Vụ "hét giá" thuê sân Mỹ Đình: Cửa quyền và cơ hội?

Giám đốc Khu LHTTQG Mỹ Đình tỏ rõ sự cơ hội: "Nhà có cỗ, bố mẹ được ăn cỗ thì cũng phải cho con ăn, chẳng nhẽ bắt con nhịn đói?"

Câu chuyện thể thao nóng nhất cuối tuần này của bóng đá Việt không phải là V – League khởi tranh trở lại hay kết quả thi đấu của U23 Việt Nam mà đó là chuyện sân BQL sân Mỹ Đình “hét” giá 1,5 tỷ đồng tiền thuê sân đối với trận đấu giữa ĐTVN và CLB Arsenal vào ngày 17/7 tới khiến trận đấu này có nguy cơ bị hủy.

Trả lời phỏng vấn báo chí về cái giá "trên trời" mà BQL đưa ta, ông Cấn Văn Nghĩa - Giám đốc khu Liên hợp thể thao Quốc gia (LHTTQG) Mỹ Đình thẳng thắn: "Mấy khi có sự kiện đỉnh điểm thế này, vé lên tới 1,5 triệu đồng/chiếc. Tôi tính sơ sơ nếu bán hết vé, BTC trận đấu đã có vài chục tỷ, đó là chưa kể đặt bảng quảng cáo, bản quyền truyền hình. Họ thu lớn như vậy thì cũng phải chia sẻ với sân chứ. Nhà có cỗ, bố mẹ được ăn cỗ thì cũng phải cho con ăn, chẳng nhẽ bắt con nhịn đói?"

Trước thông tin cho rằng, Ban tổ chức trận đấu giao hữu giữa hai đội tuyển Việt Nam và CLB Arsenal có thể lỗ tới 25 tỷ đồng, và có thể hủy trận đấu này vì mức giá thuê sân quá cao, ông Cấn Văn Nghĩa nói: "Đâu thể nói hủy là hủy. Bây giờ chuyển địa điểm đã là khó rồi, chứ đừng nói là hủy. Đó là uy tín chứ đâu phải chuyện đùa. Còn chuyện lỗ hay lãi của sự kiện này tôi không quan tâm, vấn đề này là của Ban tổ chức sự kiện này, tôi không quan tâm”.

 

Một trận đấu của ĐT Việt Nam trên sân Mỹ Đình (ảnh: QT)

Một trận đấu của ĐT Việt Nam trên sân Mỹ Đình (ảnh: QT)

Lý giải nguyên nhân mức phí thuê sân tăng cao đột ngột, ông Cấn Văn Nghĩa cho biết: "Đây là trận mà mình phải giữ thương hiệu sân vận động quốc gia chứ không phải sân vận động của một CLB hay của địa phương nào. Kế hoạch của chúng tôi tuần sau bắt đầu sơn 4800m sơn ở xung quanh. Mặt cỏ đợt này đánh luống bằng sơn, thế mới là sân quốc gia xứng tầm để đá với Arsenal. Họ đã sang đây kiểm tra 3 lần và 2 lần về chuyên môn, về mặt sân, họ rất quan tâm tới các phòng chức năng và vấn đề an ninh...".

Những điều ông Nghĩa đưa ra có quá nhiều thứ vô lý. Thứ nhất, nếu dựa trên cơ sở làm ăn kinh tế, kể cả sân Mỹ Đình có là của tư nhân đi chăng nữa thì không bao giờ có một bản hợp đồng ký kết nào mà giá đội lên gấp 7 lần so với “thương vụ” gần đây nhất. Trong trận đấu giữa U23 Việt Nam và CLB Kashima Antlers (Nhật Bản) vừa qua, mức phí thuê sân chỉ là 150 triệu đồng, trước đó, trận thi đấu giữa ĐT Việt Nam và ĐT Indonesia là hơn 200 triệu đồng.

Xa hơn là một trận đấu có tính chất “lịch sử” không kém giữa ĐT Việt Nam và U23 Brazil, mức giá cũng chỉ dừng lại ở con số 200 triệu năm 2008. Mà xét về đẳng cấp và tiếng tăm, U23 Brazil hoàn toàn không kém cạnh gì với Arsenal thậm chí còn có phần hơn bởi trong đội hình của họ năm đó có cả Ronaldinho, Anderson…

Ông Nghĩa lại lý giải, do trượt giá, do khó khăn kinh tế, nhưng chẳng lẽ trong mấy chục ngày, đồng tiền mất giá đến như vậy?

Thứ hai, ngay cả việc bảo dưỡng mặt sân, cũng không thể tốn kém đến 1 tỉ đồng như ông Cấn Văn Nghĩa nói. Đại diện Arsenal 3 lần kiểm tra mặt sân Mỹ Đình và họ khẳng định: Mặt sân Mỹ Đình ở thời điểm hiện tại đã đạt yêu cầu. Đối tác đã hài lòng với chất lượng mặt sân và không yêu cầu nâng cấp gì thêm. Vậy số tiền bảo dưỡng sân 1 tỉ đồng như ông Nghĩa đưa ra liệu có cần thiết, hay đó chỉ là một cách lí giải thiếu thuyết phục.

Còn một lý do khác đó là những lần trước, BQL sân đều phải chịu lỗ, và họ chịu như vậy một phần do nhiệm vụ, một phần khác để góp phần phát triển bóng đá nước nhà. Vậy thử hỏi, trận giao hữu giữa ĐT Việt Nam với CLB Arsenal có phải là cơ hội để các cầu thủ của chúng ta thử lửa, cọ sát với một đội bóng hàng đầu thế giới hay chỉ là một trò vui mà những người tổ chức mang ra để "câu tiền" khán giả?

Trả lời phỏng vấn báo chí về vụ việc này, ông Nguyễn Trọng Hỷ, Chủ tịch VFF đã giải thích rõ: “Đây là nhiệm vụ chính trị chứ không thể coi là hoạt động kinh doanh để tính lỗ, lãi. Ngay VFF cũng phải chịu lỗ một chút, chứ không thể cứ nhằm vào tiền của nhà tài trợ. Mỹ Đình hiện nay trực thuộc Bộ VHTT&DL. Tôi cho rằng VFF cũng phải được coi như “ruột thịt” của Bộ, làm nhiệm vụ chính trị xã hội, chứ không thể coi chúng tôi là đối tác để tính lãi”.

Ông Hỷ cũng cho biết đại diện Công an Hà Nội cũng xác định đây là nhiệm vụ chính trị. Chính vì quan điểm này mà kinh phí để thuê lực lượng an ninh cũng không quá cao. Chánh Văn phòng Công an Hà Nội đã cam kết sẽ đảm bảo chuyến du đấu của Arsenal tại Việt Nam ở mức an toàn tuyệt đối.

Rõ ràng, việc BQL sân Mỹ Đình "hét" giá cao đến như thế xuất phát ở lý do mà họ tự nghĩ ra: BTC trận đấu vớ “quả đậm” nên buộc phải chia sẻ cho sân, nếu không, trận đấu không thể tổ chức được.

Vấn đề cửa quyền và vụ lợi là ở đây. Ông Cấn Văn Nghĩa và BQL sân Mỹ Đình có quyền cho phép trận đấu được tổ chức hay là không và họ vin vào quyền này để làm giá với BTC của trận đấu.

Thế nhưng, nực cười thay, xét trên bài toán kinh tế, phí để mời Arsenal rơi vào khoảng 40 tỷ (đi lại, lưu trú, ăn ở…), nếu vé bán được hết BTC thu lại được khoảng 27 tỷ, Quảng cáo cũng gần như không thu được gì, khi chính 2 nhà tài trợ chính là HAGL và Eximbank lại là 2 người đứng ra tổ chức trận đấu. Vậy tính sơ sơ, BTC trận đấu cũng khó mà lãi được vậy liệu họ có thể mang 1,5 tỷ ra để làm hài lòng BQL sân Mỹ Đình?

Một thông tin mà VFF chia sẻ, trong cuộc họp gần đây, một thành viên cốt cán của BTC trận đấu đã nêu ý kiến, giá thuê sân chỉ nên tối đa 600 triệu đồng. Nếu vẫn giữ nguyên ở giá 1,5 tỷ đồng thì hoặc hủy hợp đồng với CLB danh tiếng của Ngoại hạng Anh, hoặc chuyển đến sân khác tại Việt Nam.

Tuy nhiên, nói là vậy, VFF vẫn muốn tổ chức trận đấu ở Mỹ Đình bởi đây là SVĐ Quốc gia khang trang nhất cả nước. Được biết, thứ 2 tuần tới, Bộ VH-TT&DL sẽ gặp VFF để giải quyết dứt điểm vướng mắc giữa BTC trận đấu và Khu LHTTQG Mỹ Đình. Nhiều khả năng, Ban quản lý sân sẽ phải giảm giá nhưng có lẽ sẽ vẫn là cao nhất từ trước tới nay.
 
Theo Quang Trung
VOV