V-League xuống cấp kéo theo chất lượng kém của đội tuyển quốc gia

(Dân trí) - Giải V-League lúc này rất cần được cải tổ, nhưng thượng tầng VFF giờ nhiều vị lo đấu, lo đá, lo mấy cái ghế trước thềm Đại hội nhiệm kỳ VFF vào đầu năm sau, khiến cho phần nền tảng của bóng đá nội suy yếu.

VFF đang loay hoay tìm HLV mới cho đội tuyển quốc gia. Đây là việc làm cần thiết, sau khi HLV Nguyễn Hữu Thắng từ chức, nhưng điều cần hơn cho bóng đá Việt Nam, cho việc nâng tầm các đội tuyển chính là cải thiện chất lượng giải V-League, nền tảng của bóng đá nội.

Đấy là giải đấu mà càng ngày khán giả càng vắng. Đấy là giải đấu mà tồn tại rất nhiều thực tế ngược đời, như chuyện giải phải tạm ngưng đến 2 lần trong suốt giai đoạn đã qua, mỗi lần tạm ngưng đến khoảng 2 tháng cho các đội tuyển trẻ tập trung, điều không hề thấy nơi các giải vô địch quốc gia của các nền bóng đá tiến bộ trên thế giới.

Những nhà tổ chức giải và những nhà quản lý bóng đá nội chắc cũng chưa hình dung những quãng nghỉ như thế ảnh hưởng như thế nào đến tài chính của các CLB, do phải trả lương cho việc duy trì đội ngũ không hề nhỏ, nhưng chẳng phải để đá bóng trong suốt thời gian V-League “hưu chiến”.

Nếu V-League mạnh, giàu sức cạnh tranh thì những người được hưởng lợi là các cầu thủ (ảnh: Nguyễn Đình)
Nếu V-League mạnh, giàu sức cạnh tranh thì những người được hưởng lợi là các cầu thủ (ảnh: Nguyễn Đình)

Họ cũng không hình dung hết việc phong độ của các đội bóng bị ảnh hưởng như thế nào, bởi chẳng có trường đào tạo HLV nào trên khắp thế giới dạy các HLV phải làm thế nào trong việc tính điểm rơi phong độ cho các cầu thủ, ở một giải đấu cứ đá rồi ngưng, ngưng xong lại đá?

Đấy cũng là giải đấu chuyên nghiệp duy nhất trên thế giới có hiện tượng số lượng đội hạng trên nhiều gấp đôi đội hạng dưới, trong khi ở các nước người ta đều phát triển bóng đá theo hình chóp, tức là càng lên cao thì càng ít đội, vì tính cạnh tranh, tính sàng lọc càng cao.

V-League còn là giải vô địch quốc gia chuyên nghiệp duy nhất trên thế giới có hiện tượng “một ông chủ - nhiều đội bóng”, thực tế mà FIFA cấm tiệt, nhưng những người làm bóng đá nội quen giọng mượn mác FIFA khi muốn tránh sự can thiệp của cơ quan quản lý nhà nước, lại để tồn tại thực tế trái ngược này.

V-League vì thế mà thiếu tính cạnh tranh, thiếu sòng phẳng, rồi tức yếu dẫn đến chuyện thiếu khán giả, với quá nhiều trận đấu nhàn nhạt vào mỗi cuối mùa.

Ngặt nỗi, VFF giờ có nhiều vị đang lo đấu, lo đá ở thượng tầng, mà chưa đưa ra định hướng cải thiện chất lượng, thậm chí cải tổ giải V-League.

Cầu thủ Việt Nam thiếu bản lĩnh vì họ đâu được rèn luyện bản lĩnh từ V-League (ảnh: An An)
Cầu thủ Việt Nam thiếu bản lĩnh vì họ đâu được rèn luyện bản lĩnh từ V-League (ảnh: An An)

Khi “mổ xẻ” nguyên nhân thất bại của đội tuyển U22 Việt Nam ở SEA Games 29, hay việc các đội tuyển không ổn định về mặt thành tích nói chung trong vài năm trở lại đây, người ta cũng lờ đi nguyên nhân chủ yếu đến từ chất lượng của giải đấu này. Thay vào đó, VFF chỉ làm việc dễ nhất là đổ hết trách nhiệm cho HLV trưởng, như thế thì không đầy đủ và quá thiếu sòng phẳng.

Nhìn sang Thái Lan, hay Indonesia, giải vô địch quốc nội của họ ngày một tốt hơn, giúp cho các đội tuyển của họ ổn định hơn.

Đặc biệt, Thai-League bây giờ quá chuyên nghiệp, giúp cho đội tuyển quốc Thái Lan tự tin tấn công vào trình độ châu lục.

Cũng một HLV Kiatisuk nắm đội tuyển Thái thì đội tuyển Thái Lan thành công, nhưng chính báo chí Thái Lan mới đây khuyến cáo Kiatisuk chưa đủ tầm nắm đội tuyển Việt Nam.

Tất cả xuất phát từ phần nền tảng, Kiatisuk thành công ở đội tuyển Thái Lan, vì nền tảng cả bóng đá Thái quá tốt, trong khi phần nền tảng của bóng đá Việt Nam không được như vậy, giải V-League và hệ thống thi đấu các giải quốc nội của bóng đá Việt Nam không được như vậy, trong khi cầu thủ hầu hết đều từ các giải quốc nội mà tiến lên đội tuyển.

Chính bóng đá Việt Nam cũng từng có bài học là khi V-League còn giàu tính cạnh tranh, còn sòng phẳng và còn thu hút khán giả từ năm 2008 trở về trước, đội tuyển Việt Nam khi đó từng vào đến tứ kết giải châu Á năm 2007, vô địch Đông Nam Á 2008. Vậy sao bây giờ không tìm giải pháp để V-League mạnh hơn, thay vì cứ đấu, cứ đá, hay cứ né tránh trách nhiệm khi nói về các đội tuyển?

Phần nền tảng mà mạnh thì lo gì không có các đội tuyển mạnh, lo gì không có cầu thủ tốt, giàu bản lĩnh, vững vàng về mặt tâm lý. Phần nền tảng mà mạnh, hệ thống thi đấu các giải quốc nội mà tốt, thì việc tìm HLV cho các đội tuyển cũng đỡ nan giải hơn bây giờ!

Trọng Vũ

V-League xuống cấp kéo theo chất lượng kém của đội tuyển quốc gia - 3