Vì sao cầu thủ Thái Lan thành công tại Nhật Bản?

(Dân trí) - Sau khi tiền đạo Teerasil Dangda và thủ môn Kawin gia nhập giải bóng đá nhà nghề Nhật Bản J-League, hiện có đến 4 cầu thủ Thái Lan khoác áo các đội bóng của Nhật, và đều có suất chính thức.

Cụ thể, 4 cầu thủ Thái Lan đang khoác áo các CLB thuộc giải J-League 1 của Nhật, gồm thủ môn Kawin và tiền vệ Chanathip Songkrasin (Hokkaido Consadole Sapporo), hậu vệ Theerathon Bunmathan (Yokohama F.Marinos), cùng tiền đạo Teerasil Dangda (Shimizu S-Pulse).

Riêng Theerathon Bunmathan vừa giành ngôi vô địch giải bóng đá nhà nghề Nhật Bản trong mùa giải năm ngoái, cùng CLB Yokohama F.Marinos. Anh trở thành cầu thủ Thái Lan đầu tiên giành được danh hiệu tại J-League 1.

Điều đáng chú ý ở chỗ các ngôi sao của bóng đá Thái Lan sau khi đến Nhật Bản đều cạnh tranh được vị trí tại J-League, chứ không phải chịu cảnh thường xuyên ngồi dự bị. Ngoài Theerathon Bunmathan, ở các mùa giải gần đây, “Messi Thái” Chanathip Songkrasin cũng thi đấu thành công trong màu áo CLB Sapporo, trước khi tăng giá vù vù trên thị trường chuyển nhượng.

Vì sao cầu thủ Thái Lan thành công tại Nhật Bản? - 1
Chanathip Songkrasin hiện là ngôi sao của giải nhà nghề Nhật Bản J-League 1

Trước đó, tiền đạo Teerasil Dangda cũng thi đấu cho CLB Sanfrencce Hiroshima vào năm 2018, theo dạng cho mượn (từ Muangthong United). Anh chơi không tệ, ghi được 6 bàn thắng sau 32 lần ra sân, nên mới được CLB khác của Nhật Bản là Shimizu S-Pulse chú ý, rồi chiêu mộ trong mùa bóng này.

Có thể thấy, cầu thủ Thái Lan ngoài chuyện phù hợp về mặt chuyên môn ở giải nhà nghề Nhật Bản (kỹ thuật tốt, nhanh nhẹn, giỏi xoay trở trong phạm vi hẹp…), còn có nền tảng tốt cho việc ra nước ngoài thi đấu.

Cách nay ít lâu, báo châu Á từng so sánh khả năng ngoại ngữ của Đoàn Văn Hậu và Chanathip Songkrasin, đánh giá ngoại ngữ hạn chế là một trong những nguyên nhân khiến Đoàn Văn Hậu khó hoà nhập với đội bóng ngoại SC Heerenveen (Hà Lan), khi ra nước ngoài thi đấu, so với Chanathip.

Vì sao cầu thủ Thái Lan thành công tại Nhật Bản? - 2
Theerathon Bunmathan giành ngôi vô địch J-League 1 mùa trước, trong màu áo CLB Yokohama F.Marinos

Một điểm khác giúp cho các cầu thủ Thái Lan thích nghi nhanh hơn với các giải đấu ngoại, so với cầu thủ Việt Nam, kể cả so với cầu thủ HA Gia Lai vốn có ngoại ngữ khá, đó là họ được chuẩn bị kỹ năng sống độc lập ngay từ ở giải đấu trong nước, trước khi dễ thích nghi hơn khi ra nước ngoài.

Hiện tại, trong khi các đội bóng của Thái Lan không quản cầu thủ theo kiểu ăn chung, ở tập trung sau giờ tập, thì các đội bóng tại V-League vẫn duy trì cách sinh hoạt này, khiến cho cầu thủ Việt Nam mất thêm nhiều thời gian để làm quen, khi ra nước ngoài khoác áo các đội bóng ngoại, và phải “tự sống” một mình sau các buổi tập.

Đấy có thể là lý do mà hiện nay, gần như chỉ có mỗi mình thủ môn Việt kiều Đặng Văn Lâm thành công ở CLB nước ngoài, bởi Đặng Văn Lâm trưởng thành từ môi trường bóng đá bên ngoài Việt Nam, anh vốn quen với việc sinh hoạt độc lập từ khi tập bóng đá ở các đội trẻ tại Nga.

Chuyện các cầu thủ Thái Lan thi đấu thành công tại giải J-League của Nhật về lâu về dài, có thể giúp ích cho trình độ chung của bóng đá đất Chùa Vàng, trong việc nâng cao trình độ, nhanh chóng hơn trong việc xích lại gần các nền bóng đá hàng đầu châu Á!

Kim Điền