Hầm đường bộ Đèo Cả - Bước tạo đà cho kinh tế Miền Trung

Dự án Hầm đường bộ Đèo Cả là dự án mang tầm quốc gia. Đây là một trong 3 hầm đường bộ lớn nhất Việt Nam cùng với hầm đèo Hải Vân và hầm Đèo Ngang.

Khi dự án này hoàn thành sẽ góp phần giảm thiểu số vụ tai nạn và tình trạng ùn tắc giao thông – một vấn đề vô cùng nhức nhối, đồng thời là bước tạo đà mạnh trong việc phát triển kinh tế tại miền Trung

Một quyết định dũng cảm

Dự án Hầm đường bộ Đèo Cả được Bộ GTVT thai nghén từ 3/2001 và đã được Tổng Công ty Tư vấn thiết kế giao thông vận tải (TEDI) lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi. Do vốn đầu tư quá lớn, Bộ đã giao cho cơ quan chức năng làm việc với các nhà tài trợ tìm vốn ODA nhưng đều không có kết quả.

Sau đó Công ty cổ phần Đầu tư Đèo Cả (Liên doanh các nhà đầu tư gồm Tổng Công ty xây dựng Hà Nội, Công ty cổ phần tập đoàn Mai Linh Nam Trung bộ & Tây nguyên, Công ty Cổ phần Đầu tư Hải Thạch B.O.T, Công ty Cổ phần Á Châu) và UBND hai tỉnh Phú Yên, Khánh Hòa đã có công văn đề nghị thực hiện dự án hầm đường bộ Đèo Cả theo hình thức BOT và BT với tổng số vốn lên tới gần 10.000 tỉ đồng.

Xem xét các phương án, vào tháng 12/2009, Bộ trưởng Bộ GTVT Hồ Nghĩa Dũng đã phê duyệt dự án Đầu tư xây dựng hầm đường bộ đèo Cả.

Trong điều kiện kinh tế nước ta còn khó khăn, có thể khẳng định đây là một quyết định hết sức dũng cảm của các nhà đầu tư. Nhân dân địa phương hai Tỉnh nhận thức được việc nhà đầu tư triển khai xây dựng các khu tái định cư và thực hiện công tác GPMB trước ,kết hợp với các chính sách hổ trợ công việc làm, tạo ra môi trường tốt từ cung cấp nguồn nước sạch qua các tiểu dự án thành phần cấp điện , cấp nước , chỉnh trang quy họach do tư vấn ADA của Pháp đưa ra là phù hợp với nguyện vọng của người dân sống gần khu vực dự án . Chính phủ cho phép áp dụng cơ chế đặc biệt, đề nghị Bộ tài chính xem xét bảo lãnh cho vay vốn nước ngoài, hỗ trợ vốn từ ngân sách nhà nước.

Được sự giới thiệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư tại văn bản số: 3989/BKH-KTĐN ngày 15/6/2010, dưới sự chứng kiến của Ông Nguyễn Hồng Quân - Bộ trưởng Bộ Xây dựng và Ông Dominique Bussereau - Quốc vụ khanh Phụ trách giao thông - Bộ phát triển bền vững – Công hòa Pháp, Công ty Cổ phần Đầu tư Đèo Cả đã ký biên bản ghi nhớ với Ngân hàng Societe Generale và Ngân hàng Crédit Agricole đảm bảo thu xếp nguồn vốn cho dự án gồm phần BOT và BT với hạn mức tín dụng ban đầu là 500 triệu USD (năm trăm triệu đô la Mỹ).

Nhà đầu tư đã làm việc với Hội đồng tín dụng của ngân hàng Crédit Agricole các tổ chức ECA và bảo hiểm tín dụng đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc. Ngày 13/8/2010 Ngân hàng đã có thông báo bảo lãnh vốn vay cho dự án, trong đó chấp thuận mức vốn đối ứng hiện nay của do Công ty CP Đầu Tư Đèo Cả giải trình là 1.078 tỷ và 500 tỷ đồng cho các tiều dự án thành phần (để đảm bảo tối thiểu là 20% trên mức vốn tín dụng cho vay).

Tạo đà cho phát triển kinh tế

Đèo Cả là một con đèo nguy hiểm bậc nhất miền Trung, mặt đường hẹp, lại nhiều đèo dốc quanh co, với lưu lượng xe qua lại trên đèo hiện nay là 12.000 lượt/ngày đêm, đây cũng là địa bàn xảy ra nhiều vụ nghiêm trọng. Hầm đường bộ Đèo Cả khi hoàn thành sẽ là bàn đạp tăng tốc độ cho sự phát triển kinh tế - xã hội của 2 tính Phú Yên và Khánh Hòa nói riêng và miền Trung nói chung.

Nếu các phương tiện trên lưu thông theo Hầm đường bộ Đèo Cả rút ngắn được 9km thì chi phí lợi ích vận tải là 190 triệu đồng/ngày đêm, 70 tỉ đồng/năm; tiết kiệm thời gian cho mỗi xe từ 15 - 20 phút. Giảm thiểu mức tiêu hao nhiên liệu, hao mòn phương tiện.

Việc đầu tư xây dựng hầm đường bộ qua Đèo Cả là một trong những hạng mục công trình đặt biệt quan trọng trong việc phát triển kinh tế khu vực miền Trung, nối Đà Nẵng - Phú Yên với khu kinh tế Vân Phong và Thành phố Nha Trang, góp phần nâng cao hiệu quả khai thác dự án khôi phục Quốc Lộ 1A

Giao thông thuận lợi sẽ biến 2 tỉnh Khánh Hòa và Phú Yên nói riêng và miền Trung nói chung thành một địa điểm lý tưởng để thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Hầm đường bộ Đèo Cả tạo động lực phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và thương mại cho toàn vùng Nam Trung Bộ và Tây Nguyên. Nền kinh tế và đời sống dân cư ở đây phát triển sôi động và nhộn nhịp hơn.

Trong kế hoạch xây dựng Hầm đường bộ Đèo Cả, các nhà đầu tư còn tính đến việc xây dựng các khu nhà nghỉ dưỡng, khu nhà sinh thái, khu du lịch, công trình thủy điện, các khu công nghiệp phụ trợ… Rồi đây, Đèo Cả sẽ trở thành một điểm thu hút khách tham quan du lịch và phát triển các dịch vụ ngành công nghiệp không khói. Du khách đến đây có thể tận hưởng hết vẻ đẹp mà thiên nhiên ban tặng cho nơi này.
 
Hầm đường bộ Đèo Cả - Bước tạo đà cho kinh tế Miền Trung - 1
 
Hầm đường bộ Đèo Cả - Bước tạo đà cho kinh tế Miền Trung - 2
 
Hầm đường bộ Đèo Cả - Bước tạo đà cho kinh tế Miền Trung - 3

Hầm đường bộ Đèo Cả sẽ là một cột mốc có ý nghĩa lớn trong việc phát triển kinh tế - xã hội - văn hóa của miền Trung nói riêng và của cả Việt Nam nói chung.