Vi phạm pháp luật trong thi đấu TDTT bị khởi tố hình sự?

Dự luật TDTT đã được xây dựng và trình lên UB Thường vụ Quốc hội. Tuy nhiên, dự luật vẫn còn chưa nêu rõ chế tài xử lý vi phạm trong thi đấu. Bà Trần Thị Tâm Đan, chủ nhiệm Uỷ ban Văn hóa Thanh Thiếu niên Nhi đồng của Quốc hội, có cuộc trao đổi xung quanh vấn đề này.

Trong dự luật TDTT vẫn chưa đề cập đến chế tài xử lý vi phạm trong thi đấu thể dục, thể thao, bà nghĩ sao về điều này?

 

Đúng là dự luật thể dục thể thao trình ra chưa làm rõ hành vi nào là vi phạm và chế tài xử lý. Vì vậy, khi thẩm tra dự án luật, Uỷ ban có đề nghị bổ sung một số chương, điều về xử lý các hành vi vi phạm trong thi đấu thể dục thể thao, nhất là trong thể dục thể thao thành tích cao, thể thao nhà nghề.

 

Theo bà, những hành vi cụ thể cần quy định trong luật là gì?

 

Cần quy định những hành vi gian lận, cá độ bất hợp pháp và các hành vi tiêu cực đang xảy ra nhiều trong thể thao như sử dụng chất kích thích.

 

Ứng với mỗi hành vi có mức xử lý, điều này sẽ được bổ sung vào dự luật?

 

Tôi nghĩ, mỗi hành vi cần có mức chế tài xử lý thích đáng. Song, có lẽ trong luật cũng chỉ quy định tóm tắt, khó có thể diễn giải hết được. Tùy từng mức độ vi phạm có thể xử lý hành chính, bồi thường với hành vi vi phạm nghiêm trọng thì xử lý hình sự, cấm thi đấu vĩnh viễn.

 

Với người theo nghiệp thể thao, đây là bản án cao nhất mà người ta vẫn gọi là tử hình nghề nghiệp. Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đang giao cho UB TDTT thống kê tất cả các hành vi vi phạm trong thi đấu để đưa vào luật.

 

Vậy còn cơ chế giám sát để phát hiện trọng tài, VĐV gian lận tiêu cực trong thi đấu?

 

Tất nhiên phải xây dựng cơ chế giám sát. Muốn phát hiện được tiêu cực, bản thân cơ quan quản lý nhà nước phải kiểm tra, giám sát. Với các trường hợp có biểu hiện, vi phạm pháp luật có thể thông báo để cơ quan điều tra vào cuộc.

 

Hiện có các chế tài xử lý hành vi vi phạm pháp luật cũng chưa cụ thể. Chẳng hạn như trong vụ các cầu thủ U23 bán độ nếu khởi tố bị can về tội đánh bạc, tổ chức đánh bạc thì khá khiên cưỡng nhưng không thể khởi tố bị can tội bán độ, bán độ bất hợp pháp bởi Bộ luật Hình sự chưa quy định tội danh này?

 

Chúng tôi có đề nghị và giao cho ban soạn thảo đưa vào trong luật những điều cấm. Nếu VĐV, trọng tài, người tham gia trong lĩnh vực thể thao vi phạm sẽ đồng nghĩa với vi phạm pháp luật.

 

Bước đầu sẽ xác định hành vi vi phạm pháp luật trong thể dục thể thao tại luật này. Sau đó, cơ quan pháp luật nghiên cứu tìm phương pháp xử lý và đưa văn bản bổ sung cho những luật liên quan.

 

Theo bà, sau này luật thể dục thể thao được triển khai trong thực tế, liệu có hạn chế được tiêu cực?

 

Xây dựng luật nhằm tạo hành lang pháp lý để các cơ quan chức năng thực hiện. Còn việc thực hiện hay không là vai trò của các cơ quan quản lý nhà nước và cơ quan bảo vệ pháp luật.

 

Chúng ta hiểu mọi vấn đề tốt đẹp hơn phải là kết quả cộng hưởng của nhiều cơ quan, tổ chức chứ không phải có luật là hạn chế được những hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực luật quy định.

 

Có nhiều việc trong lĩnh vực thể thao, Uỷ ban Thể dục Thể thao cũng chưa được giao quyền tự chủ để xử lý, chẳng hạn như vụ Letard phải chờ đến Thủ tướng giải quyết?

 

Dự luật xây dựng trên nguyên tắc giao quyền tự quản, tự chịu trách nhiệm trước pháp luật cho các liên đoàn của Uỷ ban Thể dục Thể thao. Nếu có vấn đề phát sinh từ thực tế quản lý, các liên đoàn phải đứng ra giải quyết.

 

Khi nào liên đoàn vi phạm pháp luật, cơ quan quản lý nhà nước, cấp trên là Uỷ ban Thể dục Thể thao, Chính phủ mới phải giải quyết, xử lý. Yêu cầu trong luật này là phải thay đổi cơ chế quản lý của các liên đoàn.

 

Theo Đời sống & Pháp luật

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm