1. Dòng sự kiện:
  2. AFF Cup 2024

V-League lại làm khổ đội tuyển Việt Nam

(Dân trí) - Nếu chỉ nhìn vào hàng loạt cơn mưa bàn thắng trong suốt lượt về V-League, nhiều người có thể lầm tưởng rằng bóng đá Việt Nam hiện có nhiều tiền đạo giỏi. Tuy nhiên, không những tiền đạo giỏi khan hiếm mà sự dễ dãi của các trận đấu có nhiều bàn thắng còn làm hại các hậu vệ.

Tiếp sau câu chuyện khan hiếm trung phong, đội tuyển quốc gia lại đối diện với bài toán thiếu trung vệ giỏi. Trong số những trung vệ đang tập trung hiện nay, cả Tiến Thành, Thanh Hào, Tiến Dũng không ai được đánh giá cao về mặt đẳng cấp.

Cầu thủ Việt kiều Đặng Văn Robert được bổ sung, nhưng ngay cả Robert cũng không sở trường đá trung vệ. Đấy đơn thuần là giải pháp tình thế, hơn là việc HLV Miura đang dư thừa tài năng đến mức mất người này thì thay bằng người khác một cách không đắn đo.

Có một vấn đề không thể không nhắc đến là lượt về của V-League, đặc biệt là các vòng đấu cuối có rất nhiều cơn mưa bàn thắng. Nhưng những cơn mưa bàn thắng đấy không hề chứng minh rằng bóng đá Việt Nam đang sở hữu nhiều tiền đạo tốt, minh chứng ở chỗ đội tuyển vẫn khan hiếm trung phong giỏi.

 

Đội tuyển hiện thiếu cả trung phong lẫn trung vệ giỏi, là hậu vệ của giải quốc nội yếu kém (ảnh: Gia Hưng)
Đội tuyển hiện thiếu cả trung phong lẫn trung vệ giỏi, là hậu vệ của giải quốc nội yếu kém (ảnh: Gia Hưng)

 

Ngược lại, những cơn mưa bàn thắng vừa nêu lại cho thấy rằng chất lượng các hậu vệ của chúng ta hiện cũng có vấn đề. V-League 2015 kết thúc với 6/14 đội bóng để lọt lưới hơn 40 bàn sau 26 vòng đấu. Thậm chí, có đến 4 đội để lọt lướt hơn 52 bàn/mùa, tức là trung bình mỗi trận để thủng lưới đến xấp xỉ hoặc hơn 2 bàn.

Để thủng lưới nhiều chứng tỏ chất lượng phòng ngự kém, có nhiều cơn mưa bàn thắng được tạo ra, nhưng không xuất phát từ thực tế là do tiền đạo giỏi, cũng có nghĩa là hậu vệ kém. Tai hại hơn nữa, những cơn mưa bàn thắng đấy chủ yếu còn đến từ tâm lý dễ dãi của giai đoạn cuối V-League.

Ví dụ như 2 đội từng chơi rất tốt ở lượt đi, nhưng đến lượt về lại liên tục thua là ĐT Long An và SL Nghệ An. Đơn cử có trận Gạch thua đến 7 bàn trên sân Chi Lăng trước SHB Đà Nẵng ở vòng 21, hay trận họ để Đồng Nai chọc thủng lưới đến 4 bàn ở vòng 24, cho dù cả SHB Đà Nẵng và Đồng Nai lúc này đều không mạnh trong khâu tấn công, không có tiền đạo thực sự đẳng cấp. Điều đó cho thấy, có rất nhiều trận thua của họ xuất phát từ yếu tố tâm lý, chứ không phải thua vì chuyên môn.

Sự dễ dãi ở một loạt trận đấu vào giai đoạn cuối mùa tại V-League đã làm hại đến tâm lý của các cầu thủ. Các hậu vệ nội vốn đã không được đánh giá cao về mặt kỹ thuật, lại phải thi đấu quá nhiều trận thiếu sự quyết tâm, thiếu tính cạnh tranh thì làm sao tiến bộ về mặt bản lĩnh, tăng tính cọ xát và tìm thấy ổn định về mặt tâm lý?

Một lần nữa đội tuyển tiếp tục phản ánh thực trạng buồn của giải quốc nội. Đừng thờ ơ với những trận đấu nặng bóng ân tình ở phần cuối V-League, như chủ tịch Trần Mạnh Hùng của Hải Phòng đã “tố” trong lễ tổng kết mùa giải, hoặc lãnh đạo SL Nghệ An từng vô tình thốt lên thế sau trận thua HA Gia Lai (họ lý giải các cầu thủ thiếu sinh khí vì “thương người”). Bởi, những trận đấu kiểu đấy, tính chất giải quốc nội thiếu cạnh tranh kiểu đấy đang trực tiếp được phản ánh thông qua bộ mặt của cả nền bóng đá là đội tuyển quốc gia.

Cũng đừng thờ ơ với tính cạnh tranh thấp tại V-League, vì một giải đấu kém chất lượng, ít tính cạnh tranh thì làm sao sản sinh ra nổi những cầu thủ có chất lượng và có bản lĩnh cao?!

Trọng Vũ

 

V-League lại làm khổ đội tuyển Việt Nam - 2