1. Dòng sự kiện:
  2. Giải chạy Unique Nha Trang H-Marathon 2024
  3. Vòng chung kết giải U23 châu Á 2024

V-League: Phạt nhiều nhưng cũng chẳng tốt lên bao nhiêu

(Dân trí) - Ban kỷ luật phạt nguội đội bóng, cầu thủ, còn Ban trọng tài thì treo còi, treo cờ các vua áo đen. Rất nhiều án phạt được đưa ra nhưng có một thực tế là bóng đá Việt Nam vẫn rất rối ren, chưa thể phát triển. Vậy lỗi do đâu?

Sau vòng 15 V-League 2016, Ban kỷ luật đã ra 3 quyết định kỷ luật dựa vào những báo cáo từ BTC. Trong đó, hành vi thô bạo của trung vệ Tuấn Tú trong trận Than Quảng Ninh 3-2 SHB Đà Nẵng. Cầu thủ Tuấn Tú bị đình chỉ thi đấu 3 trận tiếp theo đồng thời trung vệ này phải nộp phạt 15 triệu với hành vi vào bóng thô bạo, gây nguy hiểm cho đối phương. Cụ thể, cầu thủ này lao thẳng hai chân vào Văn Học và phải nhận 1 thẻ đỏ gián tiếp.

Ngoài ra, BTC sân Thanh Hóa bị cảnh cáo khi không đảm bảo công tác tổ chức, để khán giả ném vật lạ xuống sân và dùng lời lẽ xúc phạm trọng tài. Cũng tại trận đấu này, GĐKT Lê Thụy Hải của Thanh Hóa đã dùng nhiều từ ngữ không đúng mực để phản ứng với trọng tài. Nhà cầm quân gốc Hà Nội này cũng bị Ban kỷ luật phạt cấm ngồi trong khu vực kỹ thuật 2 trận liên tiếp và nộp phạt 5 triệu.


V-League 2016 đang tồn tại nhiều vấn đề - Ảnh: Gia Hưng

V-League 2016 đang tồn tại nhiều vấn đề - Ảnh: Gia Hưng

Trước đó, ở vòng 13 V-League, tiền vệ của B.Bình Dương Trọng Hoàng đã đạp thẳng vào chân của Thế Dương bên phía Thanh Hóa ở phút 89. Ngay sau đó, trọng tài Nguyễn Hiền Triết đã rút thẻ đỏ trực tiếp, truất quyền thi đấu của Trọng Hoàng.

Những án phạt vẫn được đưa ra sau mỗi vòng đấu, nhưng đó chỉ là cách giải quyết mang tính nhất thời, chỉ là phần nổi của tảng băng chìm. Sau án phạt, HLV Lê Thụy Hải cho rằng đội bóng Thanh Hóa của ông gần đây thường phải chịu những áp đặt và phủ nhận từ chính đội ngũ cầm cân nảy mực. Không phủ nhận mình đã có phản ứng thái quá, nhưng trong tình huống như vậy hầu hết các HLV đều không giữ được bình tĩnh. Đặc biệt, ông Hải đã rất bức xúc chỉ trích khâu điều hành của Ban trọng tài.

Vị GĐKT CLB Thanh Hóa đặt câu hỏi tại sao Trưởng ban Trọng tài Nguyễn Văn Mùi vừ làm Trưởng Ban trọng tài, vừa làm Phó BTC giải và giám sát trọng tài, như vậy chẳng khác nào “vừa đá bóng, vừa thổi còi”. Ngoài ra, vì sao Ban trọng tài lại phân công trọng tài chuyên thổi Futsal đi bắt giải V-League?

“Trọng tài thổi như thế mà các anh bảo bình thường. Trọng tài làm sai lệch kết quả trận đấu, sai lệch thứ hạng mà được cho là bình thường…”, ông Hải bức xúc.

Vụ việc mới đây VPF đã cung cấp băng hình chứng minh việc CLB Hải Phòng tố cáo trọng tài Trần Xuân Nguyện xử ép họ trong bàn thua ở trận gặp HA Gia Lai là không chính xác, cũng cho thấy có nhiều vấn đề đáng nói. Trong quá khứ, cụ thể là ở mùa giải 2013, cựu Trưởng BTC giải là ông Trần Duy Ly từng bị kỷ luật khi công bố băng ghi hình kỹ thuật. Như vậy, khi VPF công bố băng kỹ thuật trận HA Gia Lai-Hải Phòng là sai nguyên tắc. Hơn nữa, chính việc công bố băng ghi hình này càng bộc lộ độ vênh với Ban trọng tài – những người cần được bảo vệ theo luật của FIFA.

Một trọng tài (xin được giấu tên) chia sẻ, chuyện công khai băng kỹ thuật là không cần thiết. Các đội bóng có quyền nói gì thì nói nhưng những người tổ chức cần phải có lập trường. Hơn nữa, sai sót của trọng tài là khó tránh khỏi, việc VPF công khai băng hình kỹ thuật có lẽ chỉ là chiều theo dư luận.

Quả thực việc trọng tài đúng, sai vốn rất bình thường trong bóng đá, nhưng đằng sau câu chuyện này là những vấn đề khiến nhiều người đặt dấu hỏi về độ “vênh” giữa VPF và Ban trọng tài.

Mùa giải 2016, những sự thay đổi ở VPF hóa ra cũng chỉ là "bình mới, rượu cũ" mà thôi, nếu như chẳng muốn nói tệ hơn đi nhiều.

Việc ông trưởng Ban Trọng tài tham gia với vai trò phó ban tổ chức là điều không quốc gia nào thực hiện vì nó đi ngược với công tác điều hành trọng tài cần độc lập. Nhưng cũng có một thực tế nhiều đội bóng đã phản ứng thái quá, gây sức ép với đội ngũ cầm còi, cầm cờ.

Mạnh Huy