Đoàn Việt Nam chuẩn bị cho SEA Games 26

Wushu Việt Nam mất dần vị thế mỏ “vàng” SEA Games?

(Dân trí) - Tấm HCV bất ngờ tại giải vô địch thế giới đang diễn ra tại Ankara, Thổ Nhĩ Kỳ của Nguyễn Thanh Tùng ở nội dung Thái cực quyền đã mang lại sự hưng phấn cho wushu Việt Nam, nhưng vẫn còn rất nhiều nỗi lo tồn tại trước SEA Games 26.

Luôn là mỏ “vàng” ở mỗi kỳ SEA Games, nhưng wushu năm nay thực sự để lại nhiều nỗi lo cho người hâm mộ. Ngoài việc nước chủ nhà cắt giảm hàng loạt nội dung vì đây là môn Indonesia khó có thể tranh chấp, chính sự đi xuống của wushu Việt Nam cũng là một trong những nguyên nhân chính khiến đội tuyển không đặt chỉ tiêu cao như mọi năm.

 

Đó là chưa kể ngoài thành tích quốc tế từ đầu năm không mấy ấn tượng, bộ môn wushu cũng đang có những xáo trộn ở đội ngũ lãnh đạo, khi Trưởng bộ môn wushu mới đây đã mất chức do nhập nhèm chuyện tiền thưởng cho VĐV.
 
Wushu Việt Nam mất dần vị thế mỏ “vàng” SEA Games? - 1
 Wushu Việt Nam gặp khó khăn ở lực lượng kế cận
 

Ở đấu trường khu vực, wushu Việt Nam chỉ đặt chỉ tiêu từ 5 đến 6 HCV (chỉ tiêu thấp nhất từ trước đến nay ở các kỳ SEA Games). Theo lý giải của HLV trưởng Nguyễn Phương Lan, cả hai nội dung của wushu Việt Nam là đối kháng và biểu diễn đều sa sút nghiêm trọng về lực lượng. Đặc biệt ở nội dung đối kháng, hàng loạt các trụ cột bị chấn thương hoặc chia tay đội tuyển.

 

Có một thực tế là để đào tạo ra một võ sĩ biểu diễn thuần thục có khả năng tranh chấp huy chương trên đấu trường quốc tế, thường phải mất tới 6-7 năm chứ không chỉ 2-3 năm như nội dung đối kháng. Với việc lực lượng sứt mẻ vì nhiều lý do khác nhau, đang có một khoảng cách giữa lực lượng trẻ và các tuyển thủ quốc gia. Sự ra đi của gương mặt vàng Trà My để lại khoảng trống rất lớn ở những nội dung mà võ sĩ trường quyền, kiếm thuật và đối luyện vũ khí.

 

Ngay cả khi năm nay, 2 gương mặt từng làm mưa làm gió những năm trước là Vũ Thùy Linh và Nguyễn Mai Phương trở lại, cũng không mang tới sự khả quan, khi mà cả 2 không có phong độ tốt vì chấn thương, nhất là Thùy Linh đã nghỉ tập sau một thời gian dài học văn hóa.

 

Một khó khăn nữa cũng được HLV Phương Lan chỉ ra, đó là việc các nước trong khu vực đang tiến hành nhập tịch rầm rộ các VĐV của Trung Quốc. Đây là một thiệt thòi lớn cho wushu Việt Nam bởi so về trình độ, đẳng cấp, chúng ta không thể so được với đất nước sản sinh ra môn võ này.

 

Theo đánh giá của bà Lan, nội dung biểu diễn vẫn hy vọng vào các gương mặt Quốc Khánh và bộ ba Nguyễn Huy Thành – Trần Đức Trọng – Trần Xuân Hiệp (đối luyện tay không nam). Đây là 2 nội dung mà wushu Việt Nam đã giành HCV tại SEA Games 25.
 
Wushu Việt Nam mất dần vị thế mỏ “vàng” SEA Games? - 2
 Tấm HCV của Thanh Tùng phần nào giúp đồng đội tự tin hơn
 

Trong khi đó ở nội dung đối kháng, dù không phải là thế mạnh nhưng lại là niềm hy vọng hoàn thành chỉ tiêu của wushu Việt Nam. Tại SEA Games 25, các võ sĩ tán thủ đã mang về 5 HCV, giúp wushu Việt Nam xuất sắc vượt chỉ tiêu 6 HCV đề ra.

 

Trong thành phần tham dự SEA Games lần này, nội dung tán thủ vẫn có sự đóng góp của 2 võ sĩ giành vị trí á quân Asiad 16 là Nguyễn Thị Bích và Phan Văn Hậu. Ngoài ra, Tân Thị Ly (HCV SEA Games 25), Nguyễn Minh Thông (HCĐ Asiad 16) và Trần Văn Kiên (HCV SEA Games 25) vẫn là những gương mặt được kỳ vọng nhất. Dù vậy, sân chơi khu vực chưa thể nói trước được điều gì, khi các võ sĩ Việt Nam chắc chắn sẽ gặp bất lợi về trọng tài.

 

Sự lo lắng bao trùm lên BHL đội tuyển wushu, nhưng tấm HCV đầy bất ngờ của Nguyễn Thanh Tùng tại giải vô địch thế giới đang diễn ra tại Thổ Nhĩ Kỳ đã lại mang đến niềm tin cho wushu Việt Nam. Trước Nguyễn Thanh Tùng, võ sĩ Nguyễn Mai Phương cũng đã xuất sắc giành HCĐ ở nội dung thương thuật nữ, võ sĩ Nguyễn Mạnh Quyền giành HCB ở nội dung côn thuật nam.

 

Đây thực sự là một cú hích tinh thần quan trọng trong thời điểm mà nội dung biểu diễn đang rất bi quan. Hy vọng với phong độ ấn tượng tại giải vô địch thế giới lần này, nội dung biểu diễn sẽ lại trở lại là mũi nhọn, gặt hái nhiều tấm HCV như những kỳ SEA Games trước cho đội tuyển wushu Việt Nam.

 

Hiểu Minh