1. Dòng sự kiện:
  2. AFF Cup 2024

V-League chất lượng thấp khiến cầu thủ Việt Nam kém về bản lĩnh?

(Dân trí) - VFF cho rằng một phần nguyên nhân khiến U22 Việt Nam thất bại là tâm lý kém, tức bản lĩnh không cao. Mà bản lĩnh đến từ đâu? Có phải đến từ chất lượng các giải quốc nội hay không lại không được bàn tiếp? Mà nếu nói đến giải quốc nội thì đấy không phải là lỗi của HLV Nguyễn Hữu Thắng rồi!

Vấn đề tâm lý, vấn đề bản lĩnh cũng không riêng gì ở đội U22. Thất bại của đội tuyển U18 Việt Nam trước Myanmar cũng là thất bại phản ánh tâm lý kém, bản lĩnh kém của các cầu thủ.

Cựu HLV Đoàn Minh Xương chia sẻ: “Bản lĩnh yếu khiến cho các cầu thủ không chịu nổi sức ép mà Myanmar tạo ra trong những phút cuối”.

“Hệ thống thi đấu các giải quốc nội không tốt là nguyên nhân khiến cho bản lĩnh của các cầu thủ không cao” – Ông Đoàn Minh Xương chia sẻ thêm.

Một trong những nguyên nhân khiến bóng đá Việt Nam liên tiếp thất bại là do bản lĩnh kém, nhưng bản lĩnh của các cầu thủ không phải là lỗi của HLV Nguyễn Hữu Thắng
Một trong những nguyên nhân khiến bóng đá Việt Nam liên tiếp thất bại là do bản lĩnh kém, nhưng bản lĩnh của các cầu thủ không phải là lỗi của HLV Nguyễn Hữu Thắng

Vậy thì nếu bàn đến vấn để tâm lý, vấn đề bản lĩnh của các cầu thủ, bàn đến hệ thống các giải đấu trong nước thì đấy đâu phải là lỗi của HLV Nguyễn Hữu Thắng. Nên ông Thắng không đáng bị quy toàn bộ trách nhiệm trong thất bại của đội tuyển U22 Việt Nam ở SEA Games vừa rồi.

Thành ra, khi chỉ ra những nguyên nhân dẫn đấn thất bại của đội tuyển U22 Việt Nam, những người sử dụng HLV Nguyễn Hữu Thắng chỉ nói một phần, nói giữa chừng rồi thôi, chứ không làm rõ gốc rễ của vấn đề.

Người ta không nói rõ tại sao hệ thống thi đấu các giải quốc nội, cụ thể là 2 giải chuyên nghiệp là V-League và hạng Nhất lại có chuyện ngược đời, rằng số đội hạng trên (V-League, 14 đội) lại nhiều gấp đôi số lượng đội hạng dưới (hạng Nhất – 7 đội). Chưa kể hiện tượng “một ông chủ - nhiều đội bóng” cũng không giống ai.

Thực tế ngược đời đấy dẫn đến việc V-League chỉ có 1 suất rớt hạng, tức tỷ lệ chỉ là 7%/đội, vậy thì tính cạnh tranh ở đâu? Bản lĩnh cho các cầu thủ sẽ được trui rèn như thế nào từ môi trường có tính cạnh tranh thấp như vậy? Trong khi cầu thủ U22 Việt Nam đều từ V-League mà lên đội tuyển.

Mà việc định hướng cho V-League, định hướng cho hệ thống các giải quốc nội đâu phải phần việc của HLV Nguyễn Hữu Thắng. Tại sao VFF khi “mổ xẻ” thất bại của đội tuyển Việt Nam lại… “sót” phần này, tại sao chỉ nói tâm lý kém một cách chung chung rồi thôi, không nói đến cùng nguyên nhân dẫn đến tâm lý kém?

Như chúng tôi từng đề cập, chẳng có nền bóng đá tiến bộ nào trên thế giới có thể có sự ổn định một khi hệ thống các giải trong nước thiếu ổn định, thiếu tính cạnh tranh.

Không nói đâu xa, trước khi cải tổ đội tuyển quốc gia sau thất bại đau đớn trước chính Việt Nam tại AFF Cup 2008, việc mà bóng đá Thái Lan làm đầu tiên là hoạch định lại hệ thống các giải đấu trong nước, thay đổi triệt để giải Thai-League và hệ thống các giải đấu vệ tinh của Thai-League, từ đó mới có đội tuyển Thái Lan đang ngấp nghé gia nhập trình độ châu Á mà chúng ta hiện đang thấy.

Thành ra, chuyện “mổ xẻ” nguyên nhân thất bại của đội tuyển U22 Việt Nam mà chỉ nói đến lỗi của HLV Nguyễn Hữu Thắng là không công bằng và chưa đầy đủ.

Mổ xẻ nguyên nhân thất bại của đội tuyển U22 quốc gia mà “sót” vấn đề của hệ thống các giải đấu trong nước thì càng không thể giải quyết tận gốc rễ yếu kém. Hệ thống giải quốc nội chính là phần nền tảng của mọi nền bóng đá trên thế giới, nên phải tiếp tục làm rõ chúng ta đang định hướng phần nền tảng là các giải quốc nội đi theo hướng nào?

Trọng Vũ

V-League chất lượng thấp khiến cầu thủ Việt Nam kém về bản lĩnh? - 2