1. Dòng sự kiện:
  2. Giải chạy Unique Nha Trang H-Marathon 2024
  3. Vòng chung kết giải U23 châu Á 2024

V-League và nỗi ám ảnh thật giả

(Dân trí) - Liên tiếp 2 vòng đấu gần nhất, V-League xuất hiện những mối nghi ngờ về tính trung thực. Đấy cũng là giai đoạn mà giải đấu diễn ra trùng với VCK Euro 2016, nên phân tán sự chú ý của dư luận.

Sau vòng 14, HLV Trần Công Minh của Đồng Tháp phải lên tiếng phủ nhận chuyện cầu thủ của ông phải làm việc với cơ quan chức năng, vì bị nghi ngờ tiêu cực. Ông Minh khẳng định là không hề có chuyện đó, đồng thời cho biết thất bại của Đồng Tháp trong thời gian vừa rồi, nhất là trận thua ngược Hải Phòng 2-3 (sau khi đã dẫn 2-0), hoàn toàn xuất phát từ vấn đề chuyên môn, từ sự non kém của các cầu thủ.

Dù vậy, chuyện nội bộ đội Đồng Tháp bây giờ không còn toàn tâm toàn ý với nhau có thể là chuyện phải tính đến. Bên cạnh đó, thông tin thất thiệt vừa nêu từ đâu ra cũng là vấn đề đáng được quan tâm, cho thấy sau chuỗi trận thua liên tục của đội bóng miền Tây Nam bộ, không phải không có những giả thiết khác nhau về các thất bại ấy, bao gồm cả những giả thiết không hay.

Đến vòng 15, nghi án tiêu cực liên quan đến thủ môn Tấn Trường (B.Bình Dương) lại nổi lên, do thủ thành gốc Đồng Tháp mắc lỗi nặng ở 3/5 bàn thua của đội bóng đất Thủ Dầu trước Hà Nội T&T (trận này B.Bình Dương thua chung cuộc 4-5).

Thủ môn Tấn Trường chịu nhiều điều tiếng không hay sau trận B.Bình Dương thua Hà Nội T&T ở vòng 15 V-League
Thủ môn Tấn Trường chịu nhiều điều tiếng không hay sau trận B.Bình Dương thua Hà Nội T&T ở vòng 15 V-League

Thật hư vụ này đến đâu có lẽ người trong cuộc hiểu hơn ai hết. Tuy nhiên, vấn đề nằm ở chỗ Tấn Trường nhiều năm qua thường xuyên có những sai lầm dạng tương tự.

Đó là những sai lầm trong màu áo đội tuyển quốc gia ở AFF Cup 2010 (trận bán kết lượt đi giữa Việt Nam và Malaysia), là sai lầm khi khoác áo XM Xuân Thành Sài Gòn vài năm trước, khiến đội bóng thành phố phải để anh ra đi, và sau đó là những sai lầm khi về khoác áo B.Bình Dương mấy năm gần đây.

Chẳng ai dám khẳng định Tấn Trường có hay không có tiêu cực, nhưng những pha để thua theo kiểu “mời ông xơi” kể trên khiến cho niềm tin của giới chuyên môn, người hâm mộ và cả giới chủ đối với Tấn Trường giảm đi rõ rệt.

Đấy cũng là tình cảnh chung của bóng đá nội hiện nay, của sân cỏ V-League bây giờ. Khẳng định thì không ai dám khẳng định giải đấu tiêu cực, nhưng để người hâm mộ tin thì cũng chẳng ai dám tin hoàn toàn.

V-League khi càng ít bị soi dưới lăng kính của giới truyền thông thì càng dễ xảy ra chuyện theo kiểu “một mất mười ngờ”, V-League càng về giai đoạn cuối mùa thì càng hay xuất hiện những trận đấu lạ, khó lý giải về mặt chuyên môn thông thường.

Chữa căn bệnh hư hư thực thực tại V-League là chuyện không dễ, vì người ta chưa bốc đúng thuốc hoặc trị đúng nơi bệnh nặng nhất. Nhưng những người có trách nhiệm có lẽ cũng chưa phòng đúng cách đối với căn bệnh này.

Mà trách nhiệm ở đây không chỉ là nằm ở những người điều hành giải đấu (dù phần thiếu sót của họ không hề nhỏ, trong chuyện khiến V-League ít tính cạnh tranh). Trách nhiệm còn nằm ở những người tham gia giải, tức các CLB.

Ví như trường hợp của Tấn Trường. Nếu bản thân các CLB đừng quá tin dùng những cầu thủ thường xuyên mắc sai lầm dạng như thế, thì có lẽ sai lầm của Tấn Trường đã không có cơ hội lặp đi lặp lại trên sân bóng, khiến người xem chán ngán.

Đằng này, V-League không hiếm trường hợp cầu thủ bị đội bóng này tẩy chay vì mất niềm tin, lại chạy sang đội bóng khác, lại được săn đón, trước khi tiếp tục tạo thêm những ngờ vực khác. Ở đây, lỗi của các ông chủ là quá nuông chiều cầu thủ, thiếu sự quyết liệt và thiếu biện pháp kỹ thuật để ngăn chặn ngay từ đầu những trường hợp có thể làm giảm giá trị thương hiệu của CLB do mình làm chủ.

Kim Điền

V-League và nỗi ám ảnh thật giả - 2