Bao bì sản phẩm: Người bán hàng thầm lặng

Chọn sản phẩm nào trong hàng chục thương hiệu trên kệ là câu hỏi mà người mua hàng thường đặt ra. Trong nhiều tình huống, bao bì sản phẩm hơn ai hết chính là người bán hàng thầm lặng nhưng hiệu quả.

Cải tiến bao bì là thượng sách

Đối với nhiều sản phẩm trên thị trường, đặc biệt là các sản phẩm tiêu dùng nhanh, bao bì đóng một vai trò khá quan trọng trong việc ra quyết định chọn mua sản phẩm của người tiêu dùng. Đối với doanh nghiệp, sự thay đổi bao bì không chỉ phục vụ cho việc tung ra sản phẩm mới, mà còn làm cho khách hàng cảm nhận sự cải tiến trong hình ảnh thương hiệu.

Bao bì sản phẩm: Người bán hàng thầm lặng - 1

Một số tập đoàn lớn, như Bộ phận Thực phẩm của Unilever, cách đây hơn 20 năm đã khởi xướng thành lập những Nhóm thiết kế bao bì - chuyên phát triển bao bì cho những thương hiệu như Hellman’s, Bertolli, Lipton và Wish-Bone... Gồm 12 nhân viên thiết kế độc lập, nhóm bao bì của Unilever liên tục phải rà soát và lên ý tưởng thiết kế cho có lúc lên đến 1.000 đơn vị sản phẩm (SKU). Một bộ phận khác chuyên hỗ trợ cho nhóm trong việc thu thập đầy đủ mọi nhu cầu, sở thích, thói quen và tình cảm của khách hàng, từ đó lọc ra những yếu tố cần thiết để tạo nên một bao bì hoàn hảo trong mắt người tiêu dùng. Họ còn “đóng đô” ở siêu thị để xem khách hàng quyết định mua sản phẩm như thế nào.

Tuy nhiên công việc thiết kế không chỉ đơn thuần dựa trên lý trí mà còn phải dựa vào khả năng sáng tạo về thị giác. Theo Vincent Masotta - Giám đốc thiết kế, thì “một bao bì hoàn hảo phải thu hút được khách hàng tại mọi thời điểm tiếp cận với sản phẩm – từ lúc bắt gặp trên quầy kệ, cầm lên, bỏ vào giỏ hàng, tính tiền và cuối cùng là đem về nhà sử dụng”.

Tại các trung tâm thiết kế bao bì, các chuyên gia thiết kế không phải chỉ làm việc trên máy tính và bản in. Sau khi hoàn tất, họ sẽ làm mẫu bao bì thật rồi đặt ngay trên kệ sản phẩm trong một siêu thị mini nằm ngay trong trung tâm (siêu thị này với quầy kệ được mô phỏng hệt như của Walmart hay Tesco) nhằm trả lời cho câu hỏi “Liệu bao bì mới có bắt mắt được khách hàng khi nó ra thị trường hay không?”

Trước đây, việc thay đổi bao bì từ lúc phác thảo cho đến tung ra ngoài thị trường thường kéo dài từ 12- 18 tháng. Ngày nay, trước sự cạnh tranh khốc liệt trên thị trường, thời gian được cắt ngắn chỉ còn 3-6 tháng. Nhật Bản là một thí dụ. Thị trường nước giải khát cạnh tranh sôi động đến độ Coca-Cola tại đó hàng tuần là tung ra một sản phẩm mới. Vì người tiêu dùng ở xứ sở phù tang luôn tìm kiếm những cái mới, các thương hiệu không thể ngồi yên để cho khách hàng thử cái mới của đối thủ cạnh tranh.

Ngoài bộ phận thiết kế bao bì nội bộ, hầu hết các thương hiệu đều sử dụng dịch vụ từ các công ty chuyên thiết kế bao bì, hệ thống định dạng thương hiệu. Các công ty này không chỉ là thiết kế sáng tạo mà trên hết họ là những chiến lược gia về thương hiệu giúp cho sản phẩm bày bán trên kệ khác biệt ngắn hạn và xây dựng thương hiệu thông qua bao bì dài hạn.

Giữ lại nhận diện truyền thống

Trong quá trình thay đổi bao bì, có những thương hiệu phải thay đổi nhận diện từ màu sắc, logo cho đến sắp xếp bố cục. Tuy nhiên, những thương hiệu mạnh thường có khuynh hướng giữ lại nhận diện truyền thống, chỉ cải tiến công nghệ bao bì sao cho sản phẩm trở nên độc đáo và sang trọng hơn. Heineken là một thí dụ điển hình.

Bao bì sản phẩm: Người bán hàng thầm lặng - 2

Màu xanh đặc trưng cùng với ngôi sao đỏ kiêu hãnh trên logo đã gắn bó với Heineken suốt hơn 135 năm qua. Vẫn luôn trung thành với kiểu dáng chai màu xanh độc đáo, Heineken thường xuyên có những cải tiến trong thiết kế bao bì nhằm gắn kết với khách hàng mục tiêu. Gần đây nhất, Heineken đã giới thiệu ra thị trường Việt Nam chai bia trong diện mạo mới có những nét cải tiến độc đáo mang tính đột phá như: toàn bộ nhãn chai được in trên giấy kim loại đặc biệt với những đường nét ánh kim sang trọng, nắp chai có viền kim loại bao quanh dòng chữ “Heineken Quality”, nhãn phía sau chai thể hiện “Ngôi sao đỏ” đầy kiêu hãnh, nhãn trên cổ chai có nền màu xanh và dòng chữ “Premium Quality”. Đúng như ý muốn của nhà sản xuất, diện mạo mới này đã mang lại cho khách hàng của họ sự yên tâm tuyệt đối về chất lượng thượng hạng của chai bia Heineken.

Theo nhận định của các chuyên gia, việc trung thành với màu xanh và kiểu dáng chai hiện tại của Heineken là một phần trong chiến lược gìn giữ chất lượng truyền thống thượng hạng cũng như hình ảnh cao cấp của thương hiệu này. Những cải tiến bao bì, nếu có, sẽ càng tôn vinh vẻ đẹp của chai bia Heineken hiện tại theo hướng sang trọng và độc đáo hơn. Trên thị trường không có nhiều thương hiệu sang trọng tạo ấn tượng mạnh như Heineken, kể cả những đối thủ cạnh tranh quốc tế.

Cuối cùng, một trong những mục đích mà các tập đoàn đa quốc gia thường ứng dụng công nghệ kỹ thuật cao để cải tiến bao bì sản phẩm, đó là vô hiệu hóa những sản phẩm nhái theo các thương hiệu có tên tuổi. Trên thực tế, bao bì mới của chai bia Heineken đã làm “chùn bước” những ý định muốn làm nhái, giả thương hiệu này.

Trọng Nghĩa