Wushu Việt Nam ở SEA Games 27: Khó tạo “cơn mưa vàng”

(Dân trí) - Wushu là một trong những môn võ đi tắt đón đầu của thể thao Việt Nam (TTVN) với tham vọng có huy chương ở sân chơi Olympic. Nhưng trong nhiều năm qua, môn võ này ngày càng đi xuống và thậm chí không còn là mỏ vàng của đoàn TTVN...

Tại SEA Games năm nay, wushu có tới 23 bộ huy chương-một số lượng tương đối lớn trong số hơn 30 môn thi đấu. Tuy nhiên, theo đánh giá của giới chuyên môn, việc wushu Việt Nam giành được khoảng 4-5 HCV trong tổng số bộ huy chương cũng là một thành tích xuất sắc. Tất nhiên, đó thực sự là một mục tiêu quá khó đạt được, khi SEA Games năm nay khó khăn đang chồng chất với đội tuyển wushu Việt Nam.

“Mỏ vàng” của TTVN từng đoạt 7 HCV SEA Games 25, 4 HCV ở SEA Games 26 nhưng đang gặp khó ở kỳ SEA Games này khi mà chủ nhà Myanmar cắt giảm nội dung thế mạnh của đoàn TTVN.  So với SEA Games 26, nội dung tán thủ (mang về nhiều HCV nhất) giảm đi một nửa. Tình hình cũng không sáng sủa hơn với taolu khi thế mạnh kiếm thuật và thương thuật nam của Việt Nam bị cắt bỏ chỉ còn đao thuật và côn thuật. Ngoài ra, ở các nội dung thế mạnh khác như Thái cực quyền, Thái cực kiếm mà VĐV Việt Nam đã từng giành HCV thế giới được gộp lại thành Thái cực toàn năng và chỉ được tính 1 bộ huy chương.
 
Wushu Việt Nam bị cắt khá nhiều thế mạnh ở nội dung tán thủ

Wushu Việt Nam bị cắt khá nhiều thế mạnh ở nội dung tán thủ

Taolu vốn là thế mạnh của wushu Việt Nam, nhưng việc chúng ta bị cắt giảm quá nhiều những nội dung sở trường, đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến chỉ tiêu HCV. Thêm một khó khăn khách quan nữa, trước khi tham dự SEA Games, wushu Việt Nam sẽ tranh tài tại giải vô địch thế giới, tổ chức tại Malaysia vào tháng 11. Trưởng bộ môn wushu (Tổng cục TDTT) Trương Minh Hà, đội tán thủ sẽ chia làm hai lực lượng làm nhiệm vụ ở giải thế giới và SEA Games. Thực tế, wushu Việt Nam đã có giải VĐTG thành công với 3 HCV, nhưng các nội dung đạt thành tích cao có rất ít tại SEA Games 27, đó là chưa kể ở 2 sân chơi này luôn có sự khác nhau rất lớn về cách tính điểm.

Hi vọng giành HCV tại Myanmar của đội Taolu vẫn được đặt trên vai một vài võ sỹ đã thành danh như Nguyễn Thanh Tùng (thái cực kiếm, thái cực quyền), Dương Thúy Vy (kiếm thuật, thương thuật, nam quyền), Phạm Quốc Khánh (nam quyền nam).

Myanmar không mạnh ở wushu, nhưng quốc gia này làm mọi cách để có thể lấy được nhiều HCV nhất. Ngay  việc chủ động đưa wushu tổ chức sớm trước ngày khai mạc (ngày 5/12 môn này khởi tranh, kết thúc ngày 9/12) và đưa hai nội dung thế mạnh đối luyện và nam quyền nam với hy vọng giành ngay 2 HCV trong ngày khai mạc phần nào bộc lộ rõ ý đồ của chủ nhà.

Trước những khó khăn trên, ban đầu wushu Việt Nam định đặt mục tiêu giành 4 HCV, bằng với thành tích kỳ SEA Games 26, nhưng ông Hà cho biết, mục tiêu trên rất khó hoàn thành. Đánh giá về các đối thủ, ở nội dung taolu, ngoài chủ nhà Myanmar, Việt Nam phải đối đầu với Indonesia và Malaysia, còn ở tán thủ, ta phải đối đầu với Thái Lan, Lào và Philippines…

“Wushu cũng là môn trọng tài chấm điểm theo cảm tính, vì thế chúng tôi chỉ kỳ vọng vào tán thủ đoạt 2 HCV, còn thế mạnh taolu dù ở vị thế hàng đầu thế giới, nhưng ở sân chơi SEA Games lấy 1 HCV cũng rất khó. Như kỳ SEA Games trước, chúng ta chỉ được duy nhất 1 HCV của VĐV Nguyễn Mai Phương”, ông Hà nhận định.

HLV trưởng đội tuyển Wushu (Taolu) Nguyễn Văn Chương chia sẻ: “Các quốc gia trong khu vực ngày càng đầu tư mạnh cho wushu, nên khoảng cách giữa họ và Việt Nam đã không còn nhiều như trước. Tại các kỳ SEA Games trước đây, Wushu luôn được coi là “mỏ vàng” của đoàn thể thao Việt Nam. Thế nhưng giờ đây, vị thế của môn thể thao này đang bị giảm sút rõ rệt . Kỳ SEA Games này, nói thật chúng tôi chỉ chờ vào những màn biểu diễn xuất thần của các VĐV Việt Nam mới mong hoàn thành chỉ tiêu”.

Với việc lực lượng sứt mẻ vì nhiều lý do khác nhau, đang có một khoảng trống giữa lứa trẻ và các tuyển thủ quốc gia. Sự rút lui của gương mặt vàng Trà My và mới đây là Thùy Linh, Mai Phương chưa ai đủ sức thay thế ở nội dung trường quyền, kiếm thuật và đối luyện vũ khí. Đây là hậu quả của việc thiếu chú trọng đến công tác đà tạo VĐV trẻ trong thời gian qua. Một khó khăn nữa cũng được HLV Phương Lan chỉ ra, đó là việc các nước trong khu vực đang tiến hành nhập tịch rầm rộ các VĐV của Trung Quốc. Đây là một thiệt thòi lớn cho wushu Việt Nam bởi so về trình độ, đẳng cấp, chúng ta không thể so được với đất nước sản sinh ra môn võ này.

Nội dung tán thủ (Shanshou) cũng là một thế mạnh của Việt Nam, nhưng tại SEA Games năm nay, sự cắt giảm lên tới 50% so với SEA Games 26, từ 10 hạng cân thi đấu xuống còn 5 hạng cân, rõ ràng việc kiếm 1-2 tấm HCV ở nội dung này cũng rất khó.

Rất khó tạo nên những “cơn mưa vàng” như các kỳ SEA Games lần trước, nhưng không hẳn vì thế mà wushu Việt Nam không nỗ lực tập luyện. Sự cố gắng của tất cả trong thời gian qua chắc chắn sẽ được đền đáp bằng những thành tích tốt nhất.

Danh sách đội tuyển wushu tham dự SEA Games 27 (12 VĐV):

Nguyễn Thanh Tùng, Phạm Quốc Khánh, Nguyễn Mạnh Quyền, Trần Xuân Hiệp, Dương Thúy Vi, Trần Thị Minh Huyền, Bùi Minh Phương, Nguyễn Thị Chinh, Nguyễn Thu Hoài, Tô Văn Báu, Phan Anh Thắng, Hoàng Văn Cao.

An An