1. Dòng sự kiện:
  2. AFF Cup 2024

Vòng 18 V-League: Báo động cho FLC Thanh Hoá hay báo động cho giải đấu?

(Dân trí) - Thua trận thứ 2 liên tiếp, đội bóng xứ Thanh đã bị bám rất sát bởi 3 đội bóng cùng của bầu Hiển. Nhưng chi tiết đấy vẫn không đáng quan tâm bằng chuyện chỉ có chưa đến 5.000 người xem/trận, xét trung bình số khán giả ở vòng 18 V-League.

Có tổng cộng 34.000 người xem 7 trận thuộc vòng 18 V-League, trung bình chỉ khoảng 4.800 người/trận. Con số quá thấp đối với một quốc gia luôn được cho rằng hâm mộ bóng đá hàng đầu thế giới.

Thậm chí, con số tổng cộng 34.000 người đấy có khi chỉ bằng số người xem một 1 trận đấu ở các sân Thống Nhất, Chi Lăng, Lạch Tray, hay sân Vinh trước đây, ở cái thời điểm mà khán giả còn tràn xuống cả đường chạy điền kinh để tranh nhau xem bóng đá.

Rồi chưa tính đến chuyện con số 34.000 người cho cả 7 trận và chỉ khoảng 4.800 người cho trung bình từng trận chắc gì đã là con số chính xác. Thói quen của các giám sát ở V-League là thống kê tăng số khán giả so với con số thực, trước khi điền vào biên bản, hòng có con số đẹp với nhà tài trợ vào cuối mùa.

V-League càng lúc càng vắng khán giả (ảnh: Trọng Vũ)
V-League càng lúc càng vắng khán giả (ảnh: Trọng Vũ)

Ví dụ như trên sân Thống Nhất tối 17/9, trong trận Sài Gòn FC – Than Quảng Ninh, theo quan sát của chúng tôi làm gì có tới 2.000 người xem như báo cáo của giám sát. Con số thực có khi chỉ khoảng 1.000 là cùng, tính luôn các lực lượng làm nhiệm vụ trên sân.

Rồi trước đó 1 ngày, trên sân Bình Dương, trong trận B.Bình Dương – CLB Hà Nội, số khán giả thực tế có khi cũng chỉ bằng 1/2 so với con số 1.000 người được ghi trong báo cáo của giám sát.

V-League đáng báo động ở điểm đấy, ở điểm càng tổ chức thì người xem càng rời xa các sân bóng. Thông thường, giai đoạn cuối mùa là giai đoạn căng thẳng nhất đối với mọi giải vô địch quốc gia trên toàn thế giới.

Nhưng ở V-League, đây là thời điểm mà người xem ngán ngẩm nhất, chán đến sân nhất. Mà quả thật, nếu nhìn lại, V-League còn mấy chi tiết đáng để người ta xem?

Đương kim Á quân Hải Phòng coi như xong nhiệm vụ, họ hầu như khó tranh chấp ngôi vô địch như họ từng làm mùa rồi. Hải Phòng cũng khó lòng rớt hạng. Nên các trận cuối của đội bóng đất Cảng hầu hết sẽ không còn diễn ra theo kiểu một mất một còn.

Trong bối cảnh đó, người hâm mộ Hải Phòng cũng đến sân Lạch Tray thưa dần, ít hơn so với một số trận đầu mùa, cũng ít hơn hẳn so với tầm này mùa giải trước.

Đội bóng từng nổi đình nổi đám HA Gia Lai giờ cũng hết “hot”, do Công Phượng và các đồng đội giờ không còn lạ với người hâm mộ bóng đá Việt Nam, họ cũng đã bộc lộ hết những khiếm khuyết của mình, không cho thấy sự vượt trội so với phần còn lại của nền bóng đá mà có lúc họ từng được ca ngợi. Thành ra, cảnh sân Pleiku, sân nhà của chính HA Gia Lai năm nay không lắp đầy các khán đài đã trở thành cảnh quen thuộc.

Ở nhóm đầu, đội đầu bảng Thanh Hoá đang đuối dần, khi một mình Thanh Hoá gần như phải “tứ bề thọ địch” với một loạt đội bóng của bầu Hiển xếp tiếp theo.

2 trận liên tiếp ở 2 vòng đấu gần đây, Thanh Hoá đều thua. Nếu như đội bóng xứ Thanh không kịp gượng dậy, V-League 2017 sẽ quay lại với kịch bản quen thuộc của các mùa giải gần đây: Ngôi vô địch là chuyện riêng của các đội bóng chịu ảnh hưởng bởi bầu Hiển.

Ngoài Thanh Hoá và các đội bóng của bầu Hiển chiếm các vị trí cao nhất, rất nhiều đội bóng khác thuộc phần còn lại cũng gần như hết mục tiêu. Danh sách này kéo dài dằng dặc, gồm những đội khó rớt hạng, nhưng cũng khó tranh chấp các vị trí cao.

Thành ra, những trận còn lại của họ không còn mang tính sống còn, nên từ đó thiếu hấp dẫn, khó thu hút người xem. Cũng thành ra, V-League mới vừa qua nửa chặng đường coi như đã gần xong nhiệm vụ cho hàng loạt đội của nguyên mùa giải.

Kim Điền

Vòng 18 V-League: Báo động cho FLC Thanh Hoá hay báo động cho giải đấu? - 2