VFF: Đội tuyển không thất bại nhưng vẫn sa thải HLV trưởng
(Dân trí) - VFF khẳng định đội tuyển U23 Việt Nam không thất bại tại VCK U23 châu Á 2016, nhưng ngay sau giải đấu ấy họ lại đột ngột sa thải HLV Miura, vậy có mâu thuẫn không?
Không đủ kiên nhẫn
Người hay chê HLV Miura nhất, hay chê đội tuyển dưới thời HLV Miura nhất là phó chủ tịch (PCT) phụ trách tài chính Đoàn Nguyên Đức cho đến giờ này cũng đã nói khác: “Đội tuyển U23 Việt Nam không thất bại tại VCK U23 châu Á, nên trưởng đoàn Lê Hoài Anh không cần phải chịu trách nhiệm về thành tích của đội tuyển sau giải đấu này”.
Trong khi đó, PCT phụ trách chuyên môn của VFF Trần Quốc Tuấn khẳng định chắc nịch: “Đội tuyển U23 Việt Nam vào đến VCK U23 châu Á đã là thành công. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử chúng ta làm được điều này”.
Trước những phát biểu ấy, việc HLV Miura bị sa thải giữa chừng càng khiến nhiều người bất ngờ. Ông Miura không được xem là thất bại ở chiến dịch gần nhất là VCK U23 châu Á, cũng như được chính VFF đánh giá là có thành tích trong khoảng gần 2 năm nắm các đội tuyển: Giành HCĐ AFF Cup 2014, HCĐ SEA Games 2015, vào vòng knock-out Asiad 2014.
Một HLV vừa có thành tích cụ thể trong suốt quá trình làm việc với VFF, chưa làm hỏng bất cứ chỉ tiêu nào mà cấp trên giao cho, lại đang có thành tích lịch sử (vào đến VCK U23 châu Á) mà vẫn mất việc đột ngột thì càng lạ!
Thực chất thì HLV Miura chỉ còn hơn 2 tháng hợp đồng, và đằng nào thì vị HLV người Nhật cũng chuẩn bị sẵn tâm lý cho việc không tiếp tục dẫn dắt các đội tuyển quốc gia sau thời điểm hợp đồng ấy kết thúc vào tháng 4 (với các HLV chuyên nghiệp, thời điểm 6 tháng trước khi kết thúc hợp đồng cũ mà chưa bàn hợp đồng mới thì thường là họ tự hiểu số phận), nên việc VFF sa thải sớm HLV Miura càng thiếu tình, sau khi đã không hợp lý như nêu ở trên (không hợp lý ở điểm đội tuyển thành công nhưng vẫn đuổi HLV).
VFF cũng bị chi phối bởi… “tâm lý đám đông”?
HLV Miura chắc chắn không phải là HLV tệ nhất trong lịch sử của bóng đá nội, nhưng đây có thể là trường hợp HLV gây nhiều tranh cãi nhất. Số đông người hâm mộ thường hay phản ứng HLV trên các diễn đàn hoặc các trang mạng xã hội cho rằng chính ông Miura đang “bóp chết” bóng đá đẹp.
Nhưng cũng thật ra thì chẳng có gì chứng minh số người không lên tiếng, hoặc không chỉ trích HLV Miura lại ít hơn số người thường xuyên chỉ trích, chẳng qua có thể không phải ai cũng thích tham gia các diễn đàn, không phải ai cũng thích lên tiếng.
Bằng chứng là đội tuyển của HLV Miura cũng lôi kéo đáng kể khán giả đến sân. Tâm lý chán bóng đá là tâm lý có thật, nhất là sau thất bại liên tiếp của đội tuyển quốc gia và đội tuyển U23 tại AFF Cup 2012 và SEA Games 2013. Tuy nhiên, đến thời HLV Miura thì lượng người đến xem đội tuyển đông nghẹt.
Đặc biệt, tại AFF Cup 2014, khi Công Phượng và các đồng đội còn chưa khoác áo đội tuyển quốc gia, lượng người xem vẫn đông, chứng tỏ không phải ai cũng phản đối HLV Miura, không phải ai cũng đánh giá thấp triết lý của vị HLV này.
Lý do cơ bản nhất được VFF nêu ra khi sa thải HLV Miura là đội tuyển cần một lối chơi phù hợp hơn với cầu thủ Việt Nam, phát huy tốt hơn thế mạnh của thế hệ cầu thủ hiện tại, đồng thời VFF cho rằng ông Miura chưa linh hoạt trong cách vận dụng chiến thuật và con người trong từng trận đấu.
Đấy cũng có thể là điểm yếu của HLV Miura, nhưng sa thải HLV vì lý do đấy thì chung chung quá! Thực tế là có lúc VFF rất cần các mẫu HLV có cá tính, dám làm, dám chịu trách nhiệm và dám theo đuổi triết lý của mình. Giờ khi tìm được người thực sự có cá tính, dám làm dám nhận như HLV Miura, chính VFF lại mất kiên nhẫn và mất niềm tin vào vị HLV người Nhật, chính VFF lại thiếu cá tính.
Điểm trừ cho VFF trong vấn đề của HLV Miura còn nằm ở chỗ một vài thành viên chủ chốt của tổ chức này còn góp phần định hướng sai dư luận, phê phán quá mức đội tuyển của HLV Miura trong khi thiếu các dẫn chứng thuyết phục, cũng nhưng thiếu các luận cứ khoa học, dựa trên những thông số cụ thể.
Thành ra, người ta nói HLV Miura cô đơn trong công việc của mình, cô đơn giữa những làn sóng chỉ trích không phải là không có lý. Hầu như không có ai thực sự có trách nhiệm tại VFF đủ dũng khí để bảo vệ vị HLV người Nhật (hoặc người bảo vệ HLV Miura lại không phải là nhân vật có tiếng nói quyết định tại VFF, như một ít ủy viên BCH trong cuộc họp sáng 28/1).
Mà ngược lại, chính một số vị trong ngôi nhà VFF còn chĩa mũi dùi vào HLV Miura khi cần, thậm chí còn mượn chuyện của HLV Miura để khơi mào cho những phát biểu được cho là gây rối nội bộ ở VFF.
Kim Điền