U23 Việt Nam và tấm vé lịch sử tại VCK U23 châu Á
(Dân trí) - U23 Macau quá yếu để nói đoàn quân của HLV Miura đá hay hoặc không hay trong trận đấu cuối cùng. Nhưng điều đó cũng không quan trọng. Chỉ đơn giản là chúng ta đã hoàn thành nhiệm vụ, thắng đậm đúng yêu cầu và giành vé vào VCK Olympic châu Á.
Vé đã nằm trong tay
Cho đến sau loạt trận chiều và tối 31/3, U23 Việt Nam từ chỗ đứng cuối trong số các đội nhì bảng vòng loại, giờ đã vươn lên vị trí thứ 3 trong số các đội đứng nhì. Vẫn còn 2 bảng nữa chưa kết thúc. Nhưng với vị trí hiện tại, đội bóng của HLV Miura đã chắc chắn nằm trong nhóm 5 đội nhì bảng có thành tích tốt nhất vòng loại, đồng thời đã có vé vào VCK Olympic châu lục.
Nhiệm vụ của U23 Việt Nam cho đến thời điểm này đã hoàn thành, HLV Miura cũng thành công trong việc áp dụng những lối chơi khác nhau trước những đối thủ khác nhau, và giúp các cầu thủ của ông đạt được kết quả ưng ý trong từng trận đấu.
Trước U23 Macau, đội bóng của HLV Miura một lần nữa lại chơi với một sơ đồ khác và một lối chơi khác, giàu sức tấn công hơn hẳn. Lối chơi tấn công ấy không đơn thuần là việc sắp 3 tiền đạo xuất quân ngay từ đầu, không đơn thuần là sơ đồ chỉ gồm 3 hậu vệ, mà còn nằm ở chỗ U23 Việt Nam đã tạo ra áp lực lớn đến mức đối phương hầu như không có pha phản công nào trong suốt trận, và dường như họ cũng không có bất cứ cú sút đúng hướng nào suốt 90 phút.
Thành ra, luôn có cảm giác yên tâm với lối chơi của U23 Việt Nam, vì cơ bản, trước khi tấn công, đội bóng của HLV Miura đã biết cách khiến đối phương không thể nào giữ được bóng mà gây bất ngờ.
Ngọc Thắng (18) là phát hiện mới đáng chú ý của U23 Việt Nam (ảnh: Gia Hưng)
Như đã nói ở trên, U23 Macau quá yếu để kiểm chứng U23 Việt Nam hay hoặc dở, nhưng có điều không thể không hài lòng là đội bóng mà HLV Miura đang xây dựng không phụ thuộc vào bất cứ cá nhân nào.
Thực tế là U23 Việt Nam không sử dụng đến 2 tiền vệ được xem là sang tạo nhất và giỏi gây đột biến nhất của đội vào lúc này là Tuấn Anh và Huy Toàn, vì những lý do khác nhau. Nhưng không có 2 cầu thủ đấy, vẫn không hề có cảm giác đội bóng của HLV Miura yếu đi.
Có thêm nhiều phát hiện mới
Người ta đã nói khá nhiều về sự lột xác của Công Phượng dưới trướng HLV Miura, về sự cứng cáp của Văn Toàn khi được “thọ giáo” vị HLV người Nhật. Tuy nhiên, để nói về những phát hiện đáng chú ý tại giải năm nay, đấy là những cái tên như Mạnh Hùng, Tấn Tài hay Ngọc Thắng.
Giống như Ngọc Hải của AFF Cup 2014, Mạnh Hùng ở vòng loại U23 Việt Nam đã chơi rất hay ở vị trí khá mới với anh, được phát hiện bởi khả năng nhìn người của HLV Miura. Trong trận đấu với U23 Malaysia, Mạnh Hùng đá vị trí hậu vệ trái và điều quan trọng là cầu thủ này không cho đối thủ cơ hội gây nguy hiểm cho khung thành của U23 Việt Nam từ cánh của mình.
Rồi lúc được bố trí đá trung vệ thòng trong các trận đấu với Nhật Bản và Macau, Mạnh Hùng cũng chơi tốt, không chỉ trong vai trò bọc lót cho tuyến dưới, mà còn hữu hiệu trong các pha hỗ trợ tấn công.
Với Ngọc Thắng và Tấn Tài, họ vốn vô danh hoàn toàn cho đến trước khi được HLV Miura phát hiện ra họ, nhưng đấy là 2 trong những những cầu thủ đá tốt nhất, chững chạc nhất của U23 Việt Nam tại vòng loại Olympic châu Á lần này.
Tấn Tài đá tốt đến mức mà HLV Miura sẵn sàng xếp cầu thủ đang nổi đình nổi đám Văn Sơn của HA Gia Lai trên băng ghế dự bị, vì rõ ràng so với Văn Sơn, Tấn Tài phòng ngự tốt hơn, tranh chấp tốt hơn, lại không kém ở khả năng hỗ trợ tấn công (suýt ghi bàn vào lưới Nhật và Macau).
Còn với Ngọc Thắng, anh làm cho người ta nhớ lại Lê Văn Thắng của U23 Việt Nam các năm trước: Mạnh mẽ, chọn vị trí tốt, có duyên ghi bàn, thể lực dẻo dai. Hay còn có thể so sánh theo một cách khác, Ngọc Thắng chính là một Huy Toàn mới bên phía cánh phải, cánh đối diện của chính Huy Toàn.
Không chỉ hoàn thành nhiệm vụ trong việc đưa đội tuyển U23 Việt Nam đường hoàng đến VCK châu lục, mà HLV Miura còn hoàn thành nhiệm vụ trong công tác giới thiệu tiếp một thế hệ cầu thủ có triển vọng khác cho bóng đá Việt Nam, mà trước ông nhiều người nhìn không ra!
Trọng Vũ