V-League 2019 khép lại và câu chuyện của các "ông bầu" bóng đá
(Dân trí) - CLB Hà Nội lần thứ 5 vô địch, nhưng đội bóng của bầu Hiển càng thành công, tính cạnh tranh của V-League càng có xu hướng giảm đi. Không còn nhiều ông bầu bóng đá bây giờ muốn cạnh tranh với nhóm các đội bóng của bầu Hiển nữa, thậm chí, nhiều người còn không muốn trở thành… “bầu bóng đá”.
Câu chuyện “5 đánh 1”
Cách nay vài tháng, khi CLB TPHCM còn đang dẫn đầu giải V-League, bầu Đức của HA Gia Lai bất ngờ tuyên bố đội bóng thành phố nếu vô địch, thì mất gì ông Đức cũng chịu mất. Theo bầu Đức, CLB TPHCM không thể vô địch vì “1 không thể thắng nổi 5”.
Làng cầu nội khi đó hiểu rằng bầu Đức ngầm ám chỉ bầu Hiển chi phối đến quá nhiều đội bóng cùng thi đấu tại V-League, và các đội muốn cạnh tranh ngôi vô địch với nhóm các đội chịu ảnh hưởng của bầu Hiển, dễ dính “đòn hội đồng”.
Có thể ông Đức chưa chính xác về mặt số lượng khi nói “5 đánh 1”, nhưng về mặt tính chất, chuyện bầu Hiển chi phối đến ít nhất 4 CLB tại V-League, gồm CLB Hà Nội, Sài Gòn FC, SHB Đà Nẵng và CLB Quảng Nam, không phải là chuyện vốn trước nay chỉ có mỗi mình bầu Đức lên tiếng.
Từ trước khi mùa giải 2019 khởi tranh, ông bầu Nguyễn Văn Quyết cũng rút doanh nghiệp FLC của mình khỏi bóng đá Thanh Hoá, với tuyên bố có vẻ đầy hờn trách, rằng FLC có đầu tư bao nhiêu vào bóng đá đi chăng nữa cũng không thể bước lên ngôi cao nhất.
Người hiểu bóng đá Việt Nam cũng hiểu rằng ông Quyết khi đó ngầm ám chỉ việc đội bóng xứ Thanh dù liên tiếp muốn ngoi lên vị trí cao nhất tại V-League, nhưng toàn thua nhóm các đội của bầu Hiển ở đích đến cuối cùng.
Quay ngược thời gian cách nay 7 năm, bầu Thuỵ của XM Xuân Thành Sài Gòn cũng ấm ức chuyện không thể lên ngôi vô địch, khi 2 đội bóng của bầu Hiển khi đó là Hà Nội T&T (nay là CLB Hà Nội) và SHB Đà Nẵng “song kiếm hợp bích” hất cẳng XM Xuân Thành Sài Gòn của bầu Thuỵ khỏi ngôi vương.
Ngày ấy, bầu Hiển chỉ chi phối có 2 đội ở V-League, 7 năm sau, số đội chịu sự ảnh hưởng của bầu Hiển lên đến con số 4, dễ hiểu các đối thủ khác càng thêm khó khăn bao nhiêu nếu muốn tranh ngôi vô địch với nhóm các đội của bầu Hiển.
Thành ra, càng về các mùa giải sau này, số lượng các đội, nay nói khác đi là số lượng các ông bầu muốn nhắm đến ngôi vô địch V-League càng ít dần. Phần không nhỏ các ông bầu khác, chọn cách đoạn tuyệt với bóng đá đỉnh cao, thay vì lao vào cuộc đua mà họ biết chắc rằng họ chẳng bao giờ đến được cái đích cuối cùng.
Cũng thành ra, trong bối cảnh đấy, phải cảm ơn CLB TPHCM “dám” chạy đua với CLB Hà Nội của bầu Hiển trên đường đua đến ngôi vương ở mùa giải năm nay. Không có sự hiện diện của đội bóng thành phố trên đường đua ấy, nhóm đầu V-League chẳng rõ sẽ buồn đến mức nào?
Và câu hỏi về tính cạnh tranh?
Một khi không còn nhiều ông bầu bóng đá thực thụ tâm huyết với cuộc chơi, khát khao với ngôi vô địch, nhóm các đội ngay phía CLB Hà Nội và CLB TPHCM ở mùa giải năm nay, cứ nhàn nhạt là điều không hề khó hiểu.
Nếu chỉ đá để trụ hạng, thì việc trụ lại V-League không khó. HA Gia Lai hầu như không có sự ổn định ở mùa giải 2019, cuối cùng vẫn về đích ở vị trí thứ 8. Viettel cũng vậy, và Viettel về đích ở vị trí thứ 6, tức là nằm hẳn ở nửa trên của bảng xếp hạng.
Thanh Hoá hầu như thua suốt chiều dài của cả lượt về, chỉ có đôi chút cố gắng ở vòng đấu cuối cùng, gặp B.Bình Dương trên sân Bình Dương, thế mà Thanh Hoá vẫn đủ điểm để thoát suất rớt hạng thẳng, chỉ phải đá trận play-off mà bước đầu có thể nhận định đội đang chơi tại V-League mạnh hơn hẳn đội đang thi đấu ở giải hạng dưới (Phố Hiến).
14 đội V-League nhưng chỉ có 1,5 suất rớt hạng, tức là xác suất rớt hạng chỉ hơn 10% một chút, trong khi khả năng trụ hạng lên đến gần 90%. Thành ra, trừ trường hợp đội bóng đấy, hoặc doanh nghiệp bảo trợ cho đội bóng đấy không cần quá thiết tha trụ lại V-League, như trường hợp của Khánh Hoà (càng trụ lâu tại V-League càng tốn kinh phí, trong khi nếu chỉ để phát triển nguồn cầu thỷ trẻ thì đá ở giải hạng Nhất cũng có thể phát triển được), thì mới chịu cảnh rớt hạng.
Trụ hạng thì không quá phức tạp, trong khi việc cạnh tranh thành tích lại không quá hấp dẫn với các đội, dẫn đến nhóm ngay phía dưới đội vô địch (CLB Hà Nội) và đội tranh ngôi vô địch (TPHCM), cũng như ngay phía trên đội phải rớt hạng (Khánh Hoà) cứ nhàn nhạt, cứ trồi trồi sụt suốt cả mùa bóng.
Khánh Hoà là đội duy nhất rớt hạng, vì dường như họ cũng chẳng muốn... trụ hạng, vì trụ lại V-League đồng nghĩa với tốn kém (ảnh: Trọng Vũ)
Mà việc cạnh tranh thành tích hấp dẫn sao nổi khi vô địch thì không thể rồi (nguyên nhân đã phân tích ở trên), trong khi tiền thưởng cho các thứ hạng quá thấp.
Chẳng rõ VPF nhận bao nhiêu tiền từ nhà tài trợ, cũng như kiếm được bao nhiêu tiền cho toàn bộ hoạt động của giải V-League trong suốt 1 mùa giải? - Nhưng họ chỉ thưởng cho 3 thứ hạng đầu lần lượt là 3 tỷ, 1 tỷ rưỡi và 750 triệu đồng.
Con số đấy quá thấp so với phần chi phí khổng lồ mà từng CLB phải bỏ ra để duy trì hoạt động hàng năm, càng chẳng thấm tháp vào đâu nếu so với trên 30 tỷ đồng (khoảng 1,5 triệu USD) mà 1 CLB sẽ có được nếu đi đến cùng tại AFC Cup, trong khi để vô địch AFC Cup, một đội bóng Việt Nam phải 15 trận, còn con số này tại V-League là 26 trận. Có nghĩa là số trận thì gần gấp đôi, trong khi số tiền thưởng chỉ chưa đến… 1/10.
Không quá lo đến chuyện trụ hạng, cũng không mấy thiết tha với việc cạnh tranh thứ hạng, vì tiền thưởng thấp (Triết học có câu “vật chất quyết định ý thức” mà!), nhóm giữa V-League nhạt nhoà trong cả mùa giải cũng là điều tất yếu!
Kim Điền