Mua bán bảo hiểm trực tuyến: ATM là bước khởi đầu

Từ tháng 05/2010, Công ty Bảo hiểm BIDV (BIC) đã chính thức triển khai kênh bán bảo hiểm qua ATM, bổ sung thêm vào các kênh bán bảo hiểm truyền thống một kênh mới, hiện đại và tiện lợi hơn cho khách hàng.

Ông Phạm Quang Tùng, Giám đốc BIC cho biết, đây mới chỉ là bước khởi đầu của BIC trong lộ trình đẩy mạnh kênh mua bán bảo hiểm trực tuyến mà BIC đánh giá sẽ vô cùng nhiều tiềm năng trong những năm tới.

Hiện nay, hình thức mua-bán bảo hiểm qua ATM đã được triển khai tại nhiều nước trên thế giới. Tại Việt Nam, BIC là Công ty đầu tiên mạnh dạn áp dụng kênh bán hàng mới này nhằm gia tăng giá trị dịch vụ, đáp ứng tốt nhất nhu cầu của khách hàng. Khách hàng có tài khoản tại ngân hàng liên kết với BIC có thể thao tác mua bảo hiểm tại các máy ATM một cách dễ dàng, tiện lợi. Ví dụ, để mua bảo hiểm TNDS xe cơ giới qua ATM, khách hàng chỉ nhập số điện thoại liên lạc của chủ xe và biển số xe. Trong vòng 24h, BIC sẽ liên hệ lại với Khách hàng để xác nhận thông tin và gửi Giấy Chứng nhận bảo hiểm đến tận tay khách hàng. Điểm ưu việt của kênh này là khách hàng có nhu cầu mua bảo hiểm có thể chủ động lựa chọn thời gian và địa điểm các máy ATM để thực hiện giao dịch.

Các khách hàng sử dụng ATM và Internet tại Việt Nam là những người có thu nhập ổn định, đa phần là các cán bộ viên chức, một số ít là sinh viên, sinh sống và học tập tại các thành phố hoặc thuộc các tỉnh, thành phố lớn trên toàn quốc. Đây là đối tượng khách hàng tiềm năng mà các doanh nghiệp bảo hiểm đang thăm dò khai thác. Thực tế đã có hình thức thanh toán phí bảo hiểm nhân thọ qua ATM, ví dụ như thanh toán phí bảo hiểm Prudential, AIA qua ATM của ngân hàng Vietcombank, thanh toán phí bảo hiểm của Bảo Việt Nhân Thọ qua ATM của ngân hàng Agribank,... Tuy vậy, đây mới chỉ là thanh toán phí bảo hiểm và mới chỉ giới hạn trong các hợp tác giữa ngân hàng với các Công ty bảo hiểm nhân thọ. Các công ty bảo hiểm phi nhân thọ hầu như chưa có động thái gì đáng kể trong lĩnh vực mới mẻ này.

Theo ông Tùng, khách hàng của kênh mua/bán bảo hiểm qua ATM là hầu hết là những người có tài khoản tại ngân hàng, thường xuyên giao dịch, rút tiền qua hệ thống ngân hàng và có thói quen sử dụng Internet. Đối tượng khách hàng thuộc tầng lớp trung lưu này có nhu cầu sử dụng tích hợp nhiều sản phẩm tài chính - ngân hàng và cũng là nguồn khách hàng có nhu cầu ngày càng cao đối với các sản phẩm bảo hiểm. Con số 19,5 triệu khách hàng thường xuyên sử dụng Internet tại Việt Nam là nguồn khách hàng tiềm năng mà BIC không thể bỏ qua. Thêm vào đó, thương mại điện tử ngày càng trở nên phổ biến đối với người Việt Nam, đặc biệt là tầng lớp có thu nhập cao và giới trẻ. Khách hàng đang dần có thói quen mua bán trực tuyến, việc này được thể hiện thông qua sự thành công trong việc bán vé máy bay trực tuyến của Vietnam Airlines, Jetstar Pacific và bán hàng của trang web Chợ điện tử, Ebay… Sự thay đổi trong hành vi tiêu dùng này sẽ là một lợi thế đáng kể đối với BIC khi tiên phong khai thác kênh cung cấp sản phẩm dịch vụ bảo hiểm trực tuyến, mà mua/bán bảo hiểm qua ATM đối với BIC sẽ chỉ là bước khởi đầu.

BIC đã nghiên cứu và triển khai kênh bán hàng qua ATM và xác định đây sẽ là hướng phát triển lâu dài, tạo ra sự khác biệt và lợi thế cạnh tranh cho BIC. Tiếp theo việc triển khai bán bảo hiểm qua ATM, chúng tôi tiếp tục triển khai các kênh trực tuyến khác trong thời gian tới như: bán bản hiểm qua tin nhắn di động, bán bảo hiểm qua internet,…”, ông Tùng cho biết.

Trong thời gian đầu, BIC sẽ triển khai bán sản phẩm bảo hiểm trách nhiệm dân sự bắt buộc của chủ xe cơ giới và bảo hiểm tự nguyện chỗ ngồi trên xe tại tất cả các máy ATM của BIDV với tổng số gần 1.000 máy trên toàn quốc. Sau khi kênh đi vào hoạt động ổn định, BIC sẽ tiếp tục nghiên cứu các sản phẩm bảo hiểm khác phù hợp để cung cấp qua kênh này. Tiếp theo kênh mua/bán bảo hiểm qua ATM, các kênh khác sẽ tiếp tục được BIC triển khai như mua bảo hiểm qua tin nhắn điện thoại (qua liên kết với VnPay), qua internet (liên kết với PayNet),…

Vũ Toan

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm