Đại biểu Quốc hội phân vân với đề xuất tăng thuế TTĐB đối với thuốc lá
(Dân trí) - Chiều ngày 15/11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại Hội trường dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB).
Theo tờ trình của Chính phủ về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế tiêu thụ đặc biệt, ba nhóm hàng hóa là thuốc lá, bia và rượu, cần điều chỉnh tăng thuế suất để nâng cao tác dụng hạn chế tiêu dùng.
Bên cạnh các ý kiến ủng hộ việc tăng thuế TTĐB các mặt hàng nêu trên, một số đại biểu tỏ ra băn khoăn với tờ trình của Chính phủ. Đồng thời đề nghị Chính phủ làm rõ và có những tính toán về tác động sau khi tăng thuế các mặt hàng này đối với sản xuất trong nước, việc làm của người lao động.
ĐB Nguyễn Sĩ Cương (Ninh Thuận) phát biểu cho rằng chỉ tăng thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) với thuốc lá hay các mặt hàng rượu, bia mà không kèm theo các giải pháp khác sẽ khó đem lại kết quả như mong muốn. “ Tác hại của thuốc lá là điều không phải bàn cãi nhưng để hạn chế tác hại của thuốc lá hay giảm số lượng người hút thuốc thì đòi hỏi những giải pháp đồng bộ chứ coi tăng thuế là giải pháp hữu hiệu nhất như có đại biểu đã nói thì không phải”. – ông Cương kiến nghị.
Bên cạnh đó, ông Cương cũng phản ánh: Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá đưa ra nhiều quy định nhưng việc thực hiện chưa triệt để. Việc tăng thuế không thể là giải pháp thay thế cho các biện pháp quản lý nhà nước về thói quen sử dụng thuốc lá. Tăng thuế chắc chắn có ảnh hưởng không nhỏ đến các ngành sản xuất này, làm giảm thu ngân sách, việc làm ở các địa phương. Tăng thuế lên càng cao, nạn buôn lậu càng phát triển. Người dân có thể chuyển sang tiêu dùng sản phẩm tự nấu hoặc tiêu thụ sản phẩm nhập lậu độc hại hơn.
Đồng quan điểm này, đại biểu Bùi Văn Xuyền (Thái Bình) cho biết: Qua tiếp xúc cử tri và một số cơ quan chức năng, việc tăng thuế TTĐB với mặt hàng rượu bia cần được cân nhắc. Mặc dù thuế TTĐB là sắc thuế đánh trực tiếp vào người tiêu dùng, nhưng trước mắt nó làm tăng giá các mặt hàng sản xuất, tác động trực tiếp đến các ngành sản xuất, ảnh hưởng trực tiếp đến thu nhập của người lao động.
ĐB Nguyễn Thanh Hải (Đoàn Hòa Bình) cũng cho rằng: Áp thuế TTĐB cũng là định hướng sản xuất tiêu dùng trong nước, song trong tờ trình của Chính phủ chưa làm rõ được các thông tin, số người sẽ giảm hút thuốc lá, hoặc sản xuất, nhập khẩu bia rượu sẽ giảm bao nhiêu? “ – ông Hải kiến nghị
Phát biểu kết luận phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, đa số ý kiến phát biểu đều tán thành với những quy định đã nêu và QH sẽ tiếp tục xem xét hoàn thiện để thông qua tại kỳ họp này.
TS. Nguyễn Sỹ Dũng, Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội:
Áp mức thuế bao nhiêu, lộ trình thế nào phải tính đến nhiều khía cạnh, nhiều yếu tố. Đặc biệt, phải cân nhắc việc tăng thuế tác động thế nào tới ngân sách, tác động thế nào đến hoạt động của các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh rượu, bia, thuốc lá và phải lường trước việc áp mức thuế mới tác động thế nào đến tình hình buôn lậu, gian lận thương mại; tác động thế nào đến người tiêu dùng.
Nếu tăng thuế ở mức hợp lý thì “túi tiền” ngân sách có thể tăng lên, nhưng nếu tăng quá mức thì chưa chắc, vì người tiêu dùng có thể thay đổi thói quen. Nếu giá rượu, bia, thuốc lá tăng quá cao do tăng thuế, thì người tiêu dùng không có điều kiện về tài chính sẽ chuyển sang sử dụng thuốc lào, thuốc quấn, “rượu đế”; người có điều kiện thì chuyển sang sử dụng sản phẩm nhập lậu. |
N.Hiền