V-League: Thà ít đội mà đàng hoàng

(Dân trí) - Dọa bỏ giải giờ trở thành chiêu của không ít đội bóng. Bây giờ họ dọa nghỉ thì không loại trừ nguy cơ đến một ngày họ nghỉ thật. Và có lẽ cũng đã đến lúc tính đến phương án V-League có ít đội thôi, nhưng ai còn tồn tại thực sự làm đàng hoàng…

Lờn thuốc

Việc các đội bóng dọa bỏ V-League hết lần này đến lần khác cho thấy giới bóng đá bây giờ chẳng coi BTC và cơ quan điều hành bóng đá Việt Nam ra gì. Họ không xem trọng người tổ chức cuộc chơi nên họ mới sẵn sàng đem chuyện bỏ giải ra làm áp lực với cơ quan điều hành.

Và vì sao các đội không ngán cơ quan điều hành bóng đá nội thì phải hỏi chính cơ quan này đã làm được gì để họ phải ngán?

Không có cuộc chơi nào kém kỷ cương như V-League, cũng không đâu như bóng đá Việt Nam, nơi người ta cứ việc thay đổi xoành xoạch quan điểm của mình. Người điều hành bóng đá nội cứ ban hành hết quy định này đến quy định khác, nhưng toàn là quy định bằng… miệng.

V-League không cần những đội bóng thích sinh chuyện như thế này
V-League không cần những đội bóng thích sinh chuyện như thế này

Ngay đến quy chế bóng đá chuyên nghiệp hay tiêu chuẩn dành cho các CLB cũng là… nói miệng. Bởi, hàng loạt đội bóng quy phạm quy chế, hàng loạt CLB không đáp ứng được các tiêu chuẩn tối thiểu nhưng vẫn được đá chuyên nghiệp đấy thôi. Họ đâu nhận bất cứ án kỷ luật nào đâu mà phải ngán!

Tuyên bố hùng hồn không cho phép sang tên đổi chủ CLB mới được tuyên dõng dạc cuối mùa bóng trước, hóa ra cũng chỉ là nói xong rồi để đó. Người chơi, cụ thể là Hải Phòng vẫn thoải mái đổi chủ mà không hề chịu phạt. Vậy thì BTC V-League hay cơ quan điều hành bóng đá nội ở đây có gì để các đội bóng phải ngán!

Vì các đội biết VFF không bao giờ dám xử đến nơi đến chốn nên họ mới lộng ngôn như vậy! Ở các nền bóng đá khác, phát biểu như kiểu lãnh đạo CLB Hải Phòng vừa phát biểu chắc chắn sẽ bị phạt tả tơi.

Đằng này, chủ tịch CLB Hải Phòng Trần Mạnh Hùng mạnh miệng chỉ trích VFF, VPF và BTC giải trên mặt báo, trước ống kính truyền hình, nhưng các cơ quan bị chỉ trích không hề có phản ứng. Vậy đâu là quy chế phát ngôn ở V-League? Đâu là quy tắc ứng xử trong bóng đá Việt Nam? Đâu là quy củ của cơ quan điều hành bóng đá Việt Nam?

Muốn có chất lượng, phải hành động cụ thể


Điểm chung của các đội bóng từng dọa bỏ giải là trước sau gì họ cũng… bỏ. Navibank Sài Gòn, XM Xuân Thành Sài Gòn, V.Ninh Bình, K.Kiên Giang… đều mấy lần hăm bỏ, trước khi bỏ thật.

Họ bỏ vì không đủ năng lực chuyên môn và năng lực tài chính để hoạt động bóng đá chuyên nghiệp. Họ đã không đủ tiêu chuẩn để tồn tại thì cũng đừng ép họ phải tồn tại. Họ đã không còn tôn trọng sân chơi của chính họ, thì họ cũng không cần phải hiện diện ở đấy.

Cơ quan điều hành bóng đá Việt Nam cần nhìn vào thực tế đó, thay vì cố điều hành giải theo kiểu “ném chuột sợ vỡ bình”. Thậm chí, với riêng trường hợp của K.Kiên Giang năm ngoái, V.Ninh Bình và Hải Phòng năm nay, nếu quyết liệt ngay từ đầu, có khi giờ này chính BTC giải và VFF đỡ phải đau đầu lo giải quyết hậu quả mà họ gây ra.

Đã đến lúc V-League cần ít đội, nhưng thực sự chất lượng và chỉ những người thực sự tâm huyết với bóng đá Việt Nam nên ở lại với cuộc chơi. Chứ điều hành giải đấu có nhiều đội nhưng toàn dạng đội thích làm loạn thì càng dễ mất kiểm soát.

Bóng đá Nhật và bóng đá Hàn Quốc từng có thời điểm chấp nhận chỉ đá với 6 – 8 đội ở giải VĐQG, trong giai đoạn họ sơ khai làm bóng đá chuyên nghiệp. Những nền bóng đá ấy khắc phục chuyện ít đội bóng bằng cách cho các đội đá vòng tròn 4 lượt, để tăng số trận đấu, thay vì đá 2 lượt.

Thiết nghĩ, bóng đá Việt Nam hiện tại cũng không khác giai đoạn sơ khai của thời kỳ tiến lên chuyên nghiệp là mấy! Bóng đá Việt Nam hiện tại có lẽ cũng chỉ có chừng đó (thậm chí ít hơn) số CLB thực sự tâm huyết với bóng đá chuyên nghiệp, nên cũng đừng cố mở rộng số đội làm gì!

Trọng Vũ

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm