1. Dòng sự kiện:
  2. AFF Cup 2024

Vì sao không có Minh Hiếu trong trận đấu tôn vinh?

Tất cả các danh thủ thuộc "thế hệ vàng" của bóng đá Việt Nam đều được tưởng thưởng bằng trận đấu tôn vinh, trừ Vũ Minh Hiếu. Liệu có bất công?

Vũ Minh Hiếu cũng là một "tượng đài" của bóng đá Thủ đô, đại diện ưu tú nhất cho trường phái bóng đá mang tên CAHN bên cạnh những Mạnh Cường, Hồng Sơn, Đức Thắng, Quang Hà, Việt Hoàng... của Thể Công. Anh đã có 5 năm cống hiến cho ĐTQG, tham dự các giải đấu lớn của "thế hệ vàng" như Tiger Cup 98, 2000, SEA Games 99...

Tài năng của anh là điều mà tất cả những chuyên gia bóng đá Việt Nam đều thừa nhận. Vậy mà anh lại không có cơ hội tham dự "trận đấu của cả một đời cầu thủ" tổ chức ngày 3/9 này.

 

Vũ Minh Hiếu cố che giấu cảm xúc của mình, nhưng giọng anh vẫn đượm buồn: "Tôi tài ít, tật nhiều, tính cách lại chẳng được mấy ai ưa, người ta không gọi cũng là phải. Mà theo tôi thì chắc là người ta chọn đủ các gương mặt xứng đáng rồi.

 

Tất nhiên, tôi cả đời theo đuổi nghiệp bóng đá, mỗi khi được gọi vào ĐTQG tôi đều cố gắng đem hết tất cả những gì mình có ra để phục vụ màu cờ sắc áo. Thế nên không có mặt trong trận đấu sắp tới, tôi cũng buồn chứ, nhưng nói thật, tôi quen phải chịu những nỗi niềm như thế này rồi. Nghề đá bóng, mình yêu nó, nhưng nó cũng bạc lắm"!

 

Đem thắc mắc về trường hợp của Minh Hiếu ra hỏi Phó Chủ tịch phụ trách chuyên môn của LĐBĐVN Lê Thế Thọ thì nhận được câu trả lời: "Những tiêu chí để chọn người tham dự trận đấu này là do BTC - Báo Tuổi trẻ đưa ra. Họ chỉ thông qua Liên đoàn thôi. Bên phía Thái Lan yêu cầu chỉ lấy 17 người, nên ta cũng chọn đủ 17 người là dừng lại. Mà Minh Hiếu đâu có tham gia đội tuyển từ năm 1995?"

 

Thực ra, BTC không lập danh sách dựa vào "thâm niên" của các cầu thủ (bởi Việt Hoàng, Quang Hà... không xuất hiện ngay từ SEA Games 18 ở Chiang Mai), mà thành phần của ĐTVN lần này cũng có đến... 18 người. Họ được mời với tư cách là những cầu thủ có đóng góp nhiều nhất cho ĐTQG. Bởi vậy, còn có nhiều cựu danh thủ khác như Thiện Quang, Chí Bảo, Hồng Hải... không lọt vào danh sách. Minh Hiếu nằm trong số này.

 

Đó là một cách lý giải. Tuy nhiên, cũng không loại trừ những ấn tượng không hay của LĐBĐVN về Minh Hiếu nói riêng và các cầu thủ CAHN nói chung. Mối quan hệ giữa Hiếu và LĐBĐVN vốn dĩ không ngọt lành gì, đặc biệt là sau thất bại trước Indonesia tại Tiger Cup 2000. Đội trưởng của CAHN thậm chí còn bị quy chụp đến mức anh phải vỗ ngực tuyên bố: "Tôi là thằng duy nhất không bán độ".

 

Đến năm 2002, Hiếu lại xung đột gay gắt với HLV Calisto và kết quả là anh phải khăn gói quả mướp xin rời đội tuyển. Anh cũng từng bị "thanh lý" để tránh gây mất đoàn kết nội bộ, do dám "tung hê" những chuyện bè phái, "dây rợ" ở ĐTQG... Vì những cú "phốt" như thế mà bao công sức, tâm huyết của anh không được đánh giá đúng mức. Hình ảnh của anh cũng nhạt nhoà đi so với nhiều cầu thủ khác, mặc dù về chuyên môn, anh luôn thuộc Top hàng đầu.

Quả là đáng tiếc cho một tài năng không gặp thời. Cuộc gặp gỡ đối thủ nhiều duyên nợ Thái Lan tới đây không đơn thuần chỉ là trận đấu gợi lại thời oanh liệt, mà nó còn mang ý nghĩa tri ân, với tấm huy chương vì sự nghiệp thể thao. Có lẽ hơn ai hết, Minh Hiếu đồng cảm với Chu Văn Mùi, cũng là một "quái nhân" của bóng đá Việt Nam bị lãng quên: "Tôi cũng như Mùi "cống", nếu biết cách cư xử khéo léo với Liên đoàn thì chắc không đến nỗi".

 

Theo Anh Đức

Vietnamnet