Vì sao VTV thua thầu bản quyền truyền hình World Cup 2006?
Tiến sĩ Trần Đăng Tuấn, Phó TGĐ VTV, trả lời nhân sự kiện VTV "bại trận" trước FPT trong việc giành bản quyền truyền hình World Cup 2006. Ông Tuấn vào thẳng vấn đề: "VTV có tham gia dự thầu nhưng không thắng thầu. Nhiều công ty trong nước khác cũng tham gia dự thầu nhưng FPT trúng thầu do họ bỏ giá cao hơn.”
Diễn tiến của vụ mua bán này là công ty nắm giữ bản quyền truyền hình của FIFA (Infront tại Thụy Sĩ - NV) gửi thư chào mời đến các nơi có khả năng và đề nghị đưa ra mức giá có thể mua. VTV đã trả giá nhưng không thấy họ hồi âm. Mãi đến khi FPT thông báo họ đã có bản quyền thì VTV mới biết họ thắng thầu".
Về phi vụ này, trong khi các đơn vị khác đều ngồi nhà gửi hồ sơ và chờ kết quả từ Infront thì với FPT, đích thân tổng giám đốc Trương Gia Bình đã bay sang Thụy Sĩ để thương thảo nên giành được chiến thắng bất ngờ.
Việc mua bán bản quyền của Infront với các nơi đã diễn ra từ năm 2003. Như vậy có thể xem là VTV đã chậm chân hơn một đối thủ "tay ngang" mới bước vào lĩnh vực bản quyền truyền hình mà VTV vốn nhiều kinh nghiệm?
VTV không chậm chân, chúng tôi đã liên lạc và đặt giá. Nhưng do mức giá của chúng tôi thấp hơn nên chúng tôi không mua được bản quyền.
Đại diện Công ty Infront cho biết ở một số nước họ đã bán bản quyền cho hai, ba đài truyền hình. VTV có biết việc này không?
VTV không đứng ngoài cuộc. Công ty đó phân phối ở các quốc gia nào thì chúng tôi không biết. Nhưng với VTV, chúng tôi đã đặt giá song họ không bán và bán cho nơi khác.
Giá cả và phương thức mà VTV đã trả cho FPT là thế nào? Có thông tin cho rằng VTV đã trả đến mức giá 1,6 triệu USD trước Infront nhưng vẫn không mua được. Điều này có đúng không, thưa ông?
Mức giá mà VTV đã đặt giá cho Infront thấp hơn con số mà FPT đã trúng thầu. Và trong bản hợp đồng với FPT, VTV cũng không trả bằng tiền mặt mà trả bằng thời lượng quảng cáo trên sóng trong và sau thời gian World Cup 2006.
Đây cũng là một bài toán khó cho FPT trong việc bán quảng cáo. Theo cá nhân tôi, đây là một thương vụ có tính rủi ro cao và mạo hiểm.
Ông nói gì trước một luồng thông tin rằng VTV thua trong vụ này vì đã có những rò rỉ thông tin nội bộ trong quá trình đàm phán?
Lần đầu tiên tôi nghe thấy việc này và tôi khẳng định là không có chuyện đó. Đây là một vụ chào thầu rộng rãi, nhiều đơn vị tham gia chứ không riêng gì VTV và nơi trả giá cao hơn thì thắng thôi.
Là đài truyền hình quốc gia và phục vụ khán giả miễn phí trên hệ thống các kênh quảng bá, do đó khi không đặt mục tiêu kinh doanh lên hàng đầu như các công ty khác, VTV hoàn toàn có quyền từ chối FPT nếu giá chào bán của họ quá cao. Nhưng vì sao VTV vẫn mua và liệu rằng VTV có bị FPT ép giá hay không?
FPT không thể ép giá được VTV. Khi tiến hành mua bản quyền, chắc chắn FPT phải tính toán rất kỹ lưỡng. Việc FPT mua như thế nào, mua đắt hay mua rẻ... tôi không thể bình luận vì đó là việc của họ.
Mức giá mà FPT đưa ra chào bán bao gồm chi phí cho đối tác, trong đó có cả thuế và nhiều thứ khác nữa... Họ cũng trình bày với chúng tôi là đã phải trả 70% tiền mặt ngay từ khi ký hợp đồng.
Theo suy nghĩ chủ quan của riêng tôi, nếu mang tất cả những chi phí và tiền đầu tư của họ cho thương vụ này đem gửi ngân hàng một năm như thời gian họ đầu tư (kể từ khi ký được hợp đồng là tháng 7/2005) sẽ lãi nhiều hơn khi đầu tư vào thương vụ bản quyền này.
Nói như vậy, có thể hiểu là VTV đã "thông cảm" với FPT?
Nếu ở những thương vụ bình thường, VTV hoàn toàn có thể mua hoặc không mua. Nhưng VTV chịu một sức ép rất lớn từ khán giả vì sự quan tâm của người dân VN đến World Cup là rất lớn.
Tuy nhiên, VTV cũng từng nói với FPT rằng nếu FPT đòi mức giá cao quá khả năng của VTV để đến việc không phát sóng được World Cup 2006 phục vụ khán giả, VTV sẽ công bố rộng rãi nguyên nhân vì sao VTV không mua được bản quyền để dư luận hiểu.
Sau khi FPT trình bày toàn bộ những vấn đề của mình, VTV chỉ cho phép FPT được hưởng quyền lợi là thời lượng quảng cáo trên sóng. Quan điểm của VTV là không làm thiệt hại ngân sách. Dù VTV không bỏ tiền ra để mua nhưng cũng phải nghiên cứu việc trả giá cho đối tác như vậy là có phù hợp hay không.
Xin hỏi thật ông, VTV có bị mua đắt không?
Tính theo chi phí tổng thể thì VTV không mua đắt bởi FPT đã phải trả rất nhiều khoản cho bản hợp đồng này từ giá trị hợp đồng, thuế nhập khẩu bản quyền, thuê vệ tinh, thành lập bộ máy đi tìm kiếm hợp đồng.
Tính tất cả những thứ ấy đem so với giá bán cho VTV thì tôi khẳng định rằng VTV đã mua bản quyền với giá không cao.
Nhiều ý kiến ở các diễn đàn trên mạng đã đặt câu hỏi: "Nếu ở World Cup 2010, một công ty quảng cáo mua bản quyền truyền hình với giá 10 triệu USD và đem bán lại cho VTV thì VTV có mua không?".
Việc đó hoàn toàn có thể xảy ra và khi ấy VTV sẽ phải tìm hiểu đầy đủ đối tác đó là ai, mua lại từ nước ngoài với giá bao nhiêu, có đúng là mua 10 triệu bán 10 triệu hay không...
Nếu họ kinh doanh siêu lợi nhuận thì VTV sẵn sàng thông báo việc này đến khán giả, nhờ khán giả góp ý, tham vấn cho VTV trong việc có nên mua hay không hoặc sẽ xem World Cup bằng cách nào. Năm 2010 mà xảy ra chuyện ấy, chắc chắn VTV sẽ làm như vậy.
Infront Sports & Media là ai? Công ty Infront Sports & Media (ISM) có trụ sở tại Zug (Thụy Sĩ) được xem là nhà phân phối bản quyền truyền hình bóng đá nổi tiếng nhất châu Âu và thế giới.
Thông qua hợp đồng được ký kết với FIFA, ISM đã giành được quyền bán bản quyền truyền hình World Cup 2006 và các hoạt động bóng đá khác do FIFA tổ chức trong giai đoạn 2007 - 2010, trong đó có cả Cúp Liên đoàn các châu lục 2009 và World Cup 2010 diễn ra tại Nam Phi.
Ngoài ra, ISM còn là công ty tiếp thị cho tất cả các trận đấu truyền hình trực tiếp nằm trong hệ thống thi đấu của LĐBĐ Đức (DFB), và các trận đấu của đội tuyển Đức.
Tính đến thời điểm này ISM đã giành được quyền quảng cáo, tài trợ và bản quyền truyền hình của chín LĐBĐ các quốc gia châu Âu và hơn 20 đội bóng.
Trên website chính của công ty (infrontsports.com), ISM luôn có những bản thông cáo báo chí sau khi họ bán được bản quyền truyền hình phát sóng các trận đấu bóng đá hoặc các hoạt động thể thao khác cho các đài truyền hình và tập đoàn truyền thông các nước.
Chẳng hạn vào ngày 6/1/2005, ISM đã có thông cáo báo chí cho biết họ vừa ký kết được hợp đồng độc quyền với Tập đoàn M-League Marketing Sdn Bhd (MLM) của Malaysia cho phép MLM phát sóng trực tiếp 64 trận đấu của World Cup 2006 tại Malaysia.
Ngoài Malaysia, ở khu vực Đông Nam Á ISM còn bán bản quyền truyền hình cho Indonesia (ký với tập đoàn truyền thông PT Surya Citra Televisi), Thái Lan (ký với Tập đoàn truyền thông Dhospaak). Thế nhưng, họ lại không có dòng chữ nào nhắc đến việc ký kết bản quyền truyền hình World Cup 2006 với đơn vị FPT của VN!? |
Theo Trường Vũ
Tuổi trẻ