Chính sách thuế phải đảm bảo tính minh bạch, đồng nhất với hệ thống pháp luật
(Dân trí) - Ngày 25.7.2018, Hội Tư vấn thuế Việt Nam (VTCA) đã phối hợp với Trung tâm Thuế và Đầu tư quốc tế (ITIC), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), tổ chức “Hội thảo về các định hướng sửa đổi, hoàn thiện một số điều của các Luật Thuế (Thuế GTGT, TNDN, TTĐB)” nhằm tạo diễn đàn trao đổi giữa các cơ quan chủ trì xây dựng đề án chính sách pháp luật, doanh nghiệp, các chuyên gia trong nước và quốc tế giàu kinh nghiệm trong lĩnh vực này.
Chia sẻ về mục đích tổ chức buổi hội thảo, bà Nguyễn Thị Cúc - Chủ tịch Hội Tư vấn Thuế Việt Nam cho biết: “Các ý kiến được nêu trong các cuộc hội thảo sẽ được xem xét/cân nhắc bởi ban soạn thảo. Ví dụ, chính sách thuế phải đảm bảo tính minh bạch, đồng nhất với hệ thống pháp luật và có sự liên kết giữa các sắc thuế khác, như Luật Thuế GTGT và Luật thuế TNDN, Luật thuế TNCN và Luật thuế TTĐB v.v... Những quan điểm nhìn nhận/tham gia từ những giác độ khác nhau/đa chiều sẽ có ý nghĩa quan trọng để ban soạn thảo nghiên cứu/xem xét trong quá trình xây dựng các văn bản pháp quy, qua đó, chất lượng và tính khả thi của các văn bản pháp luật sẽ càng được nâng cao”.
Tại buổi hội thảo, nhiều ý kiến đa chiều đã được đưa ra từ góc độ của các chuyên gia thuế và tài chính, cơ quan xây dựng và thẩm định các đề án chính sách luật pháp về thuế, và đặc biệt có những kinh nghiệm chia sẻ từ ông Wayne Barford, Cố vấn Cao cấp của Trung tâm Thuế và Đầu tư quốc tế. Trong phần trình bày của mình, ông Wayne Barford đã đưa ra một số nguyên tắc thực hành thuế tốt nhất, bao gồm đảm bảo tính đơn giản, nhất quán, minh bạch, chính phủ cần phối hợp và tham vấn các đơn vị, tổ chức liên quan và cả ngành công nghiệp để tiếp thu những ý kiến phản hồi và đánh giá nhằm đưa ra chính sách thuế phù hợp.
Bên cạnh đó, các quốc gia cũng cần tránh tình trạng tăng thuế một cách đột ngột, duy trì mức thuế suất tương xứng với khả năng chi trả và tạo văn hóa nộp thuế. Ông Wayne cũng chia sẻ kinh nghiệm thực hành ở các quốc gia khác là không nên áp dụng chính sách thuế cho các dịch vụ xã hội, không ban hành thuế thu thêm... mỗi quốc gia cần xây dựng chính sách thuế riêng phù hợp với tình hình KTXH thực tế tại quốc gia đó.
Khi được hỏi về thực tiễn quốc tế áp dụng các loại thuế như thuế tài sản và thuế TTĐB, ông Wayne chia sẻ ví dụ như ở Australia, không có thuế tài sản được áp dụng trên toàn nước Australia mà thuế suất được quy định theo từng bang tùy theo điều kiện thực tế, và người dân sẽ không bị đánh thuế nếu chỉ sở hữu một ngôi nhà để ở.
Liên quan đến thuế TTĐB, được biết Bộ Tài chính hiện đang đề xuất đánh thuế TTĐB lên nước ngọt, ông Wayne đã chia sẻ một số kinh nghiệm về vấn đề này: “Tôi đã nghiên cứu quy định đánh thuế TTĐB lên nước ngọt ở nhiều quốc gia nhưng chưa có nước nào trên thế giới có thể giảm tỉ lệ béo phì nhờ chính sách thuế này. Việc ban hành sắc thuế này không phải là một thông lệ quốc tế. Trên thực tế, nhiều quốc gia không áp dụng hoặc phản đối sắc thuế này do các tác động tiêu cực lên nền kinh tế. Một số quốc gia đã từng ban hành sắc thuế này nhưng sau đó đã bãi bỏ bởi tính phức tạp của sắc thuế và không đạt được các mục tiêu ban đầu đề ra”.
Kinh nghiệm quốc tế chỉ ra rằng các chương trình giáo dục nhận thức thì đạt được hiệu quả tốt hơn là đánh thuế. Tại Singapore và Nhật Bản, chính phủ khuyến khích chia sẻ các thông tin giáo dục cộng đồng và sử dụng các công cụ liên quan đến thương mại như cung cấp các chỉ dẫn hoặc dán nhãn mác về thành phần của các sản phẩm.
Theo Lao động