kinh tế, một “trật tự mới” có thể được lập nên.
Thu Hà