Vì sao giá bản quyền World Cup ở Việt Nam tăng chóng mặt?
(Dân trí) - Sau mỗi kỳ World Cup, giá bản quyền truyền hình giải bóng đá hấp dẫn nhất hành tinh lại xác lập kỷ lục mới. Vì sao so với các nước trong khu vực, Việt Nam luôn phải chịu mức giá cao ngất ngưởng?
Đối tác nước ngoài sở hữu bản quyền truyền hình World Cup 2022 trên lãnh thổ Việt Nam vừa làm việc với một số nhà đài và đưa ra mức giá "chào hàng" khiến các đơn vị truyền hình phải "sốc".
Theo đó, đối tác này đòi mức giá là 15 triệu USD (khoảng 350 tỷ đồng) với gói bản quyền truyền hình và radio, bao gồm độc quyền truyền hình (mặt đất, cáp, vệ tinh, IVTV) và không độc quyền phát thanh trên lãnh thổ Việt Nam; quyền truyền phát trên di động và internet (bao gồm OTT).
Theo tìm hiểu, công ty Infront Sports & Media có trụ sở tại Thụy Sĩ đang sở hữu bản quyền truyền hình World Cup 2022 ở Indonesia và 25 quốc gia khác tại khu vực châu Á.
Hiện tại, ở khu vực Đông Nam Á, ngoài Indonesia thì Brunei, Campuchia, Malaysia và Philippines cũng đã có bản quyền truyền hình World Cup 2022.
Việc giá bản quyền truyền hình World Cup 2022 tăng so với 4 năm trước là điều nằm trong dự đoán của nhiều người, tuy nhiên, việc phải bỏ ra một số tiền lên tới 350 tỷ đồng, thậm chí là hơn, tạo ra áp lực rất lớn với các đơn vị truyền hình Việt Nam sau hai năm chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19.
Đến thời điểm hiện tại, các nhà đài Việt Nam đều khẳng định không thể mua gói bản quyền truyền hình World Cup 2022 với giá trên, mà phải có một phương án hợp lý hơn.
Ở khu vực Đông Nam Á, các quốc gia đã sở hữu bản quyền World Cup 2022 có Brunei, Campuchia, Indonesia, Malaysia và Philippines. Do vấn đề tài chính rất nhạy cảm nên chưa có một con số cụ thể nào về mức tiền mà các quốc gia này bỏ ra để có bản quyền truyền hình World Cup 2022.
Nhìn rộng ra, trên thế giới cũng rất ít đơn vị truyền hình nào công bố số tiền mua bản quyền World Cup, nhưng có một thực tế là cứ ở nơi đâu có sự hâm mộ bóng đá, thì chắc chắn giá sẽ cao hơn.
Một chuyên gia trong lĩnh vực bản quyền truyền hình tại Việt Nam cho biết: "Đối tác luôn có sự nghiên cứu rất kỹ từng thị trường để đưa ra mức giá phù hợp. Ở khu vực Đông Nam Á, Việt Nam thường phải mua với giá cao hơn so với một số nước, bởi người dân chúng ta cuồng nhiệt với bóng đá.
Bên cạnh đó, một vài kỳ World Cup trước, đã xảy ra tình trạng cạnh tranh để có độc quyền, khiến giá bản quyền World Cup bị đẩy lên cao một cách phi lý. Tôi hy vọng chuyện này sẽ không xảy ra ở kỳ World Cup tới".
Cũng theo chuyên gia này, so với mặt bằng chung của khu vực, giá bản quyền truyền hình World Cup 2022 ở mức khoảng 10 triệu USD là hợp lý. Tuy nhiên, con số này lại tùy thuộc vào khả năng đàm phán của các nhà đài Việt Nam. Nếu các đơn vị không có sự chung tay nói không với việc mua bản quyền bằng mọi giá, chúng ta sẽ ép ngược lại với đối tác.
Thậm chí, theo chuyên gia trên, các nhà đài Việt Nam, các đơn vị truyền hình Việt Nam có thể chấp nhận "trắng" một kỳ World Cup, để từ đó đưa mức giá trở về với giá trị thực chứ không cao ngất ngưởng như hiện nay.
Được biết, một số đài truyền hình lớn của Việt Nam chưa chốt việc mua bản quyền World Cup 2022, nhưng cũng nỗ lực để có thể phát sóng trực tiếp các trận đấu. Thực tế, World Cup vẫn luôn là món ăn mang lại nhiều giá trị cho các nhà đài, nếu như có cách khai thác tốt và mua được mức giá phù hợp. Thậm chí, việc có bản quyền World Cup hay không còn liên quan tới cả chuyện thương hiệu, sự uy tín nên một số đài Việt Nam có thể chấp nhận lỗ.
Theo tìm hiểu, trước mắt các đơn vị truyền hình của Việt Nam đã thiết lập một "liên minh" để có những phương án phù hợp nhất đàm phán với đối tác. Liên minh này gồm 5 bên, trong đó có những doanh nghiệp lớn để có thể chi trả được số tiền lên tới hàng trăm tỷ đồng.
Còn nhớ ở World Cup 2018, chỉ có duy nhất Đài truyền hình Việt Nam (VTV) thực hiện các cuộc đàm phán với nhà phân phối của FIFA. Cuộc thương thảo đã từng bị đóng băng nhưng sau khi có doanh nghiệp hỗ trợ, VTV đã mua được với giá được cho là khoảng 12 triệu USD chỉ trước ngày World Cup khai mạc một tuần.