1. Dòng sự kiện:
  2. AFF Cup 2024

VĐV không quốc tịch và cuộc chạy đua với định mệnh

Dân trí

(Dân trí) - Là một trong những vận động viên (VĐV) điền kinh hàng đầu thế giới, Dominic Lobalu mơ ước được leo lên bục vinh quang tại Olympic 2024, trong bối cảnh không đại diện cho quốc gia nào.

Huy chương tại Olympic 2024 chắc chắn là khoảnh khắc hạnh phúc nhất trong cuộc đời Dominic Lobalu. VĐV này có một tuổi thơ bất hạnh khi anh mồ côi năm 9 tuổi. Ở thời điểm ấy, đất nước Nam Sudan bị chiến tranh tàn phá nên anh phải di cư đến một trại dành cho người tị nạn ở miền bắc Kenya.

Ở giải điền kinh vào năm ngoái, Lobalu đã nhanh chóng thể hiện tài năng của mình nhưng có chi tiết đáng nói, anh không đại diện cho quốc gia nào. Đương nhiên, điều đó (không có quốc tịch) có thể dập tắt giấc mơ tham dự Olympic cũng như giải vô địch thế giới sắp tới ở Budapest của VĐV đầy triển vọng này.

Thế nhưng, trong cuộc đua với số phận, Lobalu đã tìm thấy tia sáng le lói. Thụy Sĩ đã cho VĐV này nhập quốc tịch sau khi bắt đầu tiếp nhận Lobalu kể từ năm 2019.

VĐV không quốc tịch và cuộc chạy đua với định mệnh - 1
Lobalu, đeo kính râm màu vàng, thi đấu trong nội dung chạy 3.000 mét ở Thụy Sĩ năm ngoái.

Trải qua hơn 10 năm sống ở Kenya với tư cách là người tị nạn, Lobalu gọi thành phố St. Gallen xinh đẹp ở Thụy Sĩ là quê hương thứ hai của mình. Ở nơi đó, tuyết rơi dày và mưa thường xuyên tạo nên sự tương phản hoàn toàn với cuộc sống trước đây của anh.

Tại mảnh đất mới, Lobalu tập luyện chăm chỉ dưới sự dẫn dắt của huấn luyện viên Markus Hagmann. Để từ đó, VĐV này có thể tiếp tục nuôi dưỡng giấc mơ lớn nhất cuộc đời, đó là chạy trên những sân khấu thể thao hoàng tráng, ở cấp độ thế giới.

"Đây là giấc mơ ngay từ khi tôi bắt đầu chạy bộ. Hy vọng rằng tôi có thể thi đấu tại Thế vận hội", chàng trai 23 tuổi nói với CNN Sport. Anh nói thêm: "Tôi có thể nói với những người bạn của mình, những người đang sống trong hoàn cảnh giống tôi rằng mọi thứ đều có thể xảy ra."

Cơ hội tốt nhất để Lobalu thực hiện ước mơ đó là đủ điều kiện cấp phép quốc tịch Thụy Sĩ. Trong một chia sẻ với CNN Sport, Liên đoàn điền kinh Thụy Sĩ xác nhận rằng họ đã nộp đơn lên Liên đoàn điền kinh thế giới để Lobalu thay đổi quốc tịch.

Liên đoàn điền kinh Thụy Sĩ xác nhận: "Mối quan tâm chính của chúng tôi là Dominic Lobalu được phép thi đấu tại các giải vô địch quốc tế. Bất cứ điều gì khác đều mâu thuẫn với các giá trị cốt lõi của môn thể thao này."

VĐV không quốc tịch và cuộc chạy đua với định mệnh - 2
Hagmann và Lobalu phát biểu trước giải Copenhagen Half Marathon vào tháng 9.

Lớn lên như một người tị nạn ở Nairobi, Lobalu chủ yếu chơi bóng đá, thậm chí chưa bao giờ nghĩ đến việc trở thành một VĐV chuyên nghiệp. Thế nhưng, môn bóng đá quá cạnh tranh và tốn kém. Do đó, anh chuyển sang điền kinh và bắt đầu tập luyện nghiêm túc ở tuổi 16, muộn hơn rất nhiều so với các đồng nghiệp.

Lobalu được Đội tị nạn vận động viên (ART) phát hiện. Được thành lập vào năm 2014, ART được hỗ trợ bởi cơ quan quản lý quốc tế World Athletics và bao gồm toàn bộ các VĐV đã trốn chạy khỏi nạn bạo lực, xung đột và bất công.

Tuy nhiên, sau hai năm Lobalu đã đưa ra quyết định bốc đồng là từ bỏ đội khi đang thi đấu ở thành phố Geneva của Thụy Sĩ, rồi rời khỏi chỗ ở của mình vào buổi sáng sau khi giành chiến thắng trong cuộc thi 10km. Anh ấy đã không muốn trở lại Kenya kể từ đó.

"Sau khi từ bỏ đội, tôi liền đi ngủ với đầu óc thư thái. Và sau đó tôi tự nhủ sẽ không quay trở lại", Lobalu nhớ lại với dáng vẻ ngại ngùng sau khi đưa ra thông báo về lý do rời đội.

Cùng với đó, anh ấy đã mất cơ hội đua tranh cho ART sau khi rời đi "không báo trước". "Có nhiều sự cảm thông đối với hoàn cảnh của Lobalu do anh đã có trải nghiệm khủng khiếp từ khi còn là một đứa trẻ chạy trốn khỏi cuộc nội chiến ở Nam Sudan", cơ quan quản lý nói với CNN Sport trong một tuyên bố.

VĐV không quốc tịch và cuộc chạy đua với định mệnh - 3
Lobalu thi đấu cho ART trong giải vô địch thế giới 2017 ở London.

Theo hãng tin Tages-Anzeiger của Thụy Sĩ, Lobalu sẽ không thi đấu cho quê hương Nam Sudan vì nỗi đau kinh hoàng mà anh ấy đã trải qua khi còn nhỏ, với tình trạng bạo lực giáng xuống ngôi làng Chukudum. Cho đến ngày nay, chiến tranh vẫn là một chủ đề mà anh không muốn nói đến.

Người phát ngôn của World Athletics, Jackie Brock-Doyle chia sẻ với CNN Sport: "Lobalu là một VĐV tài năng. Anh ấy thể hiện sự bền bỉ và quyết tâm tới mức đáng kinh ngạc. Chúng tôi hiểu rằng điều quan trọng đối với anh ấy là thi đấu tại Olympic và giải vô địch điền kinh thế giới.

Không còn nghi ngờ gì, chúng tôi luôn mong ước được thấy Lobalu có mặt tại các sự kiện này và đại diện cho một quốc gia tranh tài".

Ở thời điểm này, Lobalu và HLV Hagmann chờ phán quyết từ Hội đồng xét duyệt quốc tịch. Chia sẻ với CNN, HLV Hagmann nói: "Tôi biết rằng Lobalu thực sự có thể tập trung vào những điều quan trọng. Anh ấy không thể thay đổi quyết định từ World Athletics, anh ấy không thể làm cho quá trình xét duyệt diễn ra nhanh hơn.

Lobalu chỉ cần tập trung vào việc chạy và giữ tinh thần thoải mái. Tại sao lại lãng phí năng lượng vào những thứ bạn không thể thay đổi?".

Việc huấn luyện Lobalu chỉ là một phần công việc của Hagmann với tư cách là một huấn luyện viên. Ông cũng đã giúp Lobalu có được thị thực nhân đạo và giành quyền sống ở Thụy Sĩ với tư cách là một VĐV chuyên nghiệp.

VĐV không quốc tịch và cuộc chạy đua với định mệnh - 4
Lobalu và Hagmann đều mỉm cười sau khi về đích ở vị trí thứ hai trong cuộc đua đường trường 5 km tại giải Zurich Diamond League năm ngoái.

Họ lần đầu tiên gặp nhau khi Lobalu di chuyển qua nhiều trung tâm dành cho người xin tị nạn ở Thụy Sĩ sau khi rời ART. Với mong muốn trở thành một VĐV điền kinh chuyên nghiệp, Lobalu đã được liên lạc với Hagmann ở thành phố St. Gallen.

Họ gặp nhau tại một đường chạy vài ngày sau đó, nơi Hagmann tìm thấy một thanh niên 20 tuổi thu mình và rất ít nói. Nhưng lời nói dường như không quan trọng ngay khi Lobalu bắt đầu chạy, lúc đó Hagmann bị thu hút bởi hình thể bắt mắt và bước chân nhẹ như lông hồng của VĐV trẻ.

Hagmann nhớ lại: "Cơ thể Lobalu đang phải vật lộn và tâm trí anh ấy cũng phải chịu đựng trong hành trình này dài. Mặc dù vậy, bạn có thể thấy khi niềm đam mê cháy bỏng của anh ấy khi nhập cuộc. Tôi bị cuốn hút bởi cách chạy của anh ấy".

Cùng với nhau, Lobalu và Hagmann đã tạo nên một mối quan hệ đối tác đặc biệt. Mối quan hệ độc đáo của họ là chủ đề của " The Right To Race", một bộ phim tài liệu mới do thương hiệu quần áo thể thao On sản xuất. Đây cũng là nhà tài trợ cho Lobalu.

Ở giải đấu Stockholm Diamond League năm ngoái, Lobalu, lần thứ hai thi đấu ở nước ngoài kể từ khi định cư ở Thụy Sĩ, đã có một bước đột phá ngoạn mục, làm kinh ngạc người hâm mộ khi giành chiến thắng ở nội dung 3.000 mét trước người giữ kỷ lục thế giới Jacob Kiplimo.

Hagmann, người huấn luyện 20 VĐV ở Thụy Sĩ, cho biết: "Lobalu đã làm tôi ngạc nhiên trong các cuộc thi suốt ba năm qua. Khi Lobalu vô địch Diamond League năm ngoái ở Stockholm, anh ấy thực sự gây bất ngờ.

Tôi không mong đợi một chiến thắng của Lobalu trong lần đầu tiên tham gia Diamond League. Đó là một trong những khoảnh khắc tuyệt vời trong sự nghiệp điền kinh của bất kỳ ai. Anh ấy thực sự ở đẳng cấp thế giới."

Gần đây, nhiệm vụ huấn luyện của Hagmann đã mở rộng sang việc hợp tác với Swiss Athletics để hoàn thành đơn đăng ký đủ điều kiện của Lobalu. Đó là trách nhiệm mà ông phải gánh vác với tư cách là một người cố vấn và là một huấn luyện viên điều hành.

Vị thầy giáo già này chắc chắn sẽ được nhắc tới nhiều hơn nếu như Lobalu gặt hái được vinh quang ở Olympic.

Thanh Lâm