1. Dòng sự kiện:
  2. AFF Cup 2024

V-League vẫn là nền tảng của đội tuyển Việt Nam

(Dân trí) - 18 cầu thủ tập trung đội tuyển quốc gia, 30 cầu thủ tập trung đội tuyển U23. Chưa kể lứa U19 năm ngoái vẫn còn ở dạng tiềm năng. V-League đâu đến nỗi không thể cung cấp nhân lực cho bóng đá nội, vấn đề là phải có người biết phát hiện và khai thác.

Đánh tráo niềm tin

Gần 50 cầu thủ (18 ở đội tuyển quốc gia, 30 ở đội tuển U23) được tập trung cho 2 đội tuyển cùng lúc. Đấy là chưa kể nhiều trường hợp gây tranh cãi xứng đáng hay không xứng đáng lên đội tuyển, như Tăng Tuấn (B.Bình Dương) và Quang Hải (Than Quảng Ninh) trên hàng tiền đạo, Tài Em (ĐT Long An), Hoàng Thiên (cầu thủ ổn định nhất của HA Gia Lai từ đầu mùa đến giờ) ở hàng tiền vệ…

Những ví dụ vừa nêu phản ánh một điều rằng V-League đâu đến nỗi không thể cung cấp tài năng cho các đội tuyển quốc gia như chính một vài vị đang làm công tác điều hành bóng đá nội từng cho là như thế.

Thậm chí, với 2 đội tuyển đang tập trung song song, đội tuyển nào của chúng ta cũng đủ sức làm nhiệm vụ quốc tế một cách đàng hoàng về mặt chuyên môn.

Điều đó dĩ nhiên cũng khác với quan điểm bóng đá nội vốn chỉ có lứa U19 năm ngoái là coi được, là đáng để đặt niềm tin, để gánh vác mọi nhiệm vụ của làng cầu nội ở sân chơi quốc tế, như chính những vị đang làm công tác điều hành nói trên từng định hướng dư luận như thế.

Hầu hết các tuyển thủ Việt Nam đều trưởng thành từ V-League (ảnh: Gia Hưng)
Hầu hết các tuyển thủ Việt Nam đều trưởng thành từ V-League (ảnh: Gia Hưng)

Lứa U19 nọ là tương lai, là chuyện của 3 – 5 năm nữa (thậm chí đến lúc đó còn chưa biết họ có phát triển đúng với kỳ vọng hay không?), riêng hiện tại, V-League vẫn phải là nền tảng, là nơi cung cấp tài năng cho phần ngọn của bóng đá Việt Nam (các đội tuyển).

Vấn đề nằm ở chỗ lâu nay chúng ta thiếu người làm chuyên môn có khả năng phát hiện và có khả năng nâng tầm những cầu thủ ở dạng tiềm năng. Công việc này chỉ đến khi HLV Miura xuất hiện thì chúng ta mới được kiểm nghiệm rằng V-League vẫn còn khá nhiều điều hay, nhiều cầu thủ tốt mà lâu nay chúng ta chưa biết.

Về mặt này lại phải cảm ơn Miura, chính vì HLV người Nhật vừa chỉ cho những người làm bóng đá nội thấy rằng V-League vẫn là cái nôi của tài năng, trong khi lâu nay những người điều hành giải đấu làm sai phương pháp, đến độ chính họ còn định tôn vinh một nhóm nhỏ cầu thủ U19, rồi vội vàng gạt phần còn lại của V-League sang một bên.

3 lứa cầu thủ nối tiếp nhau

Chưa đầy một năm làm việc với bóng đá Việt Nam, HLV Miura giúp chúng ta cơ bản hình thành 3 lứa cầu thủ nối tiếp nhau, mà lứa này kế thừa cho lứa kia.

30 cầu thủ đang khoác áo đội tuyển U23 Việt Nam chính là sự kế thừa cho nhóm 18 cầu thủ ở đội tuyển quốc gia. Rồi ngay trong đội U23, có hàng loạt cái tên đủ sức làm trụ cột ở đội tuyển Việt Nam, gồm Ngọc Hải, Huy Hùng, Hoàng Thịnh, Huy Toàn, Hồng Quân.

Tiếp đó, lứa U19 Việt Nam năm ngoái đã được nhắc đến chính là sự kế thừa cho lứa U23 hiện tại. Trong lứa này, cũng có Công Phượng, Thanh Bình, Tuấn Tài, Tiến Dũng đủ sức đá chính ở đội tuyển U23.

Chưa đầy 1 năm làm việc với bóng đá Việt Nam, HLV Miura giúp chúng ta cơ bản có sự kế thừa nối tiếp nhau mang tính hệ thống. Và chỉ sau khoảng 1 năm làm việc với HLV Miura, bóng đá Việt Nam, cụ thể hơn là các đội tuyển quốc gia từ chỗ thiếu người đang trở nên… thừa người tài.

Đấy là chi tiết mà cách ít lâu, hẳn ít người hình dung nổi, nên mới đặt tư duy gói gọn trong lứa U19 của bầu Đức. Đấy cũng là lý do mà người ta dứt khoát phải cần dân có chuyên môn để làm công tác chuyên môn.

Bởi công việc mà HLV Miura đang làm là công việc mà những nhà quản lý chóp bu của VFF dù có nhiều tiền cách mấy, nếu tự làm, cũng không làm được, chưa kể khi làm còn làm sai phương pháp!

Cũng chỉ có người có chuyên môn như HLV Miura mới đủ sức chứng minh V-League vẫn còn giá trị, thay vì suýt chút nữa nhiều người lớn đã chọn cách tuyển quân cho các đội tuyển mà không cần thông qua V-League!

Trọng Vũ