U21 thay U23 đá SEA Games 29: Ai được lợi, ai không?
(Dân trí) - Báo chí trong khu vực mấy ngày nay rất ít đưa tin về chuyện thành phần nào sẽ tham gia môn bóng đá nam ở các kỳ SEA Games từ năm 2017. Hầu như với làng cầu khu vực, họ cũng không còn mấy quan tâm đến đấu trường SEA Games.
Hầu hết những tờ báo có lượng phát hành lớn nhất trong khu vực Đông Nam Á như The Straits Times (Singapore), Bangkok Post (Thái Lan), The Star, hay New Straits Times (Malaysia) không đưa tin về chuyện lực lượng U21 có thể thay thế lứa U23 kể từ SEA Games 2017 tới đây.
Điều đó chứng tỏ, làng cầu khu vực nói chung, cũng như giới thới thể thao Đông Nam Á (đặc biệt là với nhóm các quốc gia mạnh nhất, hiện đại nhất gồm Thái Lan, Singapore) không còn mấy quan tâm đến việc tranh chấp huy chương ở các kỳ SEA Games, kể cả huy chương vàng trong môn bóng đá nam.
Cho đến thời điểm này, ngoại trừ phía đưa ra ý tưởng nọ là Malaysia, cụ thể là Tổng thư ký (TTK) AFF Azzuddin (cũng là một người Malaysia) tỏ vẻ ủng hộ ý tưởng dùng lực lượng U21 để thay thế cho lứa U23 trước đây, chưa thấy nền bóng đá nào khác lên tiếng một cách chính thức, hoặc ủng hộ, hoặc phản đối ý tưởng trên.
Với giới chức bóng đá Thái Lan và Indonesia, họ còn đang phải bận tâm đến những án phạt khác nhau từ phía FIFA, nhằm vào bóng đá nước họ (Indonesia bị “cấm vận” bóng đá trên bình diện toàn thế giới, trong khi chủ tịch LĐBĐ Thái Lan và BCH của FAT bị đình chỉ công tác có thời hạn), hơi đâu nghĩ đến SEA Games.
Với riêng Thái Lan, họ vốn đã là nền bóng đá số 1 khu vực, nên có khi lực lượng nào tham dự SEA Games cũng không thành vấn đề. Vả lại, U23 hay U21 với bóng đá Thái Lan nói cho cùng vẫn là lứa tuổi trẻ, trong khi sức mạnh của một nền bóng đá được các làng cầu chuyên nghiệp như Thái lan nhìn qua lăng kính của đội tuyển quốc gia.
Cho đến nay, Việt Nam là quốc gia tỏ ra dè dặt nhất liên quan đến ý tưởng dùng lực lượng U21 thay thế lứa U23 tại các kỳ SEA Games. Đại diện VFF cho rằng cần có thời gian khoảng vài năm để chuyển đổi lực lượng từ đội tuyển Olympic (tức lứa tuổi 23), sang thế hệ trẻ hơn.
Ngược lại, Malaysia là nước tỏ vẻ ủng hộ quyết định này rõ rệt nhất, trong xu thế trẻ hóa chung của bóng đá xứ Mã. Lực lượng cũ của bóng đá xứ Mã giờ đã khá lớn tuổi, hầu hết đã bước qua bên kia sườn dốc của sự nghiệp.
Trong khi đó, Malaysia có thể cũng muốn tranh thủ việc thi đấu ở lứa tuổi càng trẻ càng tốt để quật ngã Thái Lan ở SEA Games, với hy vọng ở tuổi 21, cầu thủ Thái Lan chưa hoàn toàn trưởng thành về chiến thuật lẫn kỹ thuật, chưa thể hiện sự vượt trội so với phần còn lại của khu vực (giống như U19 Việt Nam từng đánh bại U19 Thái Lan ở giải Đông Nam Á 2013, nhưng cũng 2 lứa ấy nếu lớn thêm vài tuổi thì mọi chuyện chưa biết thế nào?).
Theo quan điểm của chúng tôi, SEA Games chính là đại hội thể thao mang hình thức giống Olympic hoặc Asiad, ở quy mô khu vực, nên cách thức tổ chức môn bóng đá nam cũng nên tương tự như Olympic hoặc Asiad, tức là dành cho đội tuyển Olympic (U23 có tăng cường 3 cầu thủ trên 23 tuổi). Vả lại, càng thay đổi nhiều thì SEA Games càng giống… cái chợ, khi người ta muốn tổ chức sao thì tổ chức.
Riêng chuyện AFF muốn có thêm sân chơi cho lứa U21, họ có thể tổ chức giải vô địch cho riêng lứa tuổi này hàng năm, giống như giải U19 hoặc U17 AFF. Thậm chí, giải U21 có khi cũng không cần thiết, vì mỗi 2 năm/lần, đã có đội tuyển U23 dự SEA Games, trong khi những cầu thủ tốt của lứa U21 dĩ nhiên sẽ có tên trong thành phần các đội U23 của các nước.
Kim Điền