1. Dòng sự kiện:
  2. AFF Cup 2024

V-League 2014: Đâu nhất thiết phải đi đông về đủ

(Dân trí) - Bóng đá Việt Nam đang thịnh hành mốt đòi bỏ giải. Với những người đang điều hành nến bóng đá nội và với cả những người đang quản lý ngành TDTT ở địa phương, cách tốt nhất để quản lý tình tình trạng này là phải siết, siết thật chặt các quy định…

Bỏ giải đang trở thành mốt?

Để chống lại chuyện cầu thủ tiêu cực, cụ thể là bán độ, V.Ninh Bình chọn cách bỏ giải. Để phản đối quyết định có trận đá play-off, cách dời thời hạn chuyển nhượng và để phản đối trọng tài, HV.An Giang cũng đòi bỏ giải.

Để phản đối chuyện tiền chậm vào tài khoản, phản đối chuyện chia thưởng của CLB, cầu thủ Than Quảng Ninh đình công không tập, suýt chút nữa bỏ luôn trận đấu với Thanh Hóa ở vòng 14 V-League.

Trong bóng đá Việt Nam bây giờ, người ta không xem tổ chức ra gì, người ta sẵn sàng “nắn gân” nhau bằng những trò dọa dẫm như trẻ con.

V-League có đông đội tham dự, với một số đội hành xử như con nít chẳng khác nào quả bom nổ chậm
V-League có đông đội tham dự, với một số đội hành xử như con nít chẳng khác nào quả bom nổ chậm

Thời bóng đá bao cấp, các đội khó, cầu thủ khổ, nhưng người ta không bao giờ phản ứng cuộc chơi bằng cách đòi bỏ cuộc chơi như bây giờ. Đến thời bóng đá doanh nghiệp, từ khi các đội giàu lên, đời sống được cải thiện, cũng là lúc nhiều đội, nhiều ông bầu và cả những người làm thuê nữa hành xử cứ như thể đã có tiền thì muốn làm gì thì làm!

Nhiều người nhảy vào bóng đá, bỏ ít tiền để làm chủ các đội bóng nhưng lại làm méo mó luôn hình ảnh của bóng đá, trước khi góp phần làm hư những người đang hoạt động trong ngôi nhà chung của bóng đá nội.

Đây cũng có lẽ là lúc mà các địa phương, hay chí ít là những người lãnh đạo ngành TDTT địa phương cần siết chặt các quy định đầu tư vào đội bóng. Không thể có chuyện nhiều ông bầu chỉ góp vốn bằng… miệng (vì họ đâu có giải ngân tiền tài trợ cho đội bóng), nhưng khi xảy ra chuyện thì họ cứ như thể là chủ sở hữu duy nhất của đội bóng vậy. Cũng không nên để cho tình trạng các ông bầu dễ dàng qua mặt địa phương khi có chuyện được.

Sự xuất hiện của các ông bầu dạng này chưa chắc giúp cho bóng đá của từng địa phương tốt hơn, chưa chắc đã giúp cho đời sống của đội ngũ cầu thủ và HLV ở địa phương khá hơn, nhưng lại có nguy cơ làm gia tăng các khoản nợ của đội bóng, vì những lời hứa suông của chính các ông bầu, và nguy cơ lớn hơn nữa ở chỗ họ đang góp phần làm méo mó hình ảnh của bóng đá, méo mó niềm tự hào và truyền thống bóng đá ở một số nơi.

Quan trọng là chất lượng chứ không phải số lượng

Ở Nhật hay Hàn Quốc, từng có thời kỳ, giải VĐQG của các nước này chỉ có 6 – 8 đội tham dự. Nhưng đấy là những đội có chất lượng thực sự, đảm bảo có thể sống thọ qua nhiều mùa bóng, nhờ năng lực tài chính, nhờ cách điều hành quy củ, và nhờ gắn kết với địa phương, có nguồn CĐV ổn định.

Đấy là giai đoạn mà bóng đá Nhật và Hàn Quốc mối chập chững làm chuyên nghiệp, nhưng họ quyết không chạy theo số lượng.

Thiết nghĩ giải V-League và bóng đá Việt Nam hiện giờ có lẽ không khác tình trạng của bóng đá Nhật Bản hay Hàn Quốc những ngày mới bắt đầu làm chuyên nghiệp. Thế nên cũng không thể nói chuyện giải VĐQG có ít đội thi đấu là điều chưa có tiền lệ.

Thà ít đội mà có chất lượng còn hơn có quá nhiều đội, trong khi thấy rõ là lắm đội chưa đủ tiêu chuẩn để tồn tại ở sân chơi chuyên nghiệp.

Buộc các đội bóng phải ký quỹ trước khi bước vào giải đấu là một biện pháp nhằm thăm dò tài chính của các đội bóng. Biện pháp khác là sẵn sàng nói không với những đội có ý định bỏ cuộc chơi, đứng ra ngoài hàng ngũ của bóng đá Việt Nam.

V-League với 13 – 14 đội dự tranh, nhưng toàn đội nghiệp dư và nhất là không đảm bảo về mặt tài chính khác nào là quả bom nổ chậm, nơi mà đội này đội kia sẵn sàng tháo ngòi nổ, đòi bỏ giải bất cứ lúc nào.

Có lẽ cũng đã đến lúc tính đến phương án không cần những đội bóng và những dạng ông bầu như thế nữa. Phải siết chặt các quy định lên xuống - hạng.

V-League khi bắt đầu mỗi mùa bóng không cần phải đông. Riêng ở mùa giải này, nếu số đội về đích không đủ với số lượng đội đã xuất phát thì cũng đừng xem đấy là thảm họa. Đơn giản nếu ai không còn muốn đừng trong hàng ngũ của bóng đá Việt Nam thì xin mời đứng sang một bên. Chứ đứng chung hàng ngũ mà cứ chực chờ làm loạn thì càng nguy hiểm hơn!

Kim Điền