1. Dòng sự kiện:
  2. Hậu trường nhân vật thể thao
  3. Giải chạy Unique Nha Trang H-Marathon 2024

Vô địch... đinh ốc

Một cựu võ sĩ judo nổi tiếng kể rằng trong một lần xuất ngoại, khi đi qua cổng kiểm soát ở sân bay, hệ thống báo động cứ kêu hoài dù anh đã bỏ ra ngoài tất cả những gì dính tới kim loại, kể cả những đồng xu. Phải một lúc sau anh mới nhớ ra trong cơ thể mình vẫn còn những chiếc đinh ốc…

Do mang tính đối kháng cao trong thi đấu nên chấn thương nặng là điều không thể tránh khỏi với các võ sĩ. Như ở hai môn taekwondo và judo, võ sĩ bị chấn thương nhẹ thì cũng cần phải mổ bình thường hoặc nội soi, còn nặng phải mổ nhiều lần hoặc bị gắn những chiếc đinh ốc vào người suốt đời.

 

Đó cũng là những vết mổ, những con đinh ốc mà các võ sĩ mang theo bên cạnh những chiếc huy chương - những kỷ vật mà họ vĩnh viễn không quên sau khi giã từ sàn đấu...

 

Có lẽ cựu vô địch taekwondo toàn quốc các năm 1993, 1994, 1995 và 1997 Trần Minh Nghĩa là võ sĩ mang nhiều đinh ốc nhất trong người. “Hành trang” sau khi giã từ thảm đấu của anh là 14 con đinh ốc, tổng cộng cho hai chấn thương.

 

Lần đầu tiên, Minh Nghĩa bị gãy xương hàm sau khi “dính” một cú đá rất mạnh trong trận đấu tập với võ sĩ Hàn Quốc ở chuyến tập huấn cùng đội tuyển taekwondo VN chuẩn bị cho SEA Games 18. Kết quả là anh phải gắn đến 12 con ốc để cố định lại hàm trước khi về nước.

 

Sau đó Nghĩa lại bị đứt dây chằng gối trái để rồi phải gắn thêm hai con ốc nữa vào người khi về nước làm phẫu thuật. Vậy mà Nghĩa vẫn có thể tập luyện để chân bớt teo và trở lại thi đấu bình thường đoạt HCV toàn quốc năm 1997 trước khi nghỉ hẳn hai năm sau đó.

 

Nghĩa cùng hai em Trần Thị Mỹ Linh (võ sĩ nữ VN duy nhất đoạt HCĐ Giải VĐTG năm 1995, HCĐ châu Á 1996) và Trần Quang Vinh (HCĐ SEA Games 19 và châu Á 1998, HCV Đông Nam Á 1997) vẫn giữ mãi niềm đam mê thể thao cháy bỏng của mình.

 

Sau khi giã từ thảm đấu vào năm 1999, cả ba hiện đang học năm cuối Đại học TDTT T.W.2 và vẫn đứng lớp cho lò võ tại gia (mở từ năm 1998), thu hút khá nhiều võ sĩ đến học. Số học viên này gần như là lực lượng nòng cốt của đội tuyển quận Gò Vấp.

 

Tuy nhiên, đằng sau niềm vui trong những buổi dạy cho các lớp đàn em lại là nỗi đau âm ỉ từ vết thương khi trái gió trở trời. Mới đây, Nghĩa phải đi khám khắp nơi vì bỗng đau nhức ở thái dương dữ dội nhưng không nơi nào chẩn đoán được bệnh. Chỉ khi đến Bệnh viện Colombia, được bác sĩ nước ngoài khám và chụp X-quang, nguyên nhân cơn đau mới được xác định - có quá nhiều ốc vít trong hàm.

 

Nhưng không chỉ Nghĩa mới có ốc vít trong người. HLV trưởng đội tuyển taekwondo VN Nguyễn Đăng Khánh (HCV SEA Games 17, HCĐ châu Á 1994) cũng có hai con ốc xốp, hậu quả từ chấn thương đứt dây chằng chéo trước gối phải tại Giải VĐTG 1995.

 

Hay như HCB Olympic Sydney 2000 Trần Hiếu Ngân, dù không đến nỗi phải gắn ốc vít nhưng nữ võ sĩ nổi tiếng này cũng phải mổ nội soi sau chấn thương mẻ sụn chêm gối gặp phải trước đó.

 

Không như môn taekwondo, võ sĩ có thể sẽ mang đinh ốc suốt đời, các võ sĩ judo lại có bệnh khác: mổ gối, vai, tay. Cựu nam võ sĩ HCV SEA Games 17 Nguyễn Quốc Trung không chỉ bị gãy khuỷu tay và phải bắt hai đinh ốc (nhưng đã lấy ra), anh còn phẫu thuật vai sau khi chấn thương trong chuyến tập huấn tại Nhật Bản để chuẩn bị SEA Games 18.

 

Chấn thương này đã tái phát trong trận tranh HCĐ với võ sĩ Campuchia, và Quốc Trung dù phải vừa đấu vừa “sửa” vai liên tục nhưng đã xuất sắc giành thắng lợi để có tấm huy chương đầy kỷ niệm (và là cuối cùng trong sự nghiệp) khi giã từ thảm đấu ngay sau giải.

 

Người em Quốc Thắng (2 HCĐ SEA Games 18-19) cũng gặp chấn thương như anh, khi bị sút vai trong chuyến tập huấn tại Hàn Quốc để chuẩn bị SEA Games 19, và sau đó phải để lại thẹo sau ca phẫu thuật năm 1998 nhưng cũng kịp đoạt thêm chiếc HCĐ Đông Nam Á trước khi nghỉ đấu năm 1999.

 

Còn cô gái vàng judo VN Cao Ngọc Phương Trinh ba lần liên tiếp vô địch SEA Games 16-17-18 thì bị bể sụn chêm gối trái trong chuyến tập huấn tại Đài Loan chuẩn bị cho SEA Games 19, phải phẫu thuật để rồi giã từ thảm đấu khi đang ở phong độ tốt nhất của mình.

 

Cả ba võ sĩ này hiện nay đều làm khá tốt trong công tác huấn luyện cho đội tuyển TPHCM và đội tuyển quốc gia, nhưng có lẽ ít ai hiểu họ đã phải băng gối hay phải khá cẩn thận khi thị phạm động tác cho các học trò để không phải xảy ra điều đáng tiếc.

 

Người bị di chứng có thể nhìn thấy được chính là cựu vô địch SEA Games 19 môn vật cổ điển hạng cân 125 kg, đồng thời cũng là VĐV judo tên tuổi Lê Đức Công. Sau nhiều năm lăn lộn trên sàn đấu, Công giờ đây là nhân viên bảo vệ một khách sạn ở quận Tân Bình, TPHCM với di chứng vai thấp, vai cao (vai phải cao hơn vai trái 3 phân).

 

Theo Ngoisao/Tuổi trẻ