Vì sao hàng ngoại đóng băng?
Khác với không khí tuyển mộ ngoại binh rầm rộ vài mùa trước, năm nay sân cỏ Việt Nam trầm lắng đến ngạc nhiên.
Không còn cảnh các đội bóng tranh nhau thử việc “hàng ngoại”, cũng chẳng có những cuộc “di cư” hàng loạt của lực lượng lê dương (chủ yếu là châu Phi).
Nhiều người cho rằng, các phiên giao dịch đang phải đối mặt với nguy cơ “chợ chiều” và bóng đá Việt Nam chỉ có thể trông chờ vào những ông Tây cũ rích. Tuy nhiên, đó chỉ là một trong những nguyên nhân dẫn đến việc thị trường chuyển nhượng bị đóng băng.
Khan hàng - một cái nhìn khách quan
Nguyên nhân dẫn đến việc đóng băng thị trường ngoại binh bắt nguồn từ sự sa sút của phong trào chung. Thứ nhất, người ta đang hướng sự quan tâm về những biến động tiêu cực.
Cho đến giờ phút này, giải VĐQG nói riêng và các giải nằm trong hệ thống thi đấu chính thức của LĐBĐ VN vẫn chưa xác định được ngày giờ cụ thể. Bởi thế, thật khó để các CLB lên được một thời gian biểu chính xác cho riêng mình.
Thuê cầu thủ ngoại? OK, vấn đề không quá phức tạp vì phần lớn CLB đều có những “mối”, “nguồn” nhất định. Nhưng, số tiền để trả cho những tháng ngày chờ đợi vô vọng của các “lê dương” là điều cần phải cân nhắc. Người ta không thể lãng phí, “ném tiền qua cửa sổ” một cách thiếu tính toán mà không thu lại được bất cứ lợi ích nào về chuyên môn.
Bên cạnh sự hoang mang và thiếu chủ động về thời gian của các CLB, sự vắng mặt của những chiếc Cúp giao hữu - tập huấn được coi là nguyên nhân thứ hai. Ngót 2 tháng từ ngày V-League 2005 kết thúc (11/8/2005), trên khắp giải đất hình chữ S chưa xuất hiện bất cứ giải đấu nào mang tính rèn luyện - quảng bá ngoại trừ LG Cup 2005… dành cho ĐT U23 VN và một vài giải trẻ.
Theo những thông tin chưa đầy đủ, từ nay đến cuối năm, chỉ có 2 địa phương đăng ký tổ chức giải giao hữu quốc tế (cấp CLB) là Cúp Truyền hình Bình Dương (Bình Dương) và Cúp Hoàng Đế Quang Trung (Bình Định). Nếu so sánh với gần chục giải giao hữu - tập huấn vài năm trước thì con số này thực sự là ít ỏi.
Thêm nữa, các CLB cũng tỏ ra “bão hoà” với những chuyến tập huấn nước ngoài, và đến nay, chưa có đội nào rục rịch chuẩn bị, dù theo dự báo, giải VĐQG và hạng Nhất sẽ diễn ra sau SEA Games 23 (tức là còn chưa đầy 2 tháng nữa).
Chính vì không có nhiều giải giao hữu, không có các chuyến đi tập huấn, nên các CLB cũng mất đi những nguồn hàng cần thiết.
Ngoại binh mùa giải 2006 sẽ theo hướng nào?
Đã rút tỉa được khá nhiều kinh nghiệm sau 5 mùa giải chuyên nghiệp thử nghiệm nên các CLB không hề tỏ ra vội vàng trong việc chiêu hiền đãi sĩ. Thuyết phục những “cựu thần” thi đấu tốt mùa trước ở lại và tìm cách lôi kéo các cầu thủ giỏi của các CLB khác được coi là giải pháp tối ưu trong thời điểm này.
Tuy không rầm rộ, nhưng thị trường chuyển nhượng cũng bắt đầu cất tiếng nói của riêng mình. Nổi bật nhất là HA.GL, Bình Dương và Tiền Giang. Đội bóng phố Núi nhanh tay chèo kéo Vua phá lưới V-League 2005 Kesley Alves (Brazil) của Bình Dương. Còn đội bóng miền Đông Nam Bộ cũng “quá lẹ” trong việc hoàn thành hợp đồng với Vua phá lưới V-League 2004, Amaobi (Nigeria, thử việc 2 ngày).
Tân binh V.League, Tiền Giang đang nỗ lực mượn tạm chân sút Vimon của HA.GL, đồng thời “tăm tia” những tín hiệu từ nơi khác.
Ngoài phương án hoán chuyển, một vài CLB cũng sẵn sàng trao cơ hội cho những gương mặt lặn lội từ “phương trời xa” tìm đến thử việc. Sau nỗ lực trụ hạng, HP.HN quyết định thử việc những cầu thủ gốc Phi. Tuần trước, 2 cầu thủ Ghana là David Annas (21 tuổi) và Osumanu (24 tuổi) đã theo tập cùng đội và được HLV Vương Tiến Dũng đánh giá là “rất có ấn tượng”. Thậm chí, tiền đạo Annas còn ghi được 2 bàn thắng trong trận giao hữu HP.HN thắng Mitsustar Hải Phòng 4-1 hôm thứ 6 (7/9) vừa qua.
Chuyển đổi CLB và tăng cường một vài gương mặt “tự giới thiệu” hoặc thông qua các giải giao hữu quốc tế như Cúp Truyền hình Bình Dương và Cúp Hoàng Đế Quang Trung sẽ là xu hướng tăng cường lực lượng của các CLB trong năm 2006.
Còn việc vi hành khảo sát, tuyển chọn ngoại binh khi phải đi “nửa vòng trái đất” hoặc lang thang tìm “hàng” ở những quốc gia lân cận, có lẽ không còn được coi là giải pháp hiệu quả nữa.
Theo Vân Trường
Bóng đá