Yên ả thị trường chuyển nhượng ở V-League

(Dân Trí) - Ngoại trừ B.Bình Dương mua sắm khá rầm rộ, hầu hết các đội bóng khác chưa có nhiều chuyển biến trong thời gian qua. Điều đó phần nào cũng phản ánh chuyện các ông bầu bóng đá đang gặp khó khăn, đồng thời tình yêu giữa họ với bóng đá cũng đang bị thách thức

Ở thời điểm này cách nay mọi năm, ngay khi mùa giải kết thúc, hàng loạt đội bóng đã lên kế hoạch lấy người. Thậm chí, có những bản hợp đồng gần như đã được hoàn tất ngay từ thời điểm mà cầu thủ cần mua còn khoác áo đội bóng cũ.

Thế nhưng, khi mà V-League đã qua đi nhiều tuần lễ, thì ngoại trừ B.Bình Dương vốn quá giàu và vốn có thói quen mỗi mùa thay một đội hình, các đội bóng còn lại hầu như rất ít chuyển động về mặt nhân sự.

HV.An Giang cũng là đội bóng tích cực lấy người trong thời gian vừa rồi. Tuy nhiên, cách mua cầu thủ của đội bóng miền Tây Nam bộ gói ghém hơn hẳn B.Bình Dương. Những cái tên đã gia nhập hay sắp gia nhập HV.An Giang cũng chẳng phải là dạng ngôi sao hiện nay của bóng đá Việt Nam: Thanh Bình, Chí Hùng, Duy An, Văn Hóa, Santos, Tài Em…

Ngoài 2 đội ấy ra, cả làng cầu Việt Nam gần như “án binh bất động”. Ngay đến 2 đội bóng nổi tiếng giàu có của bầu Hiển là Hà Nội T&T và SHB Đà Nẵng còn chưa có nhu cầu lớn, thì dễ hiểu phần còn lại của bóng đá Việt Nam đang khó khăn như thế nào.

B.Bình Dương là đội hiếm hoi chịu khó chi nhiều tiền mua cầu thủ

B.Bình Dương là đội hiếm hoi chịu khó chi nhiều tiền mua cầu thủ

HA Gia Lai của bầu Đức từ mấy năm nay đã từ bỏ thói quen mua ngôi sao. Bầu Đức bây giờ chủ trương xây dựng đội bóng từ căn bản, từ các cầu thủ trẻ, và từ những người dẫu không nổi tiếng, nhưng biết đá vì màu cờ sắc áo.

ĐT Long An thậm chí còn chưa tính đến chuyện mua ngoại binh, dù họ vừa chia tay bộ ba cầu thủ ngoại có tên trong thành phần tham dự V-League 2013, gồm West, Campos và Cleiton.

Gạch cũng chưa chốt chuyện có tiếp tục mượn Việt Thắng từ B.Bình Dương hay không, dù Việt Thắng chính là nhân tố quan trọng giúp cho Gạch thoát hiểm cuối mùa giải vừa rồi.

Sự yên ắng trên thị trường cũng phản ánh tình hình kinh tế khó khăn của chính các ông bầu đang sở hữu các đội bóng nội. Qua rồi cái thời các ông bầu giá nào cũng chi cho các bản hợp đồng mua sắm ngôi sao.

Ưu tiên của nhiều ông bầu bóng đá bây giờ là vực dậy doanh nghiệp đang trong cảnh khó khăn, chứ không phải là đổ hàng đống tiền cho thú chơi xa xỉ là mua sắm cầu thủ và nuôi đội bóng đá.

Chuyện thị trường chuyển nhượng yên ắng mặt khác cũng phản ánh tình yêu bóng đá đang vơi dần nơi các ông chủ triệu phú. 2 năm qua, V.Ninh Bình bán nhiều hơn mua, đấy cũng là 2 năm mà ông bầu Hoàng Mạnh Trường không ít lần bóng gió đến chuyện bỏ bóng đá.

Dù vừa được XM Xuân Thành Sài Gòn bật đèn xanh cho việc ưu tiên lấy cầu thủ từ đội này, sau khi XM Xuân Thành Sài Gòn giải tán, nhưng V.Ninh Bình vẫn chưa hề có bất cứ động tĩnh gì trong chuyện sẽ tiếp nhận một số cầu thủ từ đội bóng thành phố.

Riêng K.Kiên Giang lại là hỉnh ảnh “thảm” nhất của cái gọi là chuyên nghiệp hóa nửa vời, của cái gọi là mối lương duyên giữa doanh nghiệp và những người làm bóng đá địa phương. Đội bóng thuộc vùng đồng bằng sông Cửu Long thậm chí còn không trả nổi chế độ cho cầu thủ, thì còn mơ gì đến chuyện lấy người mới, thậm chí mơ gì đến chuyện tồn tại hay không tồn tại?!

Thị trường chuyển nhượng có lẽ là nơi phản ánh tốt nhất túi tiền của các ông bầu bóng đá, phản ánh tốt nhất tình yêu mà nhiều ông bầu dành cho đội bóng. Một khi thị trường chuyển nhượng vắng lặng thời gian vừa rồi, cũng là lúc mà người ta nhìn rõ nhất hoàn cảnh của nhiều đại gia đang làm bóng đá hiện nay.

Chỉ lạ nhất là trường hợp của B.Bình Dương, trong bối cảnh không có sự cạnh tranh, đội bóng đất Thủ Dầu vẫn sẵn sàng đẩy giá chuyển nhượng cầu thủ lên mức cao ngất thì quả thật là khó hiểu (dĩ nhiên, trừ khi có một số vị đang làm bóng đá ở B.Bình Dương muốn chi nhiều tiền để giải ngân các khoản đang… không biết chi vào đâu!).

Kim Điền

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm