1. Dòng sự kiện:
  2. Giải chạy Unique Nha Trang H-Marathon 2024
  3. Vòng chung kết giải U23 châu Á 2024

Vòng luẩn quẩn

Cứ tháo cho những nhà cầm quân cái sức ép lên hạng hay vô địch và tháo cho họ những thứ lệ làng tồn tại thì sẽ nhiều người thoát được vòng lao lý. Cái vòng mà lỡ bước vào bóng đá ai cũng dễ dính phải.

Những người bạn rất thân với ông Vũ Tiến Thành giờ vẫn còn chinh chiến với nhiều đội bóng và làm công tác quản lý bóng đá kể lại nỗi đau của bạn mình: "Thành không phải là người xấu, cái miệng nó bô bô như thế nhưng cơ bản là người tốt. Đã có lần bên bàn nhậu nó tâm sự với anh em trong lớp học về nỗi đau của một người làm công tác đào tạo bóng đá TPHCM mà cứ thấy cái địa phương này thui chột.

 

Ngày nhận lời về làm thuê cho Ngân hàng Đông Á, nó cân nhắc dữ lắm. Không phải vì 20 triệu đồng một tháng đâu. Ngày nó nắm đội thấy nó đăm chiêu lắm. Bạn bè khuyên đủ điều nhưng nó cứ gạt đi và nói lên chuyên nghiệp rồi mới tính chuyện làm bóng đá một cách tử tế được...".  Cái tử tế ấy chưa thành hiện thực thì Thành bị bắt vì tội đưa hối lộ.

 

Tôi gặp lại các bạn bè của Thành, lại nghe họ nói: "Nó (Vũ Tiến Thành - PV) vẫn nợ anh em tụi tôi một lời hứa. Vế đầu lên chuyên nghiệp thì nó đã thực hiện được còn làm tử tế thì chưa. Bây giờ thì nó mất hết cả rồi...". Đúng là ông Thành đã mất tất cả nhưng khát vọng làm bóng đá một cách tử tế như ông hứa với bạn bè lại buộc cả làng bóng Việt Nam phải suy nghĩ, nhất là trong thời điểm hiện nay sờ đâu cũng ra tiêu cực.

 

Khi ông Đoàn Nguyên Đức bị đề nghị khởi tố thì chính những nhà điều hành bóng đá Việt Nam thở dài. Cái thở dài không phải vì ngạc nhiên nhưng cái thở dài có lẽ vì ai làm bóng đá cũng biết chắc rằng đụng đến ai cũng lòi ra tiêu cực vì... cái môi trường nó thế. Bằng cấp như ông Thành, không thể nói ông không biết thế nào là tội đưa hối lộ, nhưng tại sao ở môi trường bóng đá ông vẫn làm cho đội bóng của mình?

 

Một người  bạn đồng môn rất thân với ông Thành (học khóa 7 khoa Bóng đá Đại học TDTT) tâm sự: "Không vì cái áp lực phải lên hạng thì Thành không dính vào chuyện ấy đâu. Nó từng tâm sự với tôi là hoàn cảnh bóng đá Việt Nam bát nháo như thế đố ai mà đá đàng hoàng không phết, không phẩy và không vừa lo chuyên môn vừa lo hậu trường mà lên hạng được...".

 

Thế là ông Thành, ngoài chuyện lo chuyên môn phải thêm vòng ngoài. Cái vòng mà để hợp thức hóa người ta nói là "tình cảm" để trọng tài thổi công bằng thay vì đè ngửa ra. Cái vòng mà sau này chính những nhà làm bóng đá của lò SLNA cũng thừa nhận rằng hồi ấy (2000/01), SLNA mạnh nhất nước, nhưng vẫn phải có công thức 15 triệu đồng cho một trận thắng và 5 triệu cho một trận thua gửi trọng tài gọi là để được công bằng. Cũng hệt như ngành thể thao vừa tham lại vừa lo trước cuộc chiến bóc dần ra những mảng tiêu cực: bởi muốn làm đến nơi đến chốn nhưng lại lo nếu làm đủ, làm công bằng thì hết sạch.

 

Bóng đá Việt Nam đúng là cái "cối xay" khi những nhà làm bóng đá có tư tưởng làm tử tế lúc bước vào đấy đều phải chấp nhận thích nghi với môi trường để tồn tại. Hy vọng mùa này sẽ khác. Hôm qua, khi trao đổi với những nhà cầm quân trước khi vào mùa giải mới đều nghe "được có bao nhiêu chơi bấy nhiêu và không bị sức ép kiểu như phải vô địch hay phải trụ hạng nữa".

 

Theo Nguyễn Nguyên

Lao Động