FrieslandCampina Viet Nam hỗ trợ nông dân chăn nuôi bò sữa phát triển bền vững:
Kiếm lời từ bò sữa
Vừa nuôi bò vừa làm đại lý cho một công ty thức ăn chăn nuôi, thuận cả đầu vào đầu ra nên trang trại bò sữa của anh Dương Quốc Duyệt được xem là mô hình chăn nuôi thành công ở xã Tân Thạnh Đông, Củ Chi, TP HCM.
Nhưng người thanh niên nuôi bò với tuổi đời không quá 35 này cho rằng với những hộ nuôi bò không có những lợi thế trên, vẫn hoàn toàn có thể có lãi nếu...
Mạo hiểm hay khôn khéo ?
Lúc khởi đầu, đàn bò của anh chưa đầy 5 con, chưa có nhiều kinh nghiệm cũng như chưa có năng suất cao. Tại Củ Chi lúc bấy giờ cùng lúc có tới 2-3 đơn vị thu mua sữa bò cho nông dân, mỗi doanh nghiệp có một chính sách, một phương thức thu mua riêng. Nổi lên trong số những đơn vị này là Cô Gái Hà Lan (tên gọi trước đây của FrieslandCampina VN) được xem là đơn vị thu mua khá kỹ tính vì có khá nhiều yêu cầu nghiêm ngặt về quy trình nuôi và chăm sóc bò nhưng bù lại người nuôi được hưởng mức giá tốt và ổn định hơn hẳn. Cân nhắc hơn thiệt, anh quyết định ký hợp đồng gia nhập hệ thống cung cấp sữa cho Cô Gái Hà Lan dù rằng nhiều người cho đó là một quyết định mạo hiểm vì sợ rằng anh sẽ khó đáp ứng được những yêu cầu của công ty.
Nhưng giờ nhìn lại, anh Duyệt cho rằng mình đã có sự lựa chọn đúng. Giao sữa trực tiếp cho công ty vào một thời điểm cố định trong ngày giúp anh quản lý được quỹ thời gian lại tránh được tình trạng bị những người mua sữa trung gian ép giá. Hơn nữa FrieslandCampina VN còn thường xuyên tổ chức các lớp khuyến nông giúp anh nâng cao kỹ thuật, các nhân viên khuyến nông thường ghé nhà thăm hỏi giúp anh vượt qua các trở ngại để sản xuất sữa chất lượng ngày một tốt hơn, đạt năng suất cao hơn. Từ việc bị trừ tiền những ngày đầu do sữa sản xuất chất lượng chưa tốt, nay sữa anh giao luôn vượt chuẩn và được thưởng gần 200 đồng/lít. Chịu khó làm theo chỉ dẫn của công ty, dần dần anh đã tăng số lượng đàn bò của mình lên đến hơn 25 con với mức giao sữa trung bình đạt 150kg/ngày.
Bài toán lỗ lãi
Khi được hỏi liệu chỉ nuôi bò đơn thuần thôi có lãi không? Không chút ngần ngại, anh Duyệt khẳng định vẫn hoàn toàn có thể. Anh minh chứng bằng đàn bò hơn 25 con của mình, trong đó có 12 con cho sữa, mức 150kg/ngày. Trong trường hợp dù tiền bán sữa chỉ đủ nuôi chính đàn bò thì một năm anh vẫn có lời từ khoảng 20 con bê trong đàn được sinh ra.
Chia sẻ kinh nghiệm giảm chi phí, tăng lợi nhuận anh Duyệt cho biết, cách tốt nhất là người nuôi cũng phải biết tận dụng những chính sách hỗ trợ từ phía công ty. Điển hình là chính sách khuyến khích liên kết nhóm mà FrieslandCampina VN đang thực hiện và anh là một trong những người tiên phong. Anh giải thích: “Các nông dân sẽ tự liên kết với nhau thành nhóm từ 5 đến 8 hộ với mức bình quân sản xuất sữa cả nhóm từ 500kg/ngày trở lên. Các hộ sẽ tự quản lý lẫn nhau để sữa đạt đúng sản lượng và chất lượng yêu cầu. Với cách làm này, mỗi hộ sẽ được thưởng từ 400 đến 600 đồng/kg, nâng lợi nhuận của mỗi hộ lên thêm 990.000 – 1.224.000 đồng/tháng. Tích gió thành bão thì sẽ có lợi nhuận đáng kể.” Anh còn cho biết thêm, điểm thích nhất trong mô hình liên kết này là người nông dân có thêm lợi nhuận, công ty cũng có được nguồn sữa nguyên liệu đảm bảo. Với cách làm này thì người nông dân như anh hòan tòan yên tâm sống với nghề và từ đó đầu tư phát triển ngành chăn nuôi bò sữa một cách bền vững.
Từ năm 1996, FrieslandCampina VN (với các nhãn hiệu nổi tiếng như Cô Gái Hà Lan, YoMost, Friso, Fristi…) đã thực hiện việc ký hợp đồng thu mua sữa bò tươi trực tiếp với các hộ nông dân và tiến hành chương trình Phát triển ngành sữa nhằm giúp nông dân chăn nuôi bò sữa phát triển bền vững. Trong gần 15 năm qua, công ty đã đầu tư hơn 10 triệu đôla cho các hoạt động: xây dựng 4 trung tâm làm lạnh, 41 điểm thu mua, thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn, xây dựng đội ngũ khuyến nông với hơn 70 người để hỗ trợ kỹ thuật cho người nuôi bò. Ngoài ra, chương trình luôn khuyến khích người nông dân sản xuất sữa chất lượng tốt thông qua chính sách trả tiền theo chất lượng sữa. |