Đồng Tháp:

Nông dân trồng cây kiểng dẫn đầu về thu nhập bình quân/ha

(Dân trí) - Đồng Tháp là địa phương tiên phong trong cả nước triển khai Đề án Tái cơ cấu nông nghiệp (TCCNN) với 05 ngành: lúa, cá tra, vịt, hoa kiểng, xoài. Sau 3 năm, đã được những kết quả đáng kể, trong đó, nông dân trồng hoa kiểng có thu nhập cao nhất, bình quân thu 150 triệu đồng/ha.

Trong khuôn khổ Hội nghị xúc tiến đầu tư Đồng Tháp diễn ra ra từ 18-19/12 vừa qua, tỉnh Đồng Tháp đã tổ chức Hội nghị sơ kết Đề án này, với sự tham dự của Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường.

Theo báo cáo của tỉnh Đồng Tháp, với nhóm ngành lúa gạo, tỉnh tập trung tổ chức lại SX theo hướng hạ chi phí áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, tăng cường liên kết, đẩy mạnh chế biến, nhất là các sản phẩm sau gạo và từ các phụ phẩm. Nhờ đó, đã giảm hơn 600đồng/kg lúa; năng suất vẫn ổn định ở mức cao, hình thành những hợp tác xã, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ.

Đối với cây xoài, tỉnh thực hiện rải vụ thành công, có 1 nhà máy sấy xoài xuất khẩu. Xoài được xuất sang những thị trường khó tính như Nga, Hàn Quốc, Nhật Bản, Úc... Thực hiện nhiều mô hình hay như cây xoài nhà tôi, Hội quán để bà con chia sẻ kinh nghiệm và liên kết trong sản xuất.

Nhờ áp dụng khoa học kỹ thuật, liên kết sản xuất... Đồng Tháp giúp nông dân giảm hơn 600đồng/kg lúa
Nhờ áp dụng khoa học kỹ thuật, liên kết sản xuất... Đồng Tháp giúp nông dân giảm hơn 600đồng/kg lúa

Riêng nhóm ngành hoa kiểng có nhiều chuyển biến nhất, thu nhập của người trồng hoa đạt mức trung bình 150 triệu/ha/năm, trồng kiểng 400 triệu/ha/năm. Đây là cây trồng có thu nhập cao nhất trên một đơn vị diện tích ở thời điểm hiện nay, là ngành hàng có tốc độ tăng trưởng 263,7% chỉ sau hơn 03 năm.

Về cá tra, hiện 100% diện tích nuôi​ được cấp mã số nhận diện ao nuôi. Ngoài sản phẩm chính là cá tra phi lê, còn nhiều mặt hàng có giá trị gia tăng cao từ con cá tra như: chả cá, nem cá, dầu cá, collagen. Kim ngạch xuất khẩu từ cá tra đạt mức trung bình 1,67 tỷ USD/năm.

Hiện đàn vịt của tỉnh đạt gần 6,5 triệu con, mỗi năm cung cấp 5.983 tấn thịt vịt hơi, tăng 1.387 tấn so với trước; 264 triệu quả trứng, tăng 246% so với trước.

Nếu tính trên diện tích 1ha, ngành hoa kiểng đang dẫn đầu về thu nhập
Nếu tính trên diện tích 1ha, ngành hoa kiểng đang dẫn đầu về thu nhập

Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp tham gia liên kết với nông dân trong việc bao tiêu lúa gạo, có ý kiến Ngân hàng Nhà nước cần có thêm chính sách tín dụng cho DN để DN mở rộng quy mô liên kết, sẵn sàng đồng hành với nông dân trong việc tiêu thụ lúa gạo, đảm bảo nông dân có lãi 30%.

Riêng cá tra, Cty CP Vĩnh Hoàn cho biết, việc quản lý nuôi cá tra, việc cấp mã số nhận diện ao nuôi đã hoàn tất tại các địa phương nhưng để đạt chứng nhận an toàn thực phẩm thì người nuôi vẫn chưa được tạo điều kiện để tuân thủ theo yêu cầu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Ông Nguyễn Văn Công, GĐ Sở NN-PTNT Đồng Tháp cho biết: Đáng mừng nhất khi thực hiện Đề án, đó là sự đồng thuận của cả hệ thống chính trị, sự vào cuộc mạnh mẽ của các doanh nghiệp, người dân đã xem trọng chất lượng nông sản, lợi nhuận, giá thành sản phẩm hơn là năng suất, sản lượng, có trách nhiệm với cộng đồng. Đặc biệt, tốc độ dịch chuyển lao động từ nông nghiệp diễn ra nhanh chóng từ chỗ có đến 69% nay chỉ còn 53% trong tổng lao động xã hội.

Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường đánh giá rất cao kết quả bước đầu của Đồng Tháp trong việc tái cơ cấu ngành nông nghiệp
Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường đánh giá rất cao kết quả bước đầu của Đồng Tháp trong việc tái cơ cấu ngành nông nghiệp

Ông Lê Minh Hoan Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp, chia sẻ: Quan điểm, định hướng phát triển nông nghiệp của tỉnh là “Liên kết – hợp tác – Thị trường”, “Giảm chi phí - Tăng chất lượng”, trong đó người dân đóng vai trò chủ thể; tỉnh cũng xem DN là động lực, cầu nối dẫn dắt SX theo cơ chế thị trường. Để tiếp tục phát triển nông nghiệp, ông Hoan kiến nghị lãnh đạo Bộ NN-PTNT có cơ chế đẩy mạnh tập trung, tích tụ đất đai, nhất là tập trung đất đai; tích tụ đất đai không có chỉ là mở rộng quy mô, mà hướng tới hình thành chuỗi ngành hàng, doanh nghiệp nông nghiệp.

Phát biểu kết thúc Hội nghị Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đánh giá cao TCCNN ở Đồng Tháp đạt được sau 3 năm thực hiện Đề án, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đánh sự nỗ lực, vào cuộc của cả hệ thống chính trị, chính quyền các cấp, doanh nghiệp và nông dân trên địa bàn tỉnh.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cũng nêu lên 5 điểm sáng của tỉnh trong thời gian thực hiện Đề án này, trong đó nhấn mạnh đến nhiều cách thức tập hợp nhân dân rất sáng tạo và đã được những kết quả đáng kể. Tuy nhiên, phía trước còn đầy gian nan, thách thức, Đồng Tháp cần tiếp tục thực hiện, đòi hỏi cả hệ thống chính trị, cả thành phần kinh tế, toàn dân phải tiếp tục cố gắng TCCNN mới thành công.

Nguyễn Hành

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm