Nước ngọt có ga tăng giá sẽ…chuyển sang uống bia (?!)

Những tranh luận với các ý kiến trái chiều xung quanh Dự thảo sửa đổi, bổ sung Luật thuế Tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) đang nóng lên từng ngày, đặc biệt là đối với nhóm mặt hàng lần đầu tiên được đưa vào diện đối tượng chịu thuế: nước ngọt có ga không cồn.

Một trong những ý kiến phản đối cho rằng việc đánh thuế TTĐB đối với nước ngọt có ga không cồn sẽ làm thay đổi hướng tiêu dùng sang các sản phẩm bia, rượu hoặc các sản phẩm lậu, sản phẩm tương đương có lượng đường cao hơn. Liệu rằng lập luận này có hợp lý khi xét dưới góc độ pháp lý và thực tế tiêu dùng, hai loại mặt hàng này hoàn toàn khác nhau về bản chất?

 

Theo pháp luật cạnh tranh, nước ngọt có ga và bia, rượu không thuộc thị trường liên quan với nhau. Chúng hoàn toàn khác nhau về tính chất vật lý, hóa học, tính năng kỹ thuật, tác dụng phụ, và khả năng hấp thụ của người sử dụng. Xét về mục đích sử dụng, thiết nghĩ chẳng ai lại đi mua nước ngọt có ga về “nhậu” và mua bia về cho con cháu mình “giải khát”, và cũng chẳng ai bị say hay bị phạt do trong hơi thở có nồng độ “nước ngọt có ga” vượt quá mức cho phép!!! Xét về giá cả thì rõ ràng bia, rượu đắt hơn nhiều so với nước ngọt có ga. Như vậy, dưới góc độ của Luật Cạnh tranh, hai loại sản phẩm này không có khả năng thay thế cho nhau.

 

Xét về mặt thực tế tiêu dùng, trong các cuộc ăn nhậu, tiệc tùng, lễ lạt,… rượu bia vốn dĩ đã là thói quen tiêu dùng cố hữu, cho dù có hay không có nước ngọt có ga thì rượu bia vẫn luôn hiện diện trên các bàn tiệc. Nước ngọt có ga được dùng để thay thế rượu, bia cho các đối tượng là phụ nữ, trẻ em và cả những người đàn ông không biết uống rượu, bia. Chính vì vậy, cho dù giá nước ngọt có ga có tăng thì cũng không có chuyện họ chuyển sang uống rượu, bia, đơn giản là vì họ không biết uống!!! Có chăng họ sẽ chuyển sang uống trà đá, nước hoa quả,… Rõ ràng, tăng giá nước ngọt có ga không phải là thủ phạm làm gia tăng việc tiêu thụ bia rượu được.

 

Theo thống kê của Hiệp hội Bia Rượu Nước giải khát Việt Nam, trong năm 2013, Việt Nam tiêu thụ 3 tỷ lít bia, nhiều nhất Đông Nam Á, đứng thứ ba Châu Á và là 1 trong 25 nước tiêu thụ rượu bia nhiều nhất thế giới. Với lượng tiêu thụ bia rượu lớn khủng khiếp như vậy, có thể thấy việc tiêu thụ bia rượu của người dân Việt Nam đã trở thành một “thói quen” khó bỏ. Thử đặt ra giả thuyết ngược lại, nếu nước ngọt có ga bỗng dưng giảm giá thì liệu những người uống rượu bia có chuyển sang uống nước ngọt và liệu lượng bia rượu được tiêu thụ ở Việt Nam có giảm được chút nào hay không?

 

Ngoài ra, không thể không nhắc đến việc bản thân bia rượu cũng là mặt hàng chịu thuế TTĐB, và trong lần sửa đổi luật lần này, loại mặt hàng này có nguy cơ bị tăng mức thuế áp dụng.

 

Cụ thể, kể từ ngày 01/7/2015, thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt đối với rượu bia, thuốc lá sẽ được nâng lên 10-20% so với mức đang áp dụng. Trong đó, đối với rượu từ 20 độ trở lên sẽ tăng thuế từ 50% hiện nay lên 65%; Rượu dưới 20 độ sẽ tăng thuế từ 25% hiện nay lên 35%. Bia cũng tăng thuế từ 50% lên 65%. Điều này đồng nghĩa với việc không chỉ nước ngọt có ga tăng giá mà cả rượu, bia cũng tăng giá, thậm chí tăng hơn nhiều lần. Như vậy, ý kiến cho rằng nước ngọt có ga tăng giá thì người tiêu dùng sẽ chuyển sang uống bia là suy nghĩ mang tính chủ quan và thiếu cơ sở.

 

Một ý kiến khác lại cho rằng, người tiêu dùng vì giá cả của nước ngọt có ga tăng nên sẽ chuyển sang sử dụng sản phẩm nhập lậu. Đây là nhận định thiếu cơ sở, bởi lẽ, vấn nạn hàng giả, hàng lậu ở Việt Nam hiện nay là do sự thiếu chặt chẽ của các cơ quan quản lý, chứ không hẳn là do giá cả của hàng hóa. Theo thống kê, số thu ngân sách từ thuế TTĐB không lớn, chỉ đứng thứ 5 sau thuế GTGT, TNDN, thuế xuất nhập khẩu và TNCN. Nói cách khác, việc tăng áp thuế TTĐB sẽ không tăng giá nước ngọt có ga lên đáng kể (dự kiến Bộ Tài Chính sẽ thu được khoảng 2000 đồng/lít  với sắc thuế mới) do đó việc nước ngọt có ga tăng giá nhẹ thực chất sẽ không ảnh hưởng đến thực trạng hàng giả, hàng lậu ở Việt Nam vốn đã diễn biến phức tạp, cần sự chung tay khắc phục của nhiều cơ quan quản lý chứ không phải là chỉ cần tránh một sắc thuế là xong.

 

Bộ Tài chính vẫn đang hoàn thiện dự thảo sửa đổi bổ sung Luật thuế TTĐB dựa trên những ý kiến đóng góp hữu ích và hợp lý từ cả những người ủng hộ và phản đối. Nên chăng, để có thể xây dựng một sắc thuế đúng đắn, góp phần tăng ngân sách nhà nước cũng như định hướng tiêu dùng một cách lành mạnh cho người dân, cần có những luận điểm có căn cứ khoa học xác đáng và phù hợp thực tế để  Bộ có thể nắm bắt và hoàn thiện dự thảo sửa đổi Luật của mình.

 

Võ Hoàng Thảo