VPF đứng trước sự đổi thay lớn
(Dân trí) - Đề xuất thuê chuyên gia ngoại làm CEO cho thấy VPF đang cố gắng thay đổi theo hướng chuyên nghiệp. Dù vậy, đặc thù của bóng đá Việt Nam rất khác so với bóng đá ngoại sẽ là thách thức lớn cho những đổi thay của VPF.
Trong năm đầu tiên nắm quyền tổ chức 3 giải bóng đá chuyên nghiệp quốc gia là V-League, giải hạng Nhất và cúp quốc gia, công bằng mà nhìn nhận, VPF đã làm được những điều khá tích cực.
Sự hiện diện của chuyên gia Nhật Bản (trái) mang lại nét mới cho VPF - Ảnh: Sơn Dũng
Công tác trọng tài trong mùa giải 2012 cũng có những cải tiến. Chí ít thì người hâm mộ và bản thân các đội bóng không còn phải thấy cảnh người của giới trọng tài bênh nhau quá lố sau các sự cố, như chuyện vẫn xảy ra ở các năm về trước.
Đấy là lý do mà VPF, cụ thể là chủ tịch HĐQT Võ Quốc Thắng rất mong hợp tác với chuyên gia Nhật Bản Kazuyoshi Tanabe, người có kinh nghiệm làm việc với bóng đá Nhật và bóng đá Pháp trước đây. Vả lại, VPF cũng cần một CEO chuyên trách, nhằm giảm tải cho TGĐ Phạm Ngọc Viễn vốn có khá nhiều việc.
Ngay sau khi đặt chân đến Việt Nam để đàm phán các vấn đề liên quan đến hợp đồng với VPF, ông Tanabe chỉ ra ngay những yếu kém dễ thấy của bóng đá nội. Về giải V-League, vị chuyên gia người Nhật không giấu giếm ý định của mình: “Tôi muốn V-League phải hay, phải đẹp, và điều quan trọng nhất là khán giả phải đến sân thật đông để CLB có nguồn thu”.
Mặt khác, ông Tanabe cũng nói thẳng về yếu kém trong công tác tài chính của các CLB: “Mỗi đội bóng không thể chỉ phụ thuộc vào 1 ông bầu. Các CLB ở Nhật đều có 5 – 6 nhà tài trợ, đồng thời luôn được hỗ trợ tối đa từ địa phương hòng đảm bảo về mặt tài chính, cũng như không bị mất tên khi nhà tài trợ gặp chuyện”.
Chuyện các CLB cần nhiều nhà tài trợ song hành, không nên phụ thuộc hẳn vào hầu bao của 1 ông bầu là đúng là chuyện cần giải quyết và đã được nói đến rất nhiều. Vấn đề ở Việt Nam hiện nay, trong bối cảnh các doanh nghiệp khó khăn trong kinh doanh, phần lớn đều không mặn mà đầu tư vào bóng đá, nên tìm cho mỗi CLB 5 – 6 nhà tài trợ cùng lúc là điều gần như không tưởng.
Câu chuyện cái tên cũng vậy. Với các CLB bóng đá chuyên nghiệp trên khắp thế giới, cái tên CLB gắn liền với truyền thống, gắn liền với sức hút cho người hâm mộ, nên không đội nào muốn đổi tên, dù có đổi chủ.
Nhưng với bóng đá Việt Nam thì khác, các CLB trong nước chỉ hoạt động trên danh nghĩa công ty cổ phần, còn nguồn tài chính thực chất đến từ hầu bao của 1 ông bầu (không cần phải xác minh thì người ta cũng có thể nói ngay ĐT Long An là của bầu Thắng, HA Gia Lai thuộc về bầu Đức, SHB Đà Nẵng và Hà Nội T&T là của bầu Hiển, dù các ông bầu này có chức danh ở CLB vừa nêu hay không).
Mà phàm khi các ông bầu đã đổ tiền vào bóng đá, họ dứt khoát phải gắn tên đội bóng với tên doanh nghiệp mình làm chủ, chứ không lẽ mua lại đội bóng từ người khác rồi mà vẫn giữ lại cái tên doanh nghiệp của người khác?
Cái khó là ở chỗ đó! Chuyên gia Đoàn Minh Xương bình luận: “Chuyên gia thấy rõ những nhược điểm của bóng đá Việt Nam. Nhưng chuyên gia chỉ đóng vai trò tư vấn, còn để các giải đấu thật chuyên nghiệp, thì đấy lại là vai trò của những người Việt Nam”.
Chỉ có điều thay đổi cả một ý thức hệ là chuyện không phải ngày một ngày hai. Nội cái tên thôi cũng đã khó. Các ông bầu thì dứt khoát gắn tên doanh nghiệp vào, nên nay đổi nên này, mai chọn tên khác, trong khi VFF thì thiếu chặt chẽ (thành ra mới có chuyện Sài Gòn XT trong những ngày gần đây).
Đúng là VPF cần những thay đổi, bóng đá Việt Nam cũng cần những thay đổi, các giải chuyên nghiệp trong nước cần chất xám của chuyên gia ngoại có kinh nghiệm để chuyên nghiệp hơn. Nhưng để thực hiện đầy đủ lộ trình mà chuyên gia ngoại vạch ra, thì đấy là một cuộc hành trình nhiều thách thức.
Kim Điền