Wushu Việt Nam có dấu hiệu tụt hậu

Lần thứ ba liên tiếp, wushu Việt Nam đứng thứ hai bảng tổng sắp giải vô địch thế giới, sau Trung Quốc. Thế nhưng, từ thực tế diễn ra ở giải lần thứ 8 tại Hà Nội vừa qua, nếu không có những chiến lược dài hơi, wushu Việt Nam sẽ sớm mất ngôi vị á quân.

Không tính đến sự vượt trội của đoàn Trung Quốc với 18 HC vàng, thì khoảng cách giữa vị trí thứ hai của Việt Nam (5 HC vàng, 8 HC bạc và 3 HC đồng) với Malaysia (4 HC vàng, 1 HC bạc và 6 HC đồng) và Philippines (3 HC vàng) là không đáng kể. Thậm chí, chúng ta còn phải giật mình khi biết rằng cả 4 chiếc HC vàng mà Malaysia giành được đều ở nội dung biểu diễn. Trong khi đó, Việt Nam chỉ có được 3 HC vàng biểu diễn của Thanh Xuân (đao thuật), Mai Phương (thái cực kiếm) và Tiến Đạt - Đức Trọng (đối luyện - nội dung mới ở giải thế giới).

 

Malaysia không giành được HC vàng nào tại SEA Games 23, nhưng đó chính là "chiến thuật" ém quân của họ. Bởi ở giải thế giới có nhiều quy định mới, cho phép các VĐV có thể đạt tới điểm tối đa là 10. Trong khi đó tại SEA Games, BTC chỉ tính điểm trên bài thi quy định nên điểm số chỉ khoảng 9,30. Quyết định đầu tư để hướng tới tầm thế giới của Malaysia đã có kết quả ngay ở giải lần này. Cách đây hai năm, quốc gia ĐNA này thậm chí còn chưa tạo được tên tuổi, nhưng lần này, họ đã vượt cả Macao và Hong Kong...

 

Taolu Việt Nam đã lạc hậu với thế giới

 

Đứng thứ hai thế giới, nhưng Việt Nam đã để Trung Quốc bỏ khá xa. Bài biểu diễn của chúng ta thiếu hẳn những động tác khó. Có thể dễ dàng nhận thấy các VĐV taolu của Việt Nam chưa theo kịp được với một số nét mới của wushu thế giới. Đa số các đoàn đều đã "đi tắt đón đầu" trước mình khi áp dụng nhiều bài tập tự chọn có độ khó rất cao. Trong khi đó, VĐV Việt Nam vẫn khiến người xem nhận thấy sự quen thuộc trong mỗi bài biểu diễn. Lý do của tình trạng này một phần cũng vì Việt Nam đã đặt nặng vấn đề thành tích ở SEA Games 23.

 

Mỹ Đức, Ngọc Oanh hay Trà My không phải là không đạt trình độ thế giới nhưng do phải tập trung vào mục tiêu SEA Games (chưa áp dụng bài thi tự chọn), nên chưa thể chuyển đổi ngay ở giải thế giới lần này, nhất là khi thời gian thi đấu giữa hai giải lại khá gần nhau.

 

Ở môn thái cực quyền, Mai Phương đã sử dụng bài thi tự chọn, nhưng cũng chỉ vì quá bỡ ngỡ mà cô gái Hà Nội đã bị mất 0,5 điểm vì đăng ký sai động tác. Bài thi taolu mà Việt Nam có số điểm cao nhất chỉ là 9,63 trong khi các VĐV Trung Quốc, cụ thể là Zhang Fang có khi đạt tới 9,90 điểm. Còn lại, các VĐV đoạt HC vàng khác như Đàm Thanh Xuân (đao thuật) hay Nguyễn Tiến Đạt và Trần Đức Trọng (đối luyện) cũng chỉ đạt mức lần lượt là 9,55 và 9,60. Việc chúng ta giành HC vàng cũng chỉ do sự nhuần nhuyễn và.... không có sự tham gia của các đối thủ mạnh.

 

Theo lời ông Hoàng Vĩnh Giang, Giám đốc Sở TDTT Hà Nội, người đã có công đưa wushu vào Việt Nam, thì các quốc gia khác đã tiến bộ rất nhiều. Ngoài Malaysia còn có Hong Kong, Italia, Nga và hầu hết các VĐV của những đoàn này đều đi theo bài thi tự chọn với nhiều động tác khó. Bên cạnh việc mời chuyên gia, họ cũng đã "nhập khẩu" nhiều VĐV Trung Quốc để bổ sung cho lực lượng của mình.

 

Tán thủ Việt Nam chỉ có thể hy vọng vào nữ

 

Cũng như taolu, ở nội dung tán thủ (đối kháng), người Trung Quốc cũng chiếm ưu thế. Cả 8 VĐV của họ vào chung kết đều giành HC vàng. Còn với Việt Nam, chúng ta mới chỉ có thể tạm thời yên tâm vào lực lượng nữ. Với 4 VĐV tham dự, Việt Nam đã giành 2 HC vàng, của Bùi Thị Như Trang ở hạng 48 kg và Hà Thị Hạnh hạng 65 kg. Chính Trang cũng là người đã giành được thành công tại SEA Games 23. Thế nhưng, với lực lượng nam thì hầu như Việt Nam không có "cửa", thậm chí trong cả những trường hợp không phải đối đầu với Trung Quốc.

 

Chiến lược của Việt Nam là tập trung vào các hạng cân thấp, phù hợp với tầm vóc, thể lực người Việt Nam và có khả năng tranh chấp huy chương với các võ sĩ "hàng xóm". Thế nhưng, mục tiêu này cũng chưa thật sự thành công bởi sự xuất sắc của Philippines. Nước chủ nhà của SEA Games 23 là quốc gia mạnh nhất của tán thủ ở khu vực Đông Nam Á hiện nay, với bằng chứng là 3 chiếc HC vàng. Đó là chưa kể đến sức mạnh của những đoàn như Iran, Nga, Hàn Quốc. Những quốc gia có phong trào boxing khá mạnh này hầu như đã chặn đứng cơ hội của nam Việt Nam.

 

Những việc cần làm từ giải vô địch thế giới

 

Chắc chắn BHL sẽ phải có những thay đổi về chiến thuật để giúp wushu Việt Nam đứng vững trên đấu trường khu vực. Bởi chắc chắn, các đối thủ của chúng ta chưa dừng lại ở mức trình độ như hiện nay. Với việc nhận đăng cai giải vô địch trẻ thế giới lần đầu tiên vào năm tới, Malaysia quyết tâm chứng minh khả năng của mình ở môn võ này. Việc Trung Quốc đang vận động đưa wushu vào chương trình thi đấu chính thức của Olympic Bắc Kinh 2008 cũng là một trong những nguyên nhân khiến nhiều quốc gia khác cũng chú trọng đầu tư vào bộ môn này - một thực tế khiến Việt Nam cần phải quan tâm.

 

Theo H. Linh

Vnexpress