U23 Việt Nam: Không gây thất vọng, nhưng khó nói thành công

(Dân trí) - Tấm HCĐ của U23 Việt Nam tại SEA Games 28 không đến nỗi là thành tích quá thất vọng với đội bóng trong tay HLV Miura. Tuy nhiên, nói đấy là thành công thì có khi cũng chưa đúng.

Hơn thành tích các kỳ SEA Games gần nhất

So với thành tích trong môn bóng đá nam ở 2 kỳ SEA Games gần nhất vào các năm 2011 và 2013, U23 Việt Nam vừa dự SEA Games 2015 có thành tích tốt hơn. Năm 2011 ở Indonesia, chúng ta thua trong trận tranh HCĐ. Còn sau đó 2 năm trên đất Myanmar, chúng ta thậm chí bị loại ngay vòng bảng.

Thành ra, so với những kỳ SEA Games ấy, đội tuyển U23 Việt Nam của HLV Miura trên đất Singapore làm được nhiều việc hơn, chí ít là không đến nỗi cúi gầm mặt rời cuộc chơi sau giải đấu.

Cũng ở SEA Games lần này, chúng ta đã giới thiệu một thế hệ cầu thủ đầy triển vọng, đủ sức trở thành trụ cột của đội tuyển quốc gia như Ngọc Hải, Huy Toàn, Công Phượng,… Ngoài ra, một số gương mặt khác vẫn còn đủ khả năng dự SEA Games 2017, như Công Phượng, Văn Toàn, Tiến Dũng, Duy Mạnh,…

Thế nên, có thể nói đây là lứa U23 tốt nhất so với 3 kỳ SEA Games gần nhất của bóng đá Việt Nam. Và để tạo nên lứa cầu thủ hiện nay, phải công bằng mà nói rằng công phát hiện cũng như bồi dưỡng của HLV Miura khá lớn.

Tấm HCĐ mà đội tuyển U23 Việt Nam giành được cũng chưa thể gọi là thành công trọn vẹn
Tấm HCĐ mà đội tuyển U23 Việt Nam giành được cũng chưa thể gọi là thành công trọn vẹn

Dưới bàn tay của vị HLV người Nhật, nhiều cầu thủ đã trưởng thành vượt bậc so với chính họ trước đó. Đáng kể nhất là trường hợp của Ngọc Hải, một trong những hậu vệ có thể nói là tốt nhất của bóng đá Việt Nam hiện nay, kể từ sau thời của Phước Tứ, Minh Đức.

Rồi đấy còn là trường hợp của Công Phượng, cầu thủ trưởng thành thấy rõ dưới thời HLV Miura, theo hướng hiện đại hơn và đa dạng hơn. Đấy là một Huy Toàn đầy tính bùng nổ và khá ổn định trong suốt nhiều trận đấu, nhiều giải đấu quốc tế mà anh tham dự gần đây.

Sau SEA Games 2011 và nhất là sau SEA Games 2013, người ta không có nhiều niềm tin vào các lứa cầu thủ của bóng đá Việt Nam thời điểm ấy bằng bây giờ. Chi tiết ấy phản ánh đội tuyển của HLV Miura đang giúp bóng đá nội lấy lại niềm tin.

Nhưng cũng khó gọi là thành công

Quay lại với tư thế của đội tuyển U23 Việt Nam trước khi vào giải, rằng khi đó chúng ta là ứng cử viên rất nặng ký cho danh hiệu vô địch. Tư thế ứng cử viên ấy dựa trên dàn cầu thủ đồng đều có mặt trong đội tuyển, dựa vào lượng tuyển thủ quốc gia đầy ắp có mặt ở Singapore, trong màu áo đội tuyển U23. Xét về những tiêu chí ấy, chỉ có Thái Lan ở SEA Games 2015 là có thể so với U23 Việt Nam.

Với tư thế ứng cử viên vô địch, cộng với dàn cầu thủ đồng đều đang có trong tay, người ta kỳ vọng rằng đội bóng của HLV Miura chí ít cũng phải vào đến trận chung kết.

Thành ra, mới có chuyện, lúc đội bóng của vị HLV người Nhật không thể có mặt trong trận đấu cuối cùng, nhiều người đã nói ngay rằng đó là thất bại cay đắng của U23 Việt Nam. Nó cay đắng ở chỗ, trong suốt quá trình dự SEA Games 2015, đội tuyển bóng đá nam hầu như chỉ có 2 trận mang tính sống còn: 1 là trận quyết đấu với Malaysia ở vòng bảng, 2 là trận bán kết với Myanmar.

Thế nhưng, chúng ta lại thua ở 1 trong 2 trận mang tính sống còn ấy, khi chính chúng ta có rất nhiều thời gian chuẩn bị cho trận bán kết (hầu như chỉ đá nhàn nhã từ trận gặp Lào, với Đông Timor, cho đến tận trận cuối vòng bảng với Thái Lan), nhưng vẫn thua.

Cũng từ kết quả của trận bán kết với Myanmar, chúng ta vỡ ra nhiều điều, nhiều điểm mà lâu nay chúng ta ngỡ chúng ta mạnh, nhưng thực chất lại yếu. Ví dụ như kỹ thuật, một đội bóng có kỹ thuật thì không thể dứt điểm hỏng liên tục trong những tình huống thuận lợi, trong khi ngược lại đối phương sút cú nào chắc cú ấy. Ví dụ như tinh thần, một đội bóng có tâm lý tốt, tinh thần, bản lĩnh tốt thì dứt khoát phải biết cách đứng vững ở những thời khắc sinh – tử, trong khi chúng ta thì không (cả thế giới gọi cầu thủ Đức có "tinh thần thép" cũng chủ yếu xuất phát từ chỗ họ luôn đứng vững trong những trận căng thẳng).

Còn tại sao lại có những yếu kém ấy thì đấy là vấn đề mà sau SEA Games, những người quản lý bóng đá nội phải nghiêm túc nhìn lại. Phải nhận ra vị trí đích thực, nhận ra những nhược điểm cơ bản của mình thì mới mong thay đổi, thậm chí thay đổi từ chân đế là cái nền ở giải quốc nội.

Chưa chắc 2 năm nữa, chúng ta đã bắt kịp Thái Lan, hoặc sẽ vượt lên hẳn so với Myanmar sau đây 2 năm. Nhưng nếu không thay đổi, sau 5 – 10, hay 15 năm nữa chẳng lẽ cứ phải chịu cảnh xếp sau những người láng giềng trong khu vực hay sao?

Trọng Vũ