Luật sư Trần Vũ Hải

“VPF cần tôn trọng hợp đồng bản quyền VFF ký với AVG”

(Dân trí) - Super League đã trải qua 3 vòng đấu nhưng “cuộc chiến” bản quyền truyền hình giữa VPF và AVG vẫn chưa đến hồi kết. Trao đổi với phóng viên, luật sư Trần Vũ Hải cho rằng hợp đồng AVG ký với VFF diễn ra đúng luật, các bên cần tôn trọng điều khoản ký kết...

PV: Ít ngày sau khi VPF được “khai sinh”, lãnh đạo công ty đã khẳng định VPF là đơn vị sở hữu các giải đấu chuyên nghiệp nên không có trách nhiệm kế thừa hợp đồng VFF ký kết với AVG. Xin ông cho biết ý kiến về vấn đề này?


Luật sư Trần Vũ Hải: Cá nhân tôi cho rằng lãnh đạo VPF đã có những phát ngôn chưa phản ánh đúng bản chất vấn đề. Theo những thông tin tôi nắm được, ngày 29/12/2011 đại diện VPF tuyên bố không quan tâm đến bản hợp đồng khai thác bản quyền truyền hình có thời hạn 20 năm mà VFF ký với AVG, với lý do VPF là chủ sở hữu của giải đấu mới mang tên Super League (giải VĐQG).

 

Dựa trên Luật thể dục thể thao (Điều 52 khoản 1, Điều 53 khoản 2, Điều 71 khoản 7) và Điều lệ của VFF  thì VFF là cơ quan tổ chức, quản lý Giải vô địch bóng đá Quốc gia, giải bóng đá chuyên nghiệp khác. Như vậy, VPF chỉ là đơn vị được VFF ủy quyền tổ chức, điều hành, khai thác quyền thương mại của giải đấu chuyên nghiệp, chứ không phải là chủ sở hữu giải VĐQG vừa được đổi tên thành Super League. Với tư cách là đơn vị được VFF ủy quyền, đồng nghĩa VPF phải tiếp nhận và kế thừa các hợp đồng mà VFF ký trước đó, bao gồm cả hợp đồng bản quyền truyền hình các giải đấu.

 

Rất nhiều lần đại diện VPF cho rằng hợp đồng VFF ký với AVG vi phạm những quy định hiện hành khi ký với thời gian 20 năm, không hỏi ý kiến các CLB?

Luật pháp Việt Nam không có quy định hạn chế thời hạn hợp đồng về chuyển nhượng thương quyền truyền hình. Điều này có nghĩa AVG và VFF được phép thỏa thuận về thời hạn ký kết hợp đồng. Trên thực tế, ngay cả AFC (Liên đoàn bóng đá châu Á) từng ký thỏa thuận độc quyền thương mại với WSG với thời hạn lên tới 20 năm giai đoạn 1993-2013.
 
“VPF cần tôn trọng hợp đồng bản quyền VFF ký với AVG” - 1
Luật sư Hải khẳng định hợp đồng AVG ký với VFF diễn ra đúng luật

 

VFF đang hoạt động theo mô hình và định hướng của FIFA, đã được Bộ Nội vụ phê duyệt vào năm 2010. Điều này có nghĩa là những quy định về điều lệ hoạt động đã được pháp luật Việt Nam bảo hộ. Điều 74 liên quan đến các quyền lợi của VFF ban hành quy định rõ:


1. VFF và các thành viên là những chủ sở hữu đầu tiên của tất cả các quyền lợi xuất phát từ các giải đấu và các sự kiện khác diễn ra trong phạm vi quyền hạn của các tổ chức này mà không có sự giới hạn nào về nội dung, thời gian, địa điểm và luật lệ. Những quyền lợi này bao gồm tất cả các quyền lợi về tài chính, ghi hình và ghi âm, bản quyền truyền hình và tường thuật.

2. BCH quyết định phương thức và mức độ sử dụng những quyền trên đồng thời đưa ra các quy định đặc biệt cho mục đích này. BCH có quyền quyết định sử dụng độc quyền các quyền trên hoặc liên kết với một bên thứ ba hoặc hoàn toàn thông qua bên thứ ba


Như vậy có thể thấy rằng điều lệ của VFF đã khẳng định Ban chấp hành có quyền quyết định về bản quyền truyền hình của các giải đấu. Bên cạnh đó, tại Đại hội thường niên VFF năm 2010 cũng đã ra nghị quyết chấp thuận thông qua phương án hợp tác với AVG. Theo quy định, các CLB có quyền gửi văn bản khiếu nại đến VFF theo quy định nếu không cảm thấy hài lòng.

 

Tuy nhiên, hiện không có bất kỳ CLB nào gửi khiếu lên VFF. Khi đã thông qua điều lệ, tức là các CLB đã ủy quyền cho Ban chấp hành quyết định việc khai thác bản quyền nên cách nói VFF tự ý ký hợp đồng là không chính xác. Dựa trên những điều tôi đã nêu có thể rõ việc ký kết hợp đồng giữa VFF và AVG diễn ra đúng luật. Với tư cách là đơn vị được VFF ủy quyền, VPF cần tôn trọng những điều khoản hợp đồng đã ký kết.

Có ý kiến nhận định VFF đã vi phạm các luật như Luật đấu thầu, Luật cạnh tranh khi ký hợp đồng này. Ông đánh giá thế nào về việc này?

VFF ký hợp đồng với AVG là hoạt động chuyển nhượng thương quyền chứ không liên quan đến việc chọn nhà thầu cung ứng vật tư, dịch vụ xây dựng. VFF cũng không sử dụng nguồn vốn nhà nước nên không thể áp dụng Luật đấu thầu, đã không áp dụng thì không thể nói vi phạm Luật đấu thầu.

Từ khi có hợp đồng AVG luôn tạo điều kiện cho các đài lớn như VTV, VTC, cùng rất nhiều đài địa phương được khai thác hình ảnh các giải đấu chuyên nghiệp nên không thể nói là AVG vi phạm luật cạnh tranh. Các nhà đài lớn có thể trả tiền bản quyền để khai thác và phát sóng. Đối với những đài không có kinh phí mua bản quyền có thể tiếp sóng miễn phí, miễn là tuân thủ điều khoản ràng buộc.

 

Kể từ khi xảy ra vụ tranh chấp, có nhiều quan điểm cho rằng ở thời điểm ký hợp đồng AVG chưa được cấp giấy phép sản xuất chương trình truyền nên hợp đồng có thể bị vô hiệu. Tuy nhiên, cá nhân tôi cho ràng AVG có đủ điều kiện mua bán, khai thác bản quyền truyền hình bởi trong giấy phép kinh doanh của AVG quy định rất rõ ngành nghề hoạt động là sản xuất chương trình truyền hình, Hoạt động chuyên môn, khoa học và công nghệ khác trong các lĩnh vực giải trí, thể thao, văn hóa xã hội, ca nhạc…

 

Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi!

 

Quang Vinh (thực hiện)

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm