Dự án Luyện kim Trần Hồng Quân có được ưu đãi khủng về giá điện?

Có hay không chuyện Dự án điện phân nhôm Đắc Nông của Công ty TNHH Luyện kim Trần Hồng Quân được ưu đãi “khủng” về cơ chế chính sách, trong đó có việc được hưởng giá điện thấp, dẫn đến Nhà nước phải bù lỗ lớn? Phóng viên Baodautu.vn trao đổi với ông Lê Dương Quang - Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Công thương về chủ đề này.

Một số thông tin gần đây cho rằng, Dự án điện phân nhôm Đắc Nông của Công ty TNHH Luyện kim Trần Hồng Quân (Dự án điện phân nhôm) được ưu đãi khủng về cơ chế chính sách là điều không hợp lý. Là người từng được phân công trực tiếp chỉ đạo việc nghiên cứu, đề xuất cơ chế chính sách đối với Dự án này để báo cáo Chính phủ, ông có bình luận gì về nhận xét trên?

Trước hết, cần phải nhắc lại rằng đối với các dự án đầu tư nói chung và đầu tư vào ngành công nghiệp nói riêng mà có quy mô lớn, đóng góp quan trọng trong việc điều chỉnh cơ cấu ngành, có tác động lan tỏa thì Nhà nước luôn có các chính sách khuyến khích, hỗ trợ cụ thể.

Trong công nghiệp khoáng sản, với chủ trương phải tăng cường chế biến sâu, hạn chế xuất khẩu tài nguyên thô hoặc sơ chế, ngay từ đầu những năm 90 của thế kỷ trước đã tiến hành nghiên cứu việc đầu tư điện phân nhôm từ nguồn quặng bô xit Tây Nguyên. Song do nhiều nguyên nhân, trong đó chủ yếu là nguồn điện lúc đó còn hạn chế nên việc đầu tư chưa thực hiện được.

Tiếp đó, trong suốt hơn 20 năm qua, nhiều lần việc điện phân nhôm lại được đặt ra, nhưng vấn đề nguồn điện và giá điện vẫn là những cản trở lớn cho việc đầu tư, mặc dù sản xuất nhôm kim loại đã được đưa vào Quy hoạch phát triển ngành công nghiệp bô xit-nhôm được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Dự án Luyện kim Trần Hồng Quân có được ưu đãi khủng về giá điện? - 1

Ông Lê Dương Quang, Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Công thương

Dự án điện phân nhôm có công suất thiết kế ban đầu là 300.000 tấn nhôm thô/năm. Tuy nhiên, xét thấy nhu cầu nhôm của nền kinh tế đang tăng nhanh, trong khi Việt Nam vẫn phải nhập khẩu toàn bộ và tiềm năng to lớn của nguồn tài nguyên bô xít, Chính phủ đã khuyến khích chủ đầu tư xem xét nâng công suất lên 450.000 tấn nhôm thô/năm.

Dự án sử dụng công nghệ điện phân nhôm với dòng điện 500 kA là công nghệ hiện đại nhất của thế giới hiện nay. Dự án đặt tại Khu công nghiệp Nhân Cơ của tỉnh Đắk Nông, sát cạnh Nhà máy alumin Nhân Cơ, nguồn cung cấp alumin chính cho Dự án. Báo cáo ĐTM đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt từ tháng 2/2015. Dự án sẽ hoàn thành và đưa vào sản xuất trong năm 2019 (chậm hơn so với dự kiến ban đầu do việc đầu tư và bàn giao hạ tầng Khu công nghiệp của tỉnh Đắk Nông bị chậm tiến độ).

Với tổng mức đầu tư tương đương 688 triệu USD, Dự án điện phân nhôm sử dụng 20% vốn tự có của chủ đầu tư và 80% vốn vay thương mại. Phần vốn vay thương mại gồm vay tín dụng xuất khẩu (không được Chính phủ bảo lãnh) và vay tín dụng trong nuớc (chủ yếu để nhập khẩu thiết bị công nghệ) hiện cơ bản đã được thu xếp xong.

Nguồn nguyên liệu alumin sẽ do Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam cung cấp từ Nhà máy alumin Nhân Cơ và Tân Rai. Dự án sẽ sử dụng thường xuyên trên 900 lao động.

Những thông tin cơ bản nêu trên cho thấy Dự án điện phân nhôm đáp ứng đầy đủ các điều kiện của lĩnh vực đặc biệt ưu đãi đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư 2005, đó là: sử dụng công nghệ cao (đã được Bộ Khoa học và Công nghệ cấp giấy chứng nhận), xây dựng tại địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, xây dựng trong khu công nghiệp, sử dụng nhiều lao động và những ưu đãi về đầu tư mà Dự án được hưởng về thuế, sử dụng đất, giải phóng mặt bằng, hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng.... là hoàn toàn thực hiện theo quy định của pháp luật mà bất kỳ dự án đầu tư nào dù là của doanh nghiệp Nhà nước, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài hay doanh nghiệp tư nhân, nếu đáp ứng đủ các điều kiện, tiêu chí đề ra đều được hưởng.

Do vậy, cái gọi là cơ chế ưu đãi “khủng” đối với Dự án điện phân nhôm là hoàn toàn không đúng.


​ Khu văn phòng và nhà ở công nhân của Dự án Luyện kim Trần Hồng Quân

​ Khu văn phòng và nhà ở công nhân của Dự án Luyện kim Trần Hồng Quân

Một trong số những ưu đãi được nhắc tới là về giá điện. Cụ thể, ngành điện sẽ phải bù lỗ cho dự án đến 1 tỷ USD trong 10 năm (bình quân khoảng 100 triệu USD/năm). Vấn đề này có đúng không, thưa ông?

-Tôi xin khẳng định số liệu 1 tỷ USD bù lỗ cho dự án là không đúng. Chính phủ đã chỉ đạo việc xác định giá điện cho Dự án này phải đảm bảo nguyên tắc Dự án và nền kinh tế đều phải có hiệu quả và giá bán điện cho Dự án là giá thành điện tại cấp điện áp 220 kV.

Trên cơ sở đó, Bộ Công Thương đã chỉ đạo tính toán, đề xuất và Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt giá điện 5 cent/kWh cho Dự án với điều kiện chủ đầu tư phải tự đầu tư xây dựng, quản lý và vận hành trạm biến áp 220 kV; giá điện 5 cent/kWh nêu trên chỉ áp dụng cho 10 năm đầu kể từ khi đi vào sản xuất để tạo điều kiện cho dự án thu hồi được vốn đầu tư và có hiệu quả ở mức hợp lý. Sau giai đoạn 10 năm, giá điện cho Dự án sẽ áp dụng theo giá thị trường.

Mức giá điện 5 cent/kWh này thực tế là cao hơn nhiều so với giá điện hiện đang áp dụng đối với các nhà máy điện phân nhôm trên thế giới hiện đang ở mức từ 2,8 đến 4 cent/kWh.

Con số 1 tỷ USD bù giá điện cho Dự án được nhắc tới gần đây là do nhầm lẫn khi người ta so sánh giá điện 5 cent/kWh với giá bán lẻ điện cấp điện áp 110 kV trở lên quy định trong Biểu giá điện ban hành theo Quyết định số 2256/2015/QĐ-BCT của Bộ Công Thương. Giá bán lẻ điện này theo quy định hiện hành bao gồm 4 nội dung: giá mua điện bình quân từ các nguồn phát điện, giá truyền tải điện (gồm lưới và TBA 500 kV và 220 kV), giá khâu phân phối-bán lẻ (lưới điện và TBA từ 110 kV trở xuống) và chi phí quản lý ngành và phụ trợ.

Nếu hiểu đúng bản chất vấn đề thì khi xác định mức hỗ trợ giá điện cho dự án cần phải so sánh giá điện 5 cent/kWh với giá thành điện ở cấp điện áp 220 kV cấp cho Dự án (tức là chỉ bao gồm 3 nội dung là: giá mua điện bình quân từ các nguồn, giá truyền tải điện và chi phí quản lý ngành và phụ trợ, không có giá khâu phân phối và bán lẻ).

Căn cứ kết quả kiểm toán của ngành điện ở thời điểm tính toán và đề xuất giá điện cho Dự án lên Chính phủ, giá thành điện cấp điện áp 220 kV với điều kiện Chủ đầu tư phải tự đầu tư trạm biến áp 220 kV chỉ bằng 72% giá bán lẻ điện bình quân. Theo Biểu giá điện ban hành kèm Quyết định 2256/QĐ-BCT từ ngày 15/3/2015-30/11/2017 (khi dự án được Chính phủ đồng ý chấp thuận giá điện 5 cent/kWh), giá bán lẻ điện bình quân được áp dụng là 1.622,01 đ/kWh (tương đương 7,2 cent/kWh). Nếu không được ưu đãi giá điện thì Dự án phải mua điện bằng giá thành điện cấp điện áp 220 kV là 1.168 đ/kWh (7,2 cent/kWh x 72%=5,19 cent).

Như vậy, ở thời điểm tính toán, so với mức giá 5 cent/kWh mà Dự án được hưởng thì mức hỗ trợ là 0,19 cent/kWh, chứ không phải được hỗ trợ 2,2 cent/kWh (để ra con số 1 tỷ USD như thông tin mà một số tờ báo đã nêu).

Cũng cần phải hiểu rằng, việc hỗ trợ giá điện cho Dự án là chính sách của Chính phủ nhằm một mục tiêu cụ thể, ở trường hợp này là tạo dựng ngành công nghiệp nhôm mà Việt Nam chưa hề có tới nay. Điều này cũng tương tự như giá điện ưu đãi cho bơm tưới - tiêu thủy lợi, cấp điện cho hải đảo... và Chính phủ đã chỉ đạo bổ sung nhóm khách hàng điện phân nhôm này vào cơ cấu Biểu giá điện và cho phép ngành điện thực hiện cơ chế bù chéo nhằm mục đích để Nhà nước không phải bỏ vốn ngân sách ra hỗ trợ và ngành điện cũng không phải bù lỗ.

Cũng cần nói thêm, ngoại trừ một số nhà máy điện phân nhôm trên thế giới tự đầu tư nhà máy điện riêng (thủy điện hoặc điện từ khí thiên nhiên giá rẻ ở Trung Đông), còn tất cả các quốc gia có công nghiệp nhôm đều có chính sách trợ giá điện cho luyện nhôm dưới hình thức này hay hình thức khác.


 Xưởng điện phân nhôm đang được xây dựng

Xưởng điện phân nhôm đang được xây dựng

Nhưng nhiều ý kiến vẫn băn khoăn về tính hiệu quả của Dự án điện phân nhôm Trần Hồng Quân với nền kinh tế để được hưởng chính sách ưu đãi về giá điện trong 10 năm, thưa ông?

Báo cáo Chính phủ vào tháng 4/2014, Bộ Công Thương đã tính toán và thấy rằng, nếu Dự án đi vào hoạt động năm 2017, tổng số nộp ngân sách nhà nước của Dự án trong 10 năm (2017 - 2026) là 420 triệu USD. Với mức chênh lệch giữa giá điện bán cho Dự án là 5 cent/kWh và giá thành điện cấp điện áp 220 kV trong giai đoạn 10 năm là 229,76 triệu USD (được xem là khoản bù giá), số dư mà ngân sách nhà nước thu được từ dự án là 190,24 triệu USD, như vậy đảm bảo nguyên tắc chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ là dự án và nền kinh tế đều phải có hiệu quả.

Ngoài ra, cần phải tính đến các hiệu quả kinh tế - xã hội khác cho nền kinh tế nói chung và 2 tỉnh Lâm Đồng, Đắc Nông cũng như Tây Nguyên nói riêng, đó là: thực hiện được chủ trương chế biến sâu khoáng sản, tạo ra 1 ngành công nghiệp hoàn toàn mới, góp phần đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng về nhôm kim loại, nâng cao tính tự chủ của nền kinh tế, giảm ngoại tệ nhập khẩu, tạo tiền đề phát triển các ngành công nghiệp sau nhôm (hiện đã có các dự án chế tạo phụ tùng ô tô và nhôm định hình ngay tại Đăk Nông được chuẩn bị để đón đầu), tạo thêm việc làm, góp phần ổn định và phát triển kinh tế - xã hội cho khu vực Tây Nguyên...

Dự án này do doanh nghiệp tư nhân đầu tư, vay vốn tín dụng xuất khẩu của nước ngoài không cần bảo lãnh của Chính phủ. Tôi được biết, đến nay, phần xây dựng nhà xưởng của dự án điện phân nhôm đã cơ bản hoàn thành, dự kiến từ quý III/2018, ngay sau khi tỉnh Đắk Nông hoàn thành và bàn giao cơ sở hạ tầng khu công nghiệp Nhân Cơ thì các nhà thầu nước ngoài sẽ triển khai công tác lắp đặt thiết bị và dự kiến cuối năm 2019 chúng ta sẽ có sản phẩm nhôm kim loại đầu tiên. Dự án điện phân nhôm Trần Hồng Quân cũng là minh chứng sống động cho việc thực hiện chủ trương khuyến khích phát triển mạnh kinh tế tư nhân mà Đảng ta đã đưa ra từ Đại hội IX và được khẳng định lại một cách rõ ràng tại Nghị quyết Hội nghị TW 5 khóa XII vừa qua.

Theo: Hoàng Nam

Đầu tư