U19 Việt Nam thành công hay thất bại tại VCK U19 châu Á?

(Dân trí) - Nếu hỏi U19 Việt Nam có tiến bộ hay không ở VCK giải châu Á? Câu trả lời sẽ là có tiến bộ! Nhưng tiến bộ ở mức nào mới là vấn đề, và nếu lấy mục tiêu vào bán kết là thước đo, thì việc chúng ta bị loại sớm đã là thất bại!

Thất bại của người làm công tác điều hành

Từ cuối năm 2013, chính những người đang điều hành nền bóng đá Việt Nam đã mạnh dạn đặt mục tiêu vào bán kết U19 châu Á cho U19 Việt Nam, thông qua đó lấy vé dự VCK U20 thế giới vào năm 2015 ở New Zealand.

Vấn đề là tuyên bố ấy được đưa ra theo kiểu nói cho… sướng miệng, ở thời điểm mà chúng ta vừa bất ngờ thắng U19 Australia. Chẳng có bất cứ cơ sở khoa học nào xung quanh tuyên bố trên.

Đấy là điều rất lạ đối với những người làm công tác định hướng. Bởi, khán giả có quyền mơ những giấc mơ không bị đánh thuế, riêng người làm công tác quản lý không thể nói khơi khơi được. Bất cứ mục tiêu nào đều cũng phải dựa trên đánh giá tổng quát về sức mạnh của chúng ta, và đánh giá tốc độ tiến bộ của các đối thủ.

Đằng này, chúng ta hầu như biết rất ít về cách đầu tư cho đội U19 của người Thái Lan, người Myanmar, rằng họ đã làm những gì để lột xác lứa U19 của nước họ. Đến lúc Myanmar oanh liệt vượt qua U19 Việt Nam ở trận chung kết U22 Đông Nam Á, nhiều người mới giật mình, đến lúc Thái Lan và Myanmar đồng loạt vượt qua tứ kết giải châu Á, trong đó có chiến thắng trước Iran, nhiều người thêm bàng hoàng về tốc độ tiến bộ của họ.

Khi đặt mục tiêu vào bán kết giải châu Á cho U19 Việt Nam, kỳ thực nhiều người chỉ... võ đoán
Khi đặt mục tiêu vào bán kết giải châu Á cho U19 Việt Nam, kỳ thực nhiều người chỉ... võ đoán


Thậm chí, chúng ta cũng không đánh giá hết chúng ta, vì rõ ràng có những điểm yếu cố hữu mà U19 Việt Nam sửa đi sửa lại hơn 1 năm này vẫn sửa chưa xong.

Đứng dưới góc độ của những nhà quản lý, một lần nữa những nhà điều hành bóng đá nội đang đi chậm hơn các quốc gia trong khu vực. Rõ ràng là kế hoạch tìm vé đến VCK U20 thế giới của họ tỉ mỉ hơn chúng ta: Để tiếp cận với vòng bán kết giải châu Á, họ gần như đã vạch sẵn lộ trình cần làm gì trước đó, trong khi U19 Việt Nam gần như cứ bị đẩy tới phía trước, theo kiểu cứ đi rồi hy vọng thấy đường.

U19 Việt Nam tiến bộ đến mức nào?

U19 Việt Nam yếu hay mạnh nhìn từ VCK giải U19 giải châu Á là câu hỏi cũng không dễ trả lời? Nếu nhìn cách đá của chúng ta trước U19 Nhật Bản, rồi cách hòa trong thế trận trên chân trước Trung Quốc, nhiều người sẽ bảo đấy là một đội bóng mạnh.

Nhưng vấn đề là chúng ta chỉ mạnh khi mọi sự đã rồi, khi đã chắc chắn bị loại, còn lúc cần mạnh, đoàn quân trong tay HLV Graechen Guillaume lại yếu xìu.

Chúng ta chơi hay trước U19 Trung Quốc trong bối cảnh là chúng ta đã chắc chắn bị loại, cầu thủ chẳng còn bất cứ sức ép gì. Mà đá bóng không sức ép thì lúc nào cũng dễ hơn là đá bóng trong sự kỳ vọng.

Chúng ta suýt hòa U19 Nhật Bản trong bối cảnh mà nói công bằng thì trận đấy U19 Nhật Bản chơi không hay, chứ không phải là do chúng ta quá xuất sắc. Nếu U19 Nhật Bản mà đá hay (hoặc có thêm chút may mắn – 2 lần sút bóng trúng cột dọc), họ đã kết liễu U19 Việt Nam từ sau 2/3 thời gian của trận đấu rồi, chứ không phải chật vật thắng trong phút chót. So về số cơ hội ghi bàn, U19 Nhật Bản trận đấy phải gấp 8 – 10 lần so với U19 Việt Nam.

Nhưng điều quan trọng là khi cần đá hay, U19 Việt Nam lại chơi cực tệ trong trận ra quân đá với U19 Hàn Quốc. Đẳng cấp trong bóng đá đôi khi nằm ở chỗ ấy: Người ta hơn nhau lúc gặp sức ép khủng khiếp nhất, chứ đá bóng không sức ép thì không có nhiều ý nghĩa. Đá bóng không sức ép thì không khác các trận giao hữu, mà bóng đá đỉnh cao thường không coi trọng những trận đấu giao hữu.

Và, U19 Việt Nam tiến bộ đến đâu so với mặt bằng bóng đá châu lục tiếp tục là câu hỏi mà những người làm công tác định hướng đến giờ này có lẽ cũng chỉ dừng ở mức… võ đoán? Xét trên thành tích, U19 Việt Nam đã bị loại sớm, trong khi Myanmar và Thái Lan đều đã vào tứ kết, lại đứng trước cơ hội lịch sử là vào VCK U20 thế giới. Họ đi sâu bằng cách thắng Iran lại càng đáng nói.

Nói U19 Việt Nam không tiến bộ ở giải này thì không đúng, nhưng chúng ta có tiến bộ nhanh hơn các đối thủ chính của chúng ta hay không mới là điều đáng bàn!

Kim Điền