V-League giai đoạn cuối mùa: Bạo lực và những trận đấu lạ
(Dân trí) - Về cuối mùa thì V-League lại nổi lên nhiều hiện tượng khiến nhà tổ chức phải lo: Bạo lực có, hình ảnh xấu xí cũng có và một vài trận đấu bị đặt dấu hỏi về tính trung thực.
Còn một chữ “ngờ”
Mới đây trưởng BTC giải V-League Nguyễn Minh Ngọc đã lên tiếng thể hiện quan điểm rằng không có dấu hiệu tiêu cực trong trận đấu giữa Đồng Nai và Thanh Hóa. Trận đấu mà đội bóng miền Đông Nam bộ bất ngờ đánh bại đội bóng xứ Thanh với tỷ số đậm.
Người ta cứ thắc mắc về trận đấu ấy chủ yếu ở chỗ Thanh Hóa đang tranh ngôi vô địch, nói dễ hiểu họ là đội mạnh, trong khi Đồng Nai đang chống rớt hạng, nói nôm na là đội yếu. Thành ra, chuyện đội yếu thắng đội mạnh khiến nhiều người sửng sốt cũng là bình thường.
Cách Đồng Nai thắng Thanh Hóa cũng giống hệt cách HA Gia Lai vượt qua B.Bình Dương ở vòng 17, hoặc Cần Thơ thắng Hải Phòng ở vòng 18. Đấy đều là các trận đấu mà cho đến giờ phần đông người hâm mộ không lý giải được vì sao các đội bóng mạnh hơn lại đá rất dở, rồi thua những đội bóng yếu hơn hẳn mình?
Đấy cũng là vấn đề chung của V-League qua nhiều mùa bóng: Vấn đề đấy nằm ở chỗ những đội nằm ở nhóm an toàn rất hay thua những trận thua lạ trước các đội bóng kém an toàn. Chẳng có gì chứng minh cụ thể chuyện có hay không có tiêu cực ở đây, chí ít là cho đến lúc này, nhưng bảo người ta tin thì khó tin lắm.
Như khán giả Hải Phòng không tin đội bóng đất Cảng có thể thua dễ đội bóng đất Tây Đô, hoặc người hâm mộ cả nước làm sao tin nổi HA Gia Lai vốn không biết thắng ai suốt trên dưới chục trận đấu gần đây lại thắng nổi đội mạnh nhất giải là B.Bình Dương?
Giải quyết tận gốc và giải quyết triệt để những nghi ngờ cho người xem chắc chắn không phải là chuyện ngày một ngày hai, nhưng việc có thể làm ngay đó là tăng tính cạnh tranh của giải đấu, qua đó giảm số trận đấu mà nhiều đội thi dấu dưới sức.
Ví dụ nếu Thanh Hóa thực sự quyết liệt trong việc cạnh tranh ngôi vô địch, hoặc nói cách khác là ngôi vô địch V-Leadue đủ sức hấp dẫn khiến Thanh Hóa buộc phải cạnh tranh tới cùng, liệu đội bóng xứ Thanh có thiếu tập trung đến mức để thua sớm và để mất người từ sớm trước Đồng Nai hay không?
Tương tự như vậy, nếu V-League giàu tính cạnh tranh hơn, liệu B.Bình Dương có cho phép mình sẩy chân vài trận, trong đó có trận thua đội bóng yếu nhất giải HA Gia Lai, rồi mới chịu tăng tốc hay không? Chứ như bây giờ, nhà đương kim vô địch tha hồ ung dung nhưng vẫn tha hồ dẫn đầu, vì có ai tranh với họ đâu!
Bạo lực tái hiện
Nhưng có điều lạ là ngay cả khi V-League không giàu tính cạnh tranh thì bạo lực vẫn tái hiện ở mức độ cao, như thể đấy là thói quen đã thấm vào máu một bộ phận người tham gia sân chơi này.
Lạ hơn nữa, trận đấu đáng báo động nhất về mặt bạo lực lại là trận đấu giữa 2 đội trên thực tế chẳng còn chút động lực cụ thể nào trong mùa giải năm nay, đấy là Than Quảng Ninh và Hải Phòng.
Công bằng mà nói, suốt từ đầu giải đến nay, các cầu thủ, các đội bóng V-League đã ít thực hiện các hành vi xấu xí bên trong lẫn bên ngoài sân cỏ, so với mùa bóng năm rồi. Nhưng ít hơn không có nghĩa là bạo lực đã được giải quyết triệt để, mà hành vi của cầu thủ đôi bên trong trận Than Quảng Ninh – Hải Phòng ở vòng 21 phản ánh điều đó: Có cầu thủ vị bị chơi xấu mà phải lên thẳng xe cứu thương để vào bệnh viện, và cũng đã có cầu thủ bị treo giò đến hết giải vì đá xấu.
Rồi vì sao tình trạng đốt pháo sáng trên các khán đài xảy ra từ mùa này đến mùa khác nhưng vẫn không được giải quyết triệt để?
Đừng cho rằng đấy là chuyện nhỏ, vì chất lượng của giải đấu, sự an toàn của giải đấu đều nằm ở chỗ BTC giải sẽ giải quyết những chuyện đấy như thế nào. Và dù chuyện ở mức nào đi chăng nữa, nếu không được giải quyết tốt, đều có khả năng diễn biến ở mức xấu hơn, nguy hiểm hơn.
Cũng không thể gọi V-League là giải đấu tốt một khi tính cạnh tranh của nó không cao, hình ảnh xấu xí từ sân bóng đến các khán đài vẫn còn xuất hiện. Đấy đều là những chi tiết mà những nhà tổ chức giải cần phải lưu tâm!
Kim Điền