1. Dòng sự kiện:
  2. Giải chạy Unique Nha Trang H-Marathon 2024
  3. Vòng chung kết giải U23 châu Á 2024

Vì sao cầu thủ Thái Lan cao giá hơn hẳn cầu thủ Việt Nam?

Trọng Vũ

(Dân trí) - Đội trưởng tuyển Thái Lan Chanathip Songkrasin khoác áo CLB BG Pathum với giá hơn 47 tỷ đồng (khoảng 2 triệu USD) là con số khổng lồ ở làng cầu Đông Nam Á, cao hơn nhiều so với giá cầu thủ Việt Nam.

Thậm chí, mức giá 70 triệu baht, tức hơn 47 tỷ đồng, hoặc khoảng 2 triệu USD, chỉ bằng một nửa mức giá cao nhất mà Chanathip Songkrasin từng có trước dịch Covid-19.

Vài mùa giải trước, khi còn khoác áo CLB Consadole Sapporo của Nhật Bản, "Messi Thái Lan" từng được định giá lên đến 132 triệu baht, khoảng 89 tỷ đồng, hoặc 3,8 triệu USD. Đây là con số rất cao đối với một cầu thủ ở Đông Nam Á, cao hơn nhiều so với giá trị chuyển nhượng của các cầu thủ Việt Nam.

Vì sao cầu thủ Thái Lan cao giá hơn hẳn cầu thủ Việt Nam? - 1

Chanathip Songkrasin càng thành công ở nước ngoài, anh càng trở nên cao giá (Ảnh: Daily News).

Hai cầu thủ Việt Nam từng được định giá cao nhất trên trang thông tin chuyển nhượng transfermarkt là tiền đạo Nguyễn Công Phượng và thủ môn Đặng Văn Lâm chỉ vào tầm 300.000 euro, tức chưa tới 8 tỷ đồng, chưa bằng 1/10 giá trị chuyển nhượng cao nhất mà Chanathip Songkrasin từng có, được nêu ở trên.

Đó là con số ước lượng trên transfermarkt. Còn khi các cầu thủ Việt Nam thi đấu ở giải V-League, với bất kỳ cầu thủ nào, việc họ được trả tầm 10 tỷ đồng cho hợp đồng 3 năm giờ đã được xem là cao.

Thế mà, ngay cả khi Chanathip Songkrasin sa sút ở đội bóng mới của cầu thủ này tại Nhật Bản là Kawasaki Frontale, buộc phải về nước khoác áo CLB BG Pathum United, anh vẫn có giá đến hơn 47 tỷ đồng, cao gấp nhiều lần so với giá trị chuyển nhượng của cầu thủ Việt Nam.

Dĩ nhiên, về năng lực chuyên môn thuần túy, giữa Chanathip Songkrasin nói riêng, các ngôi sao hàng đầu của bóng đá Thái Lan nói chung không cao hơn gấp 5 - 7, thậm chí chục lần so với các ngôi sao của bóng đá Việt Nam. Nhưng về giá chuyển nhượng, họ vẫn cao hơn hẳn, vì có lý do.

Tờ Daily News của Thái Lan lý giải nguyên nhân cầu thủ của xứ sở Chùa Vàng, cụ thể là Chanathip Songkrasin cao giá: "6 năm chinh chiến tại J-League, Chanathip Songkrasin có rất nhiều chiến tích, thi đấu tổng cộng 144 trận, ghi 14 bàn và thực hiện 22 pha kiến tạo thành bàn".

"Cũng trong khoảng thời gian 6 năm nay, Chanathip được thi đấu cùng các ngôi sao đẳng cấp thế giới, bao gồm cả Messi lẫn Iniesta. Chanathip Songkrasin từng góp mặt trong đội hình tiêu biểu của giải J-League năm 2018, trở thành cầu thủ Đông Nam Á đầu tiên nhận vinh dự này" - tờ Daily News phân tích thêm.

Vì sao cầu thủ Thái Lan cao giá hơn hẳn cầu thủ Việt Nam? - 2

Ở Nhật Bản, Chanathip Songkrasin từng có lúc được đối đầu với Messi, khi Barcelona của Messi du đấu ở xứ sở mặt trời mọc (Ảnh: Daily News).

Có nghĩa là việc thi đấu thành công ở nước ngoài, cụ thể là ở giải đấu rất lớn như giải J-League của Nhật Bản giúp cho hình ảnh của Chanathip Songkrasin nói riêng và các cầu thủ Thái Lan nói chung gia tăng đáng kể, từ đó giúp giá trị chuyển nhượng của họ tăng chóng mặt.

Sau "Messi Thái Lan", một vài ngôi sao khác của bóng đá xứ sở Chùa Vàng cũng đến Nhật Bản đá bóng ở giải J-League, đáng chú ý có Teerasil Dangda, Theerathon Bunmathan, Supachok Sarachat.

Trong số này, Theerathon Bunmathan thậm chí còn vô địch Nhật Bản cùng CLB Yokohama F. Marinos năm 2019.

Tức là, so với cầu thủ Việt Nam, cầu thủ Thái Lan đã có sự bảo chứng về chất lượng trên thị trường quốc tế, họ có thể thành công khi thi đấu bên ngoài biên giới Thái Lan, trong khi cầu thủ Việt Nam chưa có sự bảo chứng tương tự, nên giá chuyển nhượng của cầu thủ Việt Nam vì thế thấp hơn hẳn cầu thủ Thái Lan thi đấu cùng vị trí.

Với riêng Chanathip Songkrasin, không chỉ có giá chuyển nhượng rất cao, cầu thủ này còn được trả lương cao. Mức lương của "Messi Thái" sau khi về khoác CLB PG Pathum United vào khoảng 1,8 triệu baht, tức hơn 1,2 tỷ đồng/tháng, cao hơn chục lần so với lương của cầu thủ Việt Nam thi đấu ở trong nước.